1. Một bộ phim được những người làm nghề đánh giá là “tử tế”, thậm chí là phim Việt hay nhất từ đầu năm đến nay, đó là “Song lang”. Đây là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Việt kiều Leon Lê, từ kịch bản của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc và Leon Quang Lê. Tên phim, được đặt theo tên một loại nhạc cụ quan trọng trong cải lương, nhưng nó cũng mang một tầng ý nghĩa khác - hai người đàn ông.
Xem xong, nghệ sĩ Hữu Châu đánh giá: “Tôi, cá nhân tôi thôi, là con cháu cải lương, nhà tôi cải lương hơn 80 năm rồi, tôi là nòi rặt, nòi gộc... mấy nay tôi muốn nói rằng: “Tôi cám ơn họ rất nhiều, những người đã làm phim “Song lang”! (…) Họ đã kể một câu chuyện hoàn toàn khác. Trong đó thấy được tấm lòng yêu thương, trân trọng tôn quý của họ đối với cải lương. Họ làm rất chân thành, nghiêm túc, chỉn chu và sang trọng. Họ yêu cải lương thật lòng...”
Còn nghệ sĩ Thành Lộc thì thốt lên: “Câu chuyện hướng tâm thái ta về cái chữ “nợ” trong đời. (…) Tôi thích bộ phim vì cái chữ “nợ” mà nó chuyên chở! Rồi lại cũng tự thấy chính mình cũng “nợ” một lời cảm ơn đến những người làm ra một bộ phim thật tử tế, có gu thẩm mỹ thật tốt cho công chúng xem, điện ảnh Việt cần lắm những con người như thế, những sản phẩm tinh tế như thế”!
Dẫn lại 2 trong rất nhiều ý kiến của giới nhà nghề nhận xét sau khi vào rạp xem phim để thấy, “Song lang” là một bộ phim hay hiếm hoi của điện ảnh Việt ra rạp ở thời điểm này.
Tuy nhiên, ngược chiều với những lời khen, là sự vắng vẻ của những suất chiếu “Song lang”. Người ta không khỏi ngậm ngùi khi những suất chiều chỉ có 3, 4 khán giả, đông nhất có lẽ vào khoảng 20 người. Có khán giả, sau khi thấy dư luận khen phim, ra rạp mua vé thì suất chiếu đã bị hủy vì trước đó không ai mua vé.
Và sau 13 ngày, một bộ phim có ngôn ngữ điện ảnh súc tích, sắc sảo đã không thể trụ rạp thêm được nữa!
2. Trong khi đó, những bộ phim khác như “Bao giờ hết ế”, “Hoán đổi”, “Chàng vợ của em”… vẫn ung dung có lịch chiếu rạp vì nhà sản xuất đã “thuộc lòng” công thức chung thu hút khán giả: một chút hài, một chút sốc, một chút sến…
Chính vì thế, thông tin từ nhà phát hành còn tiết lộ: Phim “Chàng vợ của em” phim đã bán được 1 triệu vé, đạt doanh thu 70 tỷ đồng- sau các suất chiếu sớm và 11 ngày khởi chiếu chính thức. Còn bộ phim “Hoán đổi”, chỉ sau 4 ngày khởi chiếu trên toàn quốc, đã thu hút khoảng 300.000 khán giả tới rạp với doanh thu hơn 20 tỷ đồng.
Không chỉ dừng lại ở đó, giới phát hành phim nhận định, “Chàng vợ của em” và “Hoán đổi” còn có cơ hội trụ tại các rạp chiếu thêm khoảng 2-3 tuần nữa. Tuy nhiên, doanh thu của các phim này sẽ khó lập kỷ lục khi đụng độ các phim “bom tấn” nước ngoài “quần thảo” rạp Việt như: Ác quỷ ma sơ, Trận bóng kinh hoàng, Quái thú vô hình...
Bên cạnh đó, dòng phim thanh xuân, lãng mạn vẫn là lựa chọn không thể bỏ qua với khán giả Việt, với: App War (Tình yêu hay tiền tỷ), Narratage (Thầy mãi là thanh xuân), On Your Wedding Day (Ngày em đẹp nhất)... Và cũng không thể thiếu các bộ phim thiếu nhi đầy màu sắc dành cho các bạn nhỏ và gia đình: The Princess and the Dragon (Công chúa và rồng con), Smallfoot (Chân nhỏ, bạn ở đâu?)...
