Hậu quả của cắt tử cung bao gồm mỏi mệt, trầm cảm, nhức đầu, khô âm đạo và các vấn đề về đường tiết niệu. Những phụ nữ bị cắt tử cung có nguy cơ cao bị bệnh tim, viêm khớp và loãng xương.Vì vậy, chỉ quyết định cắt tử cung khi đã bị ung thư rõ ràng chứ không phải để phòng ngừa ung thư. Những lí do chính để phải cắt tử cung là u xơ, sa sinh dục và lạc nội mạc tử cung.
Có một số bằng chứng cho thấy cắt tử cung và cổ tử cung trong phẫu thuật cắt tử cung hoàn toàn có ảnh hưởng đến chất lượng và cường độ của cảm giác lên đỉnh vì: tử cung và các cơ của thành âm đạo co thắt khi có khoái cực và sự phân bố thần kinh chi phối đáp ứng tình dục và khoái cực có thể đã bị cắt hay phá hủy. Cũng có bằng chứng về vai trò của cổ tử cung trong cơ chế phát sinh khoái cực; rất nhạy cảm khi đụng chạm, do đó, khi bị rung chuyển do cơ quan sinh dục của nam giới sẽ kích thích các đầu mút thần kinh để tạo ra khoái cực.
Nhiều phụ nữ sau cắt tử cung hoàn toàn có thể cảm thấy không còn đạt được khoái cực. Một nghiên cứu về khoái cực sau cắt tử cung hoàn toàn nhận thấy rằng cứ 5 phụ nữ bị cắt tử cung thì có 1 người cảm thấy ít có khoái cực hơn. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác cũng thấy có sự khác biệt về tần suất khoái cực ở phụ nữ không có tử cung và/hoặc cổ tử cung so với những phụ nữ vẫn còn những cơ quan này.
Có thể mất cảm giác lên đỉnh (còn gọi là khoái cực) khi quan hệ tình dục bình thường nhưng vẫn có thể có với những cách khác. Có thể thử tạo ra khoái cực bằng sự kích thích vùng âm vật hay điểm G – những vùng rất nhạy cảm ở một số người. Điểm G nằm ở thành trước âm đạo giữa mặt sau của xương vệ và cổ tử cung, điểm G bao quanh niệu đạo và phồng lên khi có cảm xúc tình dục. Với một số người, điểm G có vai trò quan trọng trong sự phát sinh khoái cực và khoái cảm nhưng với nhiều người khác lại không cảm nhận gì đặc biệt. Cũng như thế đối với âm vật, điểm G không có đáp ứng giống nhau ở mọi phụ nữ.
Theo BS. Hồng Anh (Sức Khỏe & Đời Sống)