Dung dịch vệ sinh phụ nữ còn gọi là thuốc rửa phụ khoa. Đây là dung dịch có tác dụng tẩy rửa được bào chế dành riêng cho việc vệ sinh vùng kín nhằm phòng ngừa và giảm thiểu bệnh phụ khoa ở phụ nữ. Muốn sử dụng có hiệu quả và an toàn, chị em cần có kiến thức đầy đủ về công dụng của chúng.
Nhận biết viêm sinh dục
Nhiễm khuẩn sinh dục - tiết niệu (gọi tắt là viêm sinh dục) là bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ do cấu trúc niệu đạo ngắn và có vị trí gần hậu môn nên dễ bị vi khuẩn gây bệnh xâm nhập. Khi có sự xâm nhập của các mầm bệnh thì bất cứ phần nào của đường tiểu, sinh dục kể cả phần trên của thận, niệu quản, bàng quang cũng có thể viêm nhiễm, nhưng thường là viêm sinh dục dưới, bao gồm: viêm âm hộ, âm đạo, viêm cổ tử cung. Triệu chứng chung biểu hiện tình trạng viêm sinh dục thường là bị “huyết trắng” hay còn gọi là “khí hư”, một dịch trong nhầy, không màu, tiết ra từ cửa mình người nữ (gọi là “trắng” để phân biệt không phải “máu”). Tuy nhiên cần phân biệt rõ: huyết trắng sinh lý và huyết trắng bệnh lý.
Khi bị viêm sinh dục, huyết trắng sẽ có mùi hôi, màu trắng đục, xanh hay vàng nhạt, gây ngứa có thể kèm theo tiểu dắt, tiểu buốt, giao hợp đau. Tác nhân gây viêm âm đạo có nhiều loại, có thể do vi khuẩn gây bệnh lậu, do trùng roi (loại ký sinh trùng sống trong nước ở đồng ruộng, sông nước), do vi nấm (như nấm Candida gây ngứa), hay do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gọi là “tạp trùng”.
Và dùng đúng thuốc vệ sinh phụ nữ
Cần xác định, dung dịch vệ sinh phụ nữ (thuốc rửa phụ khoa) không phải thuốc trị bệnh... Vì thế, không nên lạm dụng nó.
Tiêu chuẩn của dung dịch vệ sinh phụ nữ được bào chế phải phù hợp với độ pH có trong môi trường âm đạo. Chúng được dùng để hỗ trợ trong điều trị viêm nhiễm âm hộ, âm đạo… Các dung dịch này phải không gây khô, rát, không thay đổi độ pH, không làm chết vi khuẩn thường trú có lợi. Trong sinh hoạt hàng ngày, khi vấn đề vệ sinh không đạt yêu cầu và bắt đầu có sự viêm nhiễm, có thể sử dụng thuốc rửa phụ khoa để rửa âm hộ, âm đạo.
Nhiều thuốc rửa phụ khoa chứa đồng sulfat là hoạt chất sát trùng tại chỗ, có tác dụng diệt các loại vi khuẩn gây bệnh trên da và niêm mạc (như staphylococcus, streptococcus), trị vi nấm đặc biệt là nấm men Candida và trùng roi trichomonas. Các thuốc rửa phụ khoa đều có chứa tá dược tẩy rửa thích hợp, chứa chất tạo pH lý tưởng cho môi trường âm hộ, âm đạo của phụ nữ, ví dụ acid lactic, lactoserum được xem là thành phần tự nhiên được chiết xuất từ sữa tươi, giúp việc rửa sạch âm hộ, âm đạo.
Chỉ nên dùng thuốc rửa phụ khoa rửa âm hộ, âm đạo trong một thời gian nhất định để đạt yêu cầu vệ sinh cá nhân hoặc khi nghi ngờ có sự viêm nhiễm sinh dục dưới. Nếu dùng thuốc quá thường xuyên và kéo dài khi không có dấu hiệu bất thường ở bộ phận sinh dục có thể làm chết đi các vi khuẩn có ích sống tại bộ phận sinh dục có tác dụng bảo vệ chống sự xâm nhiễm của các mầm bệnh.
Không nên dùng thuốc rửa phụ khoa vệ sinh vùng kín quá nhiều lần trong ngày. Khi sử dụng thuốc rửa phụ khoa nếu thấy vùng kín bị nóng rát, đỏ bất thường và khó chịu, cần ngưng sử dụng ngay và nên đến bác sĩ để khám vì có thể bạn đã bị dị ứng với một thành phần nào đó có trong thuốc rửa. Đặc biệt, nếu dùng thuốc rửa phụ khoa mà huyết trắng bệnh lý vẫn kéo dài nên đi bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị đúng. Một số phụ nữ trẻ do e ngại việc khám phụ khoa và giấu giếm bệnh khiến huyết trắng bệnh lý, viêm sinh dục kéo dài dẫn đến vô sinh sau này, tức không thể có con trong điều kiện tự nhiên…
Điều hết sức quan trọng đối với phụ nữ là phòng ngừa huyết trắng bệnh lý và các bệnh nhiễm trùng sinh dục - tiết niệu nói chung. Giữ vệ sinh bộ phận sinh dục được xem là yêu cầu hàng đầu bằng cách: năng rửa ráy, vệ sinh sau khi tiêu tiểu; không mặc quần lót quá chật, nên thay quần lót mỗi ngày, giặt, phơi, ủi quần lót sạch sẽ, không để ẩm; Vệ sinh kinh nguyệt tốt vì kinh nguyệt là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, mầm bệnh phát triển (thay băng vệ sinh thường xuyên, tránh giao hợp khi có kinh nguyệt); Giữ vệ sinh sau khi sinh hoạt vợ chồng và giáo dục cho trẻ em gái có ý thức vệ sinh cá nhân ngay từ nhỏ.
Theo PGS.TS.Nguyễn Hữu Đức (Sức Khỏe & Đời Sống)