Là phụ nữ, ai cũng ít nhất một lần bị viêm nhiễm phụ khoa. Bệnh cần được chữa trị kịp thời để tránh gây biến chứng.
“Thủ phạm” ở ngay quanh ta
Bệnh phụ khoa ở phụ nữ có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân sau:
Do quan hệ tình dục thiếu lành mạnh: Việc quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, không dùng bao cao su khi quan hệ tình dục, không vệ sinh trước và sau khi quan hệ hoặc quan hệ tình dục trong môi trường kém sạch sẽ... khiến phụ nữ dễ mắc các bệnh phụ khoa, đồng thời phụ nữ cũng dễ dàng mắc phải các bệnh xã hội nguy hiểm như: lậu, giang mai, Herpes... Các bệnh xã hội này cũng thường kéo theo các bệnh phụ khoa nguy hiểm.
Do vệ sinh vùng kín kém sạch sẽ: Cơ quan sinh dục của phụ nữ thường xuyên tiết dịch ẩm ướt và ở đây cũng có rất nhiều vi khuẩn cư trú. Do đó, chỉ cần chị em không vệ sinh cẩn thận cho “cô bé” là vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng sẽ tận dụng cơ hội sinh sôi phát triển và gây viêm nhiễm.
Do chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc căng thẳng: Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực trong công việc, gia đình làm sức khỏe của chị em giảm sút, sức đề kháng cũng kém đi, khiến phụ nữ mắc bệnh phụ khoa ngày càng gia tăng.
Nạo hút thai nhiều lần: Phá thai ở những cơ sở y tế kém chất lượng, dụng cụ y tế phá thai không đảm bảo cũng là tác nhân gây viêm nhiễm phụ khoa. Việc nạo hút thai nhiều lần khiến cơ quan sinh dục bị tổn thương cũng là nguyên nhân gây các viêm nhiễm phụ khoa.
Các bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ
Viêm âm đạo: Viêm âm đạo có thể do vi khuẩn, nấm, trùng roi... Khi bị viêm âm đạo, chị em thường thấy các biểu hiện: Có khí hư trắng hay hơi vàng, có khi đặc như mủ, niêm mạc âm đạo hơi đỏ (viêm âm đạo do tạp khuẩn), ngứa nhiều vùng âm hộ trước, trong và sau khi có kinh. Khí hư có màu trắng đục, loãng, có bọt, âm đạo viêm đỏ (viêm âm đạo do ký sinh trùng) và ngứa nhiều vùng âm hộ vào giữa chu kỳ kinh, khí hư đặc như bột, có ánh trắng, âm đạo có màu đỏ tím (viêm âm đạo do nấm).
Viêm lộ tuyến cổ tử cung: Là tình trạng các tuyến cổ tử cung bị bộc lộ ra ngoài niêm mạc, nên các tuyến này rất dễ bị viêm nhiễm do vi khuẩn, do nấm, do các ký sinh trùng hoặc tạp trùng. Viêm lộ tuyến cổ tử cung cũng có nguyên nhân chủ yếu do viêm hoặc sang chấn như rách cổ tử cung, nạo hút nhiều lần làm hủy hoại các lớp mô bên trong cổ tử cung gây nên lộ tuyến. Khi bị viêm lộ tuyến sẽ có các biểu hiện rõ rệt nhất là khí hư nhiều (màu vàng nhạt, hoặc vàng xanh...), cảm giác đau vùng âm hộ và tăng lên khi đi lại.
Viêm cổ tử cung: Là dạng viêm nhiễm xảy ra tại cổ tử cung, do nhiều nguyên nhân gây ra như: vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, đúng cách, đặc biệt trong thời gian hành kinh, quan hệ tình dục không an toàn, viêm nhiễm sau sinh con hoặc sẩy thai. Bệnh viêm cổ tử cung bao gồm các triệu chứng dễ nhận biết như: ra nhiều khí hư màu vàng hoặc xám, có mủ kèm theo mùi hôi khó chịu, xuất huyết âm đạo, đau và chảy máu khi quan hệ tình dục, đau lưng và bụng dưới. Khi bị viêm mà không được điều trị sớm và đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: viêm tắc vòi trứng, dính cổ tử cung, thậm chí gây vô sinh ở nữ giới.
Viêm phần phụ (ống dẫn trứng, buồng trứng): Khi bị viêm phần phụ, người bệnh thường có biểu hiện như: Đau bụng vùng hạ vị hoặc hố chậu, sốt cao, từng cơn hay liên tục. Khí hư nhiều, có mùi hôi lẫn mủ.
Biện pháp phòng tránh
Bệnh phụ khoa rất hay tái phát, vì vậy để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, chúng ta nên thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Không nên để căng thẳng kéo dài, vì stress kéo dài có thể làm rối loạn hormon và làm suy yếu hệ miễn dịch. Thực hiện vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên và đúng cách. Quan hệ tình dục an toàn một vợ một chồng, dùng bao cao su trong quan hệ tình dục. Không nên quan hệ tình dục thô bạo, làm vùng kín tổn thương dễ nhiễm khuẩn. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng đến 1 năm/lần ngay cả khi cơ thể không có dấu hiệu viêm nhiễm. Đặc biệt, nếu đã có quan hệ tình dục thì bạn cần đi khám phụ khoa định kỳ từ 3 - 6 tháng/lần.
Theo BS. Tâm Anh (Sức Khỏe & Đời Sống)