Mơ thấy chồng ép quan hệ tình dục
Bà Lê Phương Thúy, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD) kể câu chuyện về những phụ nữ bị bạo lực tình dục đến thân tàn ma dại.
Chị H là một trí thức. Khi quen, chồng chị đòi quan hệ tình dục nhiều lần nhưng chị không đồng ý. Đêm tân hôn anh ta coi chị “như con thú”. Anh ta nhảy vào người, quan hệ thô bạo, làm chị hoảng loạn, sợ hãi. Tuy vậy, anh ta vẫn phớt lờ nỗi đau đớn của chị, ép chị quan hệ tình dục hằng đêm. Khi không được thoả mãn, anh ta chửi rủa, đuổi chị ra khỏi nhà. Chị phải thuê nhà ở. Chồng đến xin lỗi. Hai vợ chồng thuê nhà ở riêng và chị tiếp tục bị anh ta ép quan hệ tình dục (ngay cả khi bị bệnh). Chị H. cảm thấy bất lực vì ngay cả cơ thể của mình mà mình cũng không được làm chủ. Chị thấy mình không bằng một con vật.
Khi chị không đáp ứng, anh ta đánh, tát chảy máu mồm, ngồi lên ngực, đấm liên tiếp và nhổ nước bọt vào mặt, nhét giẻ vào mồm đến mức ngất đi. Chị báo với công an phường và hai vợ chồng được mời cùng làm việc. Tuy vậy, công an phường trách chị “Mới kết hôn mà đã không cho chồng quan hệ. Nếu là anh, anh cũng không chịu được” và nói với chồng chị “Lấy vợ kiểu gì mà nó không cho ngủ?”… và tiếp tục chịu đựng bạo lực tình dục .
Chị H. tìm đến Ngôi nhà bình yên của Trung tâm phụ nữ và phát triển nói trong nước mắt: “Anh ấy đối xử với tôi như là người phạm tội”.
Tại đây, chị đã hiểu các quyền sống, quyền tự do... đặc biệt là quyền tự do tình dục và chị không coi việc đáp ứng nhu cầu tình dục của chồng là nghĩa vụ. Chị lựa chọn cuộc sống tự do vì biết anh ta không thể thay đổi.
Bà Lê Phương Thúy tiếp tục kể câu chuyện của chị A. ở Hà Nội bị chồng bạo lực tình dục. Chị A làm nghề tẩm quất. Chồng chị có những hành vi quan hệ tình dục khiến chị khiếp sợ và cảm thấy nhục nhã. Bắt chị xem phim đen, clip gái quan hệ với anh ta và lặp lại hành vi trong phim, clip. Chị A coi đó là “tình dục ma quỷ”.
Không những thế, người chồng còn bắt chị A quan hệ tình dục dưới mọi hình thức, ngay cả khi chị đang ngủ cũng bị bắt quan hệ nhiều giờ….
Không dừng lại ở đó, chị A còn bị bạo lực thể xác. Người chồng có hành vi bất thường đang vui vẻ, ăn uống, quay ra chửi rủa, giật tóc, lột quần áo chị bất kỳ ở đâu, nhiều lần doạ dẫm sẽ tưới xăng đốt nhà, giết chết 3 mẹ con chị; bôi ớt vào quần lót để trừng phạt việc “từ chối”.
Chị tìm đến Ngôi nhà bình yên trong sợ hãi đến cao độ. Ban ngày luôn cảm giác anh ta hiện diện ở đâu đó. Ban đêm, những cơn ác mộng, kéo đến làm chị không dám ngủ, có đêm chị thức trắng. Có lần chị đang ngủ đột ngột tỉnh dậy, mồ hôi vã ra như tắm, chị vùng dậy chạy, hoảng sợ kêu khóc vì mơ thấy chồng đang ép quan hệ tình dục.
Sau một thời gian, chị A đã sống trong môi trường an toàn, được ổn định về tâm lý. Giờ đây, chị đã biết rõ về quyền phụ nữ và quyền tự do tình dục.
Nói ra sợ bị chê cười
Bà Lê Phương Thúy phân tích, những người đàn ông có hành vi bạo lực tình dục luôn coi phụ nữ là công cụ trút bỏ xui xẻo, xoa dịu sự thất bại, bất lực... Họ chỉ coi đó là công cụ để chứng minh quyền lực, sự kiểm soát với phụ nữ.
Khi nạn nhân không đồng ý, đồng thời sẽ bị ép buộc quan hệ tình dục, áp dụng “chiến thuật” bạo lực từ thấp đến cao như chửi bới, sỉ nhục, so sánh, đánh đấm, đạp, bóp cổ lắc hàm, dọa hủy hoại vùng kín, theo dõi quần áo, hành vi, đường đi và suy diễn hoặc dựng chuyện ngoại tình đổ lỗi, làm cho nạn nhân tin mình là kẻ tồi tệ, không dám nói ra và chấp nhận bạo lực trong vô vọng ...
Cũng theo bà Thúy, không những thế, phụ nữ lại tin rằng, quan hệ hôn nhân đồng nghĩa với việc phải đồng ý quan hệ tình dục vĩnh viễn. Bên cạnh đó, nạn nhân sợ bị chê cười nói ra câu chuyện nhạy cảm, bị coi thường…
Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Thu Giang, Phó Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng cũng cho rằng, từ rào cản nhận thức về bạo lực tình dục tạo ra rào cản về mặt thể chế. Những rào cản này phần lớn khiến các vụ bạo lực tình dục rơi vào im lặng. Nạn nhân và gia đình thà chấp nhận thiệt thòi còn hơn tìm kiếm công lý. Vì không ít người được phát hiện lại chưa được giải quyết, nạn nhân rơi vào tình trạng bi đát hơn.
Bs Nguyễn thu Giang |
“Trong bạo lực tình dục, thủ phạm thường ẩn giấu, lúc đó chỉ còn nạn nhân hiển hiện ở đó, nên mọi người lại quy tội cho nạn nhân. Đây là một thực tế đáng buồn. Vì thế, nếu chúng ta ý thức rằng, quấy rối tìn dục, bạo lực tình dục là hành vi phải lên án thì hãy nhìn thẳng, nhìn thật, thay vì xấu hổ, hãy lên tiếng”, bà Giang chia sẻ.
Bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến, sức khỏe và dân số nhắn nhủ: “Bất kỳ ai cũng có quyền được lựa chọn bạn tình; Quyền được quyết định về thân thể; Quyền quyết định có quan hệ tình dục hay không; Quyền có mối quan hệ tình dục đồng thuận; Quyền có quan hệ tình dục an toàn và thỏa mãn”.
Theo Diệu Thu (Dân Việt)