Bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTTD) là những bệnh gây tổn thương chủ yếu ở đường sinh sản (âm đạo, tử cung, vòi trứng và buồng trứng ở nữ; dương vật, tinh hoàn ở nam). Hiện có khoảng 20 bệnh LTTD. Các bệnh thường gặp là: lậu, giang mai, Chlamydia, sùi mào gà, hạ cam mềm, viêm âm đạo, mụn rộp sinh dục, viêm gan siêu vi B, HIV/AIDS. Một số bệnh LTTD có thể điều trị được như: lậu, giang mai, Chlamydia, sùi mào gà , hạ cam mềm, viêm âm đạo. Có bệnh không điều trị được hoặc trị không khỏi hẳn như: HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, mụn rộp sinh dục...
Mầm bệnh cư trú ở dịch nhờn sinh dục, các vết sưng, vết loét, trong máu..., sau đó lây truyền qua các vết trầy xước trong khi quan hệ tình dục (giang mai, hạ cam mềm), vi khuẩn bám dính vào niêm mạc sinh dục (lậu, sùi mào gà, trùng roi, nấm).
Đối tượng nào dễ nhiễm các bệnh LTTD?
Bất cứ ai đã có quan hệ tình dục đều có nguy cơ nhiễm bệnh LTTD: Những người có quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn. Người có nhiều bạn tình, người hành nghề mại dâm. Người sử dụng ma túy, đặc biệt là thuốc lắc (ectasy). Vị thành niên và thanh niên trẻ từ 15 - 25 tuổi. Phụ nữ cũng có nguy cơ nhiều hơn nam bị nhiễm các bệnh LTTD, nhất là phụ nữ trẻ vì tần suất quan hệ tình dục nhiều và mạnh bạo hơn nên dễ gây tổn thương cho niêm mạc âm đạo, mở đường cho các bệnh LTTD, nhiễm khuẩn và cả HIV/AIDS xâm nhập.
Đa số bệnh LTTD là tiềm ẩn, phụ nữ thường mắc nhiều hơn nam giới nhưng khó phát hiện hơn, do đó rất nguy hiểm vì không biết mắc bệnh khi nào nên không đi khám bệnh; không biết để phòng ngừa cho người khác nên dễ lây lan ra cộng đồng. Người bệnh thường có tâm lý e ngại, tự ti mặc cảm, muốn che giấu, khi có dấu hiệu bệnh không muốn đi khám mà tự đi mua thuốc uống nên bệnh không hết hẳn. Các bệnh chữa trị được ngày càng ít đi trong khi các bệnh khó trị hoặc không trị khỏi ngày càng nhiều hơn.
Cần làm gì để phòng bệnh?
Để phòng bệnh, nên có đời sống tình dục lành mạnh, một vợ một chồng, dùng bao cao su để phòng lây nhiễm bệnh. Giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ. Thăm khám phụ khoa định kỳ, 2 lần/năm để phát hiện bệnh sớm.
Phụ nữ cần phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và làm những test (xét nghiệm) trong những tình huống sau: Đã có nhiều bạn tình hay bạn tình của mình là người đã có nhiều người tình. Đã từng có quan hệ tình dục với người đã bị bệnh LTTD (bằng chứng là đã có test dương tính với một bệnh LTTD nào đó). Nếu có tiền sử hay bị bệnh LTTD tái diễn thì cũng cần định kỳ làm test phát hiện.
Theo B.S Hoàng Quyên (Sức Khỏe & Đời Sống)