Ảnh minh họa. |
Việc phải cắt cả hai buồng trứng ở phụ nữ chưa dậy thì và đã dậy thì (đánh dấu bằng hiện tượng kinh nguyệt lần đầu) có những thay đổi khác nhau. Nếu bị cắt cả hai buồng trứng khi chưa dậy thì, thì nhiều dấu hiệu sinh lý sẽ ngừng hoặc mất đi. Chẳng hạn như không ra kinh nữa, ngực ngừng phát triển, lông không mọc... Nếu cắt khi đã qua tuổi dậy thì, khi sự phát triển cơ thể đã hoàn thành rồi thì chỉ mất đi hiện tượng hành kinh hàng tháng.
Về mặt ham muốn tình dục thì không bị ảnh hưởng do phải cắt hai buồng trứng, vì hormon testosteron mới là hormon duy trì ham muốn tình dục ở cả nam và nữ. Với nữ giới bình thường, tăng nồng độ estrogen không làm tăng dục năng; nhưng nếu cung cấp testosteron cho nữ lại làm tăng ham muốn tình dục. Sở dĩ cắt hai buồng trứng nhưng ham muốn tình dục ở chị em không bị ảnh hưởng là vì tuyến thượng thận cũng bài tiết testosteron nên nam giới dù có bị cắt tinh hoàn và nữ giới bị cắt hai buồng trứng hay bước vào tuổi mãn kinh (nghĩa là hoạt động bài tiết estrogen đã giảm đi) thì ham muốn tình dục không phải đã hết. Chỉ khi cắt bỏ cả buồng trứng và tuyến thượng thận thì mới suy giảm ham muốn tình dục. Tuy nhiên trong một số trường hợp, thầy thuốc cắt hai buồng trứng nhưng vẫn cố gắng bảo tồn mô lành của buồng trứng để duy trì chức năng nội tiết. Mô lành còn lại vẫn có thể hoạt động bù, không gây thiếu hụt về nội tiết và không ảnh hưởng đến đời sống tình dục.
Vì vậy trong trường hợp bệnh nhân có chỉ định cắt cả hai buồng trứng thì cứ yên tâm điều trị theo phác đồ của thầy thuốc mà không phải lo lắng sẽ bị ảnh hưởng đời sống chăn gối.
Theo Bs Băng Tâm (Sức Khỏe & Đời Sống)