Vua tiếng Việt là chương trình tôn vinh ngôn ngữ dân tộc, giúp người chơi và khán giả khám phá sự phong phú, giàu có và thâm thúy của tiếng Việt thông qua các trò chơi, câu đố vui.
Ngoài lỗi sai khi đưa ra hai từ "chậm chễ" và "trậm trễ" không có nghĩa trong tập 28, Vua tiếng Việt cũng từng mắc phải những lỗi sơ đẳng như sai chính tả, không hiểu rõ nghĩa của từ ngữ.
Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công theo dõi và phân tích nhiều lỗi sai trong các tập phát sóng. Trong tập lên sóng tháng 9/2022, chương trình yêu cầu người chơi lựa chọn một trong hai cách viết “dúm dó” hay “rúm ró”. Đáp án đúng của chương trình là “rúm ró”.
Ông Hoàng Tuấn Công khẳng định chương trình của VTV nhầm lẫn giữa khái niệm “chính tả” với “phương ngữ”. "Viết dúm dó không hề sai chính tả. Trong số hơn chục cuốn từ điển tiếng Việt tôi có trong tay, hai cuốn ghi nhận rúm ró, trong khi có tới bốn cuốn ghi nhận từ dúm dó. Cuốn Từ điển tiếng Việt (GS.Hoàng Phê chủ biên) có từ dúm dó với ghi chú là phương ngữ", nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công giải thích.
Trong một tập khác, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công và nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng, Vua tiếng Việt ra đề sai khi khẳng định từ "lang lổ" không có nghĩa, chỉ là cách viết sai chính tả của "loang lổ".
Nhà nghiên cứu phân tích “lang lổ” và “loang lổ” là hai từ gần nghĩa. Nhiều cuốn từ điển cũng giải thích cặn kẽ ý nghĩa của hai từ này. “Lang” chỉ những đám trắng loang lổ trên bộ lông hoặc ngoài da (như chuột lang, lợn lang). Còn “loang” chỉ những vết bẩn, vết ố lan dần, thấm dần ra. Nếu tinh tế trong dùng từ, người dùng có thể nhận ra ranh giới giữa các màu sắc đan xen của “lang lổ”. Trong khi với “loang lổ”, các loại màu của vết bẩn thường hòa quyện, đan xen, không có ranh giới rõ ràng.
Thử thách yêu cầu người chơi đếm số lỗi chính tả cũng bộc lộ sai sót, do không phân biệt rõ lỗi đánh máy và lỗi chính tả. "Nếu như lỗi chính tả thể hiện trình độ tiếng Việt của người viết, lỗi văn bản đơn giản chỉ là lỗi thao tác trên máy tính, máy chữ.. Lỗi chính tả thường liên quan đến phát âm, còn lỗi văn bản muôn hình vạn trạng, thường thể hiện ở hiện tượng thiếu dấu, thiếu chữ, nhảy chữ...", nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công phân tích.
Vua tiếng Việt nhiều lần yêu cầu người chơi sửa lỗi đánh máy, nhưng lại gọi là lỗi chính tả. Ông Hoàng Tuấn Công cho rằng đây không phải là thước đo để lựa chọn ra “Vua tiếng Việt”. Nhiều khán giả lấy làm tiếc khi chương trình tôn vinh tiếng Việt lại mắc nhiều lỗi sơ đẳng.
Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ - thành viên Ban cố vấn của chương trình Vua tiếng Việt cho Tiền Phong biết sơ suất là khó tránh trong những chương trình truyền hình. "Không chỉ tiếng Việt mà ngôn ngữ nào cũng vậy, không ai có thể biết tất cả từ vựng tiếng mẹ đẻ. Nếu đặt ra vấn đề cần biết giải thích và hiểu rõ về từng trường hợp thì học đến cả đời cũng không hết được bởi ngôn ngữ cũng là lịch sử, văn hóa, phong tục", TS Đỗ Anh Vũ nói.
Ông khẳng định không áp lực khi nhận lời làm cố vấn chương trình, chỉ cẩn thận đến mức tối đa để tránh sai sót. "Mỗi miền đều có những đặc trưng về từ vựng và ngữ âm, chưa kể đến các thổ ngữ. Không ai dám nói là mình hiểu hết về tiếng Việt", TS. Đỗ Anh Vũ nêu quan điểm.
Theo Ngọc Ánh (Tiền Phong)