Tập 8 của phim truyền hình Vua Bánh Mì bản Việt xoay quanh hành trình ông Đạt (Cao Minh Đạt) dẫn các con mình là Hữu Nguyện và Gia Bảo đi tham quan xưởng bánh mì. Tiện thể, ông chia sẻ cho các con về cội nguồn tình yêu của mình dành cho bánh mì, tiếc rằng kỷ niệm tuổi trẻ của ông Đạt hoàn toàn... sai với lịch sử bánh mì ở Việt Nam.
Hai đứa con trai được ông Đạt dẫn tới xưởng bánh tham quan. Tại đây, người cha giới thiệu qua mọi khâu của việc làm bánh mì cho hai đứa trẻ, đồng thời dẫn các con đi tham quan vòng quanh xưởng làm bánh. Tới khu vực chứa bánh đặc biệt, ông giới thiệu với các con rằng đây là nơi chứa những ổ bánh được mang đi tặng cho các trại trẻ mồ côi, các tập thể cần sự giúp đỡ. Tới đây, Nguyện vô cùng ngưỡng mộ cha mình vì hành động cao cả. Cậu bé hiếu kỳ hỏi cha mình tại sao lại phải mang tặng bánh. Ông Đạt chia sẻ rằng: "Hồi chú còn nhỏ, nhà mình từng khổ sở vì nạn đói. Xung quanh, ai cũng đói khổ. Một người bạn thân của chú đã chết sau thời gian dài suy nhược vì đói. Thiếu gạo, nên suốt bao nhiêu năm dân mình phải ăn độn. Cho nên chú bắt đầu nghĩ tới việc làm bánh. Hồi đó, ổ bánh mì cứu đói phải làm sao để dân mình không còn đói nữa. Nhưng hết chiến tranh rồi, ổ bánh không còn để cứu đói nữa mà là để thưởng thức".
Không biết ông Đạt đang sống ở vũ trụ nào nhưng đối với nước ta, bánh mì du nhập vào bởi người Pháp. Theo chuyên trang Văn Hiến, bánh mì được người Pháp du nhập vào nước ta vào năm 1859 - khi họ đô hộ Việt Nam. Lúc vừa vào Việt Nam, bánh mì có tên là "bánh mì baguette". Và bánh này được phục vụ cho người Pháp và dân cư ở các thành phố chứ không phải để cứu đói với những lý do sau:
Thứ nhất, bột mì để làm bánh không thể tự trồng ở Việt Nam mà phải được nhập về. Nước ta hồi đó trồng lúa gạo chứ không trồng được lúa mì - nguyên liệu làm bánh. Huống hồ, trong nạn đói ông Đạt đề cập, gạo còn không đủ cho người dân thì lấy đâu ra bột mì cho ông làm bánh? "Bánh mì cứu đói" là khái niệm hơi xa xỉ. Đối với việc cứu đói người Việt mà nói, số tiền bỏ ra để nhập bột mì về có thể mua được rất nhiều gạo nấu cơm ăn. Bánh mì có lẽ chỉ cứu được cơn đói của tầng lớp thượng lưu lúc bấy giờ chứ dân nghèo thì một bát cơm chỉ đáng giá có vài hào là quá đủ.
Thứ hai, là sự bất hợp lý trong logic làm bánh mì giai đoạn "hồi chú Đạt còn nhỏ". Những năm đầu khi bánh mì vào nước ta, cách duy nhất để sản xuất bánh mì là xây một cái lò bằng gạch. Để vận hành loại lò này và làm ra một ổ bánh mì, phải có nhiều thợ. Người hiểu rõ quy chế làm bánh, thợ kỹ thuật v.v... và vô số thiết bị cồng kềnh. Thế thì để duy trì lò làm bánh này, gia đình chủ phải rất giàu có. Nhưng đã giàu có như vậy thì nhà ông Đạt cần gì phải "khổ sở" vì nạn đói? Quy trình làm bánh một người chỉ đơn giản trong thế kỷ 21, khi người ta đã phát minh ra lò điện mà thôi. Lưu ý là mãi đến những năm 75 người ta mới phát minh ra lò điện, mà lúc đó thì đã chả còn nạn đói nữa.
Hình thức làm bánh mì một mình vô cùng tiện lợi, nhanh gọn này có được là nhờ vào phát minh hiện đại chứ ngày xưa không đơn giản thế này
Thứ ba, là sự vô lý trong cột mốc thời gian trong câu chuyện của ông Đạt. Nạn đói nước ta kết thúc năm 1945. Cho dù đó cũng là năm ông Đạt sinh ra thì tới nay ông đã... 75 tuổi, và đã biết làm bánh mì cứu đói từ lúc chưa biết đi? Nếu ông sinh ra trước nạn đói, thì có lẽ năm nay đã ngoài 80 mà điều này thì không phù hợp với ngoại hình của ông Đạt vào lúc này. Vậy "nạn đói" mà ông Đạt trải qua là ở đâu?
Dẫu sao thì ông Đạt vẫn rất đam mê với bánh mì và có lẽ ông chỉ "nhầm lẫn" với câu chuyện tuổi thơ của mình mà thôi. Xét cho cùng thì có mấy ai nhớ được chính xác thời thơ ấu của mình đâu?
Vua Bánh Mì bản Việt tập 9 lên sóng THVL1 vào lúc 20h ngày 01/10/2020.
Theo Paul (Pháp Luật và Bạn Đọc)