Tiền mãn kinh và mãn kinh
Tiền mãn kinh (Perimenopause) là một quá trình chuyển đổi mãn kinh, khoảng thời gian trong đó, cơ thể người phụ nữ thay đổi chu kỳ tự nhiên từ nhiều hay ít thường xuyên rụng trứng và kinh nguyệt đến vô sinh vĩnh viễn, hoặc mãn kinh. Thường xảy ra ở độ tuổi 40 - 55, với các dấu hiệu điển hình như kinh nguyệt bất thường, dài hơn, ngắn hơn, kinh ra nhiều hơn hoặc ít hơn so với 28 ngày tiêu chuẩn.
Cơ chế gây tiền mãn kinh chính là do mất cân bằng hoặc rối loạn nội tiết tố nữ estrogen và progesterol, bắt đầu từ tuổi 40 trở ra khi buồng trứng suy giảm hoặc ngưng trệ chức năng bài tiết hormon sinh dục nữ...
Ở giai đoạn này triệu chứng biến thiên không ai giống ai. Phổ biến là sự thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt, vòng kinh tự nhiên thưa hơn và lượng kinh ít dần kèm theo biểu hiện như đã đề cập ở trên. Có người xảy ra sớm hoặc muộn hơn so với những người khác. Xảy ra sớm thường gặp ở nhóm hút thuốc lá, tiền sử gia đình, không sinh con, điều trị ung thư thời trẻ, đã cắt bỏ tử cung...
Sau tiền mãn kinh là giai đoạn mãn kinh (Menopause), đây là tình trạng không hành kinh vĩnh viễn và không còn khả năng sinh sản tự nhiên, hiện tượng sinh lý bình thường do buồng trứng suy giảm, các hormon sinh dục không còn được chế tiết dẫn đến những biến đổi và rối loạn tạm thời một số chức năng tâm sinh lý.
Mãn kinh được xác định khi người phụ nữ không hành kinh 12 tháng và là một quá trình biến đổi rất dài, từ suy giảm chức năng rụng trứng, buồng trứng ngừng sản sinh tế bào trứng, lượng hormon thay đổi, kinh nguyệt từ rối loạn đến ngừng hẳn, teo cơ quan sinh dục…
Thông thường, mãn kinh bắt đầu từ tuổi 40, kéo dài vài năm trước kỳ kinh cuối tới 1 - 2 năm sau đó, trung bình kéo dài khoảng 10 - 20 năm.
Các triệu chứng tiền mãn kinh - mãn kinh xảy ra đối với cơ thể khác nhau tùy từng thể trạng. Có thể là một số triệu chứng nhẹ thoáng qua, hoặc hàng loạt biến đổi tâm sinh lý, như tiểu nhiều lần, tiểu khó, tiểu rắt, bốc hỏa, rối loạn giấc ngủ và đổ mồ hôi trộm ban đêm, hành kinh bất thường dừng đột ngột, hoặc dần dần nhẹ đi hay nặng đi trước khi ngưng hẳn. Âm đạo bị teo dần khiến giao hợp đau đớn.
Ngoài ra, mãn kinh còn gây ra nhiều bất lợi khác, đặc biệt là chứng loãng xương, giòn dễ gãy.Sau hai giai đoạn trên là giai đoạn thứ ba, thời hậu mãn kinh bắt đầu từ tuổi 55. Lúc này cơ thể đã thích ứng được với sự suy giảm lớn của nội tiết tố nữ, các cơ quan có hiện tượng lão hóa, da dẻ nhăn nheo, tóc bạc trắng, răng rụng, sức khỏe giảm sút....
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuổi mãn kinh trung bình là 50 nhưng cũng có thể xảy ra giữa tuổi 40 đến 60 tuổi. Riêng phụ nữ ở các nước phát triển, tuổi mãn kinh trung bình là 51 - 52, ở Việt Nam thường trong độ tuổi từ 45 - 52.