3. Lý giải cho nguyên nhân “thất thủ” của “Song lang”, nhiều ý kiến cho rằng, bộ phim tôn vinh nghệ thuật truyền thống, thiếu những gương mặt “vua phòng vé”. Bên cạnh đó, mặc dù được truyền thông rầm rộ nhưng lại không “trúng”.
Trong một buổi gặp mặt với đạo diễn phim “Song lang” tại Ơ kìa! Cinema, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ, lý do chị đi xem “Song lang” để ủng hộ đồng nghiệp là chính. Suất chiếu ở TP Hồ Chí Minh hôm ấy chỉ có 3 khán giả, nhưng khi bước ra khỏi rạp, chị thấy thực sự sốc, vì rõ ràng đó là một bộ phim khác hẳn những gì được truyền thông.
Bởi vậy, Nguyễn Hoàng Điệp quyết định gửi thông điệp kêu gọi để “Song lang” có thêm thời gian đến gần khán giả, để phim được chiếu ở nhiều rạp hơn và mọi người được tiếp cận bộ phim theo cách khác. “Tôi muốn cho mọi người thấy phim không như những gì họ đã đọc, đã nghe. Đó không phải một bộ phim cải lương hay phục hồi nghệ thuật truyền thống. Đó cũng không phải phim về tình yêu đam mỹ và hoàn toàn không phải là bản copy của “Bá vương biệt cơ” hay gì đó… Giống như tưởng tượng nó là màu đen, cuối cùng nó là màu trắng hoặc ngược lại. Đó là lý do tôi bắt đầu ủng hộ nhà làm phim trong việc đòi lại màu sắc cho bộ phim”.
Quả vậy, tất cả những ai xem phim đều thừa nhận, cải lương chỉ là cái cớ chứ không phải là tất cả. Nghệ sĩ Thành Lộc thẳng thắn: “Cải lương ở đây chỉ là bối cảnh, không phải là câu chuyện của bộ môn ca kịch này nên cứ chăm bẳm vào chuyện của cải lương mà phê là lệch. Các anh các chị cầm bút cứ tự vẽ ra câu chuyện của “Bá vương biệt cơ”, rồi ngôn tình đam mỹ vớ va vớ vẩn, rồi lại còn tôn vinh một bộ môn nghệ thuật truyền thống của miền Nam nữa mới ghê... ! Tự mình đánh lạc hướng mình chứ chuyện phim người ta có đi theo khuynh hướng đó đâu”.
Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, những ai lên tiếng cổ vũ “Song lang” không phải đang kêu gọi ủng hộ cho một phim nghệ thuật, cho một bộ phim kén người xem, mà bởi đó thực sự là một bộ phim làm cho khán giả. Không dễ giải thích thấu đáo vì sao bộ phim lại “hẩm hiu” đến thế, nhưng có lẽ hiểu về bộ phim cũng là một cách tìm ra câu trả lời.
Tất nhiên, xu hướng thưởng thức điện ảnh ở nước ta hiện thời khó có thể đòi hỏi một bộ phim vừa đạt nghệ thuật, vừa đạt doanh thu phòng vé. Tuy nhiên, đạo diễn Leon Lê quả quyết, anh chưa bao giờ nghĩ “Song lang” là phim nghệ thuật mà chỉ không thuộc dòng phim thị trường. Trong suốt quá trình làm phim 2 năm qua, Leon Le luôn nghĩ tới khán giả, và anh đã rất cương quyết với sự “can thiệp” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân khi cô đề nghị trong phim có những cảnh để có thể thu hút khán giả được đông hơn. Điều đó cho thấy sự quyết liệt “giữ mình” cũng như giữ cho sự tròn vẹn của “đứa con nghệ thuật” mang tên “Song lang”. Tuy vậy, việc phải rời rạp chiếu quá sớm của “Song lang” để lại nhiều suy ngẫm...
Cao Minh Ngọc (Theo Daidoanket.vn)