500.000 xe sản xuất, triệu lời cảm ơn
Toyota nỗ lực không ngừng vì sự phát triển của Việt Nam
Khô hạn và đau khi “yêu”
Tiền mãn kinh và mãn kinh là quá trình “biện chứng” ở phụ nữ tuổi 40 hoặc 50 do sụt giảm hormone sinh dục, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tình dục.
Các triệu chứng ấy được gọi chung là hội chứng GSM (genitourinarysyndrome of menopause), tạm dịch, Hội chứng niệu dục thời mãn kinh.
Theo thống kê, có tới 50 % phụ nữ mãn kinh từng trải qua GSM, thực tế có thể cao hơn do thống kê, báo cáo không đầy đủ.
Âm hộ, âm đạo, niệu đạo và bàng quang (đường sinh dục dưới) rất nhạy cảm với sự sụt giảm hormone do mãn kinh, nhất là sự sụt giảm mức estrogen có thể tạo ra những thay đổi về cách thức, cảm giác và chức năng của đường sinh dục dưới.
Một trong những cấu trúc nhạy cảm là âm vật, nơi chứa khoảng 8.000 đầu tận dây thần kinh, khi chạm vào thường dẫn đến khoái cảm tình dục. Nói cách khác, âm vật của phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tình dục. Âm vật được bảo vệ bởi môi âm hộ và được bổ sung thêm một lớp da gọi là mũ trùm âm vật hay bao quy đầu. Sự sụt giảm nồng độ estrogen do mãn kinh sẽ gây ra một số thay đổi về âm hộ. Đầu tiên, mất đi lớp mỡ trong môi âm hộ, làm giảm thể tích hoặc kích thước của môi âm hộ.Không đủ estrogen khiến môi bé mỏng và teo, sau đó hợp nhất với môi lớn, khiến dịch tiết bảo vệ bị suy giảm.
Việc mất lớp đệm và bôi trơn này làm lộ ra các cấu trúc cơ bản nhạy cảm hơn như âm vật và âm đạo dễ bị trầy xước, chấn thương. Những thay đổi này thường khiến cho các hoạt động tình dục dễ bị đau đớn và giảm hứng tình dục. Nhiều phụ nữ, những thay đổi này diễn ra nhanh và triệt để nên xuất hiện tình trạng đau âm vật mạn tính không liên quan đến tình dục.
Giống như âm hộ, mãn kinh cũng mang đến những thay đổi khó chịu cho âm đạo.Âm đạo được lót bằng một loại mô da đặc biệt bao gồm ba lớp.Lớp trên cùng hoặc bề ngoài rất nhạy với estrogen. Trong thời kỳ sinh sản, nồng độ estrogen bình thường giữ cho niêm mạc âm đạo dày và được bôi trơn đầy đủ, giúp âm đạo chống lại chấn thương và thúc đẩy tính đàn hồi và phục hồi, diễn ra bình thường để giúp sinh em bé. Nhưng khi sụt giảm estrogen hoặc mãn kinh, âm đạo bắt đầu teo, làm cho thành âm đạo trở nên mỏng và khô, mất tính đàn hồi và bôi trơn gây ngứa hoặc đau rát khiến chuyện chăn gối trở nên đau đớn. Những thay đổi này còn làm cho âm đạo của phụ nữ dễ bị chấn thương khi quan hệ tình dục hoặc khi khám phụ khoa. Teo âm đạo dẫn đến thu hẹp cửa âm đạo và cuối cùng có thể dẫn đến hẹp âm đạo “toàn tập”.
Có một số tranh luận cho rằng, mãn kinh còn làm thay đổi đường tiết niệu dưới (bàng quang và niệu đạo) vì liên quan đến hormone hay tuổi tác.
Thực tế, khoa học đã tìm thấy bằng chứng khi phụ nữ bước vào tiền mãn kinh - mãn kinh kéo theo các vấn đề về đường tiết niệu, nhất là bàng quang và niệu đạo (ống dẫn tiểu ra khỏi bàng quang). Giống như âm hộ và âm đạo, các mô bàng quang cũng mất đi thể tích và độ đàn hồi, không mở rộng như trước nên đi tiểu nhiều lần hơn hoặc són tiểu hay tiểu rớt. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) cũng có thể phổ biến hơn trong thời kỳ mãn kinh do nồng độ vi khuẩn gây UTI gia tăng. Ngoài ra, lớp lót niệu đạo mỏng đi giúp vi khuẩn dễ xâm nhập vào bàng quang hơn.
Giải pháp giảm bớt triệu chứng
Nếu xuất hiện các triệu chứng GSM nhẹ và không muốn điều trị bằng liệu pháp hormone, có thể sử dụng chất bôi trơn âm đạo hoặc kem dưỡng ẩm. Những sản phẩm này có sẵn tại quầy thuốc, chất bôi trơn chính là sự lựa chọn tốt nhất nếu bị đau khi quan hệ tình dục, giúp bôi trơn tốt như trước khi mãn kinh, làm giảm ma sát, đau và chấn thương liên quan đến hoạt động tình dục và có tác dụng tức thì, dễ kiếm và dễ sử dụng.
Tuy nhiên, một số chất bôi trơn gốc nước có chứa glycerin có thể gây kích ứng và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nấm men. Bôi trơn gốc silicone, an toàn khi sử dụng với bao cao su latex nhưng chúng có thể làm ố vải. Bôi trơn gốc dầu, không an toàn khi sử dụng với bao cao su latex vì chúng có thể làm cho bao cao su bị hỏng làm tăng nguy cơ tiếp xúc với các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Không giống như chất bôi trơn âm đạo, kem dưỡng ẩm âm đạo được sử dụng để cải thiện một số triệu chứng GSM không liên quan đến tình dục.Các chất dưỡng ẩm này hoạt động bằng cách giữ độ ẩm trong các mô và giúp giảm các triệu chứng lâu hơn. Kem dưỡng ẩm âm đạo thường được bôi hàng ngày để cải thiện tình trạng khô và kích ứng do teo âm hộ. Dầu ô liu và dầu dừa cũng có tác dụng giữ ẩm âm đạo.
Khi chất bôi trơn và chất giữ ẩm làm dịu các triệu chứng của GSM, các sản phẩm có chứa hormone thực sự cải thiện lưu lượng máu và trả lại độ dày và độ đàn hồi cho âm đạo.Nói cách khác, chúng có thể khắc phục vấn đề thay vì chỉ điều trị các triệu chứng của GSM.Mặc dù dùng hormone toàn thân dưới dạng thuốc viên hoặc miếng dán có thể làm giảm teo âm đạo, nhưng hầu hết các sản phẩm có kết quả tốt nhất đều được bôi trực tiếp vào âm đạo mới cải thiện đáng kể trong các triệu chứng trong vòng một vài tuần.
Ngoài ra còn có viên nén âm đạo, được sử dụng theo lịch trình giống như kem bôi âm đạo nhưng có xu hướng ít lộn xộn hơn. Bộ điều tiết thụ thể Estrogen chọn lọc (SERM) là một loại hormone tổng hợp hoạt động như estrogen và ngăn chặn hoạt động estrogen ở các bộ phận khác nhau.Ví dụ một dạng SERM là tamoxifen, một chất chống estrogen mạnh được sử dụng để điều trị ung thư vú nhưng cũng gây ra các cơn bốc hỏa và khô âm đạo.
Tiếp đến là DHEA âm đạo, đây là một lựa chọn để điều trị GSM, nó là tiền chất nội tiết tố estrogen, DHEA đã được Cục quản lý Thực - dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn để điều trị các triệu chứng của GSM, dùng chèn âm đạo hàng ngày. Khi ở trong âm đạo, hormone DHEA được chuyển đổi thành estrogen bởi các tế bào trong âm đạo. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy vì estrogen được sản xuất bên trong và sau đó được sử dụng trực tiếp bởi các tế bào âm đạo, nên không có sự hấp thụ estrogen vào máu nên được xem là ưu thế đối với nhóm phụ nữ khi dùng estrogen không an toàn.
Theo B.S Bích Kim (Sức Khỏe & Đời Sống)