Từ rất lâu rồi, những đêm nhạc của Phú Quang luôn được mặc định coi là sang trọng và đẳng cấp hơn phần đông những đêm nhạc khác.
Cái sang trọng không chỉ hiển hiện trong không gian khán phòng (thường là được chọn lựa rất cẩn thận và tinh tế), trong những bài hát mượt mà, bay bổng, mà còn trong cả cách ăn mặc của từng nghệ sĩ, cách dẫn dắt của MC hay thậm chí là cả cách ứng xử của từng người phục vụ.
Từng chi tiết nhỏ nhất đều được vị nhạc sĩ nổi tiếng này chăm chút tới tối đa, khiến cho khán giả mua vé vào xem nhạc của ông gần như không thể chê trách bất cứ điều gì.
Đó cũng là lý do khiến đêm nhạc nào của Phú Quang cũng cháy vé, dù mức giá của nó vẫn luôn được xếp top đầu trong các đêm nhạc Việt!
Người ta bảo, sở dĩ đêm nhạc của Phú Quang luôn "hot" là bởi ông tạo ra cho khán giả của mình cái cảm giác lạc vào trong một không gian âm nhạc thượng lưu, được chăm chút và làm thỏa mãn không chỉ tai nhạc, mà còn cả nhiều thứ giác quan khác nữa.
Thậm chí cả tâm lý "đẳng cấp" cũng được ve vuốt một cách hoàn hảo, khiến cho người xem có cảm giác mình cũng trở nên sang trọng hơn nhiều khi bước chân vào một đêm nhạc Phú Quang!
Có điều, cái ấn tượng "sang trọng" và đẳng cấp đặc trưng của những đêm nhạc đắt đỏ đang bị Phú Quang gọt bớt ít nhiều.
Sau những lùm xùm liên quan tới giá tiền cát-xê của cô ca sĩ Ngọc Anh, sau những tuyên bố nặng mùi trả giá và cả những chê trách, ví von, hẳn người hâm mộ sẽ thấy những lãng mạn bay bổng tụt đi ít nhiều.
Hoặc ít nhất thì những ấn tượng đọng lại trong họ về một đêm nhạc "sang" cũng trở nên trần trụi tới lạ lùng sau những phát ngôn khó tả...
Vẫn biết không một người làm nghệ thuật nào có thể sống không cần tới tiền bạc, vật chất, nhưng việc đề cập tới nó một cách nặng nề và đầy áp lực như cách của Phú Quang lại mang tới cho người hâm mộ một cảm giác hoàn toàn khác.
Đơn cử như chuyện Minh Chuyên xuất hiện thay thế cho Ngọc Anh trong đêm nhạc chẳng hạn, nếu như không có vụ lùm xùm trước đó, hẳn nhiều khán giả sẽ cho rằng đó là một thử nghiệm mới, một bất ngờ mới mà nhạc sĩ Phú Quang muốn mang tới cho show diễn của mình.
Nhưng rốt cuộc, sau khi những câu chuyện hậu trường được hé lộ, người ta không tránh khỏi cảm giác thực chất, sự thay thế đó mang nặng tính toán bạc tiền hơn là nghệ thuật. Chẳng phải mức giá cát-xê của Minh Chuyên rẻ hơn Ngọc Anh đáng kể đấy thôi...
Cả tuyên bố đậm mùi doạ dẫm của Phú Quang "không có chuyện để nghệ sĩ nắm được mình" hay "chỉ tôi mới có thể nắm ca sĩ nhấc lên hay đặt xuống mà thôi" cũng cứ khiến những ấn tượng về ông đổi khác rất nhiều.
Trong tiềm thức của số đông, Phú Quang gắn liền với những bản tình ca lãng mạn, da diết, chứ không hề "quyền lực" hay ghê gớm kiểu bầu show.
Cái điềm đạm, đàn ông và chất nghệ sĩ trong cách nói chuyện của Phú Quang khiến người ta có lý do để yêu mến nhạc của ông hơn, bên cạnh những ca từ hay giai điệu.
Nhưng sau những lời "đanh thép" được đưa ra từ chính miệng ông, khó ai có thể giữ nguyên ấn tượng đẹp đẽ và lung linh về nhạc sĩ của những bản tình ca Hà Nội thủa nào...
Thêm nữa, những đòi hỏi thiên về trả ơn, trả nghĩa kiểu "tôi moi cô ấy lên" nên "lẽ ra không được đòi hỏi cát-xê" được vị nhạc sĩ nổi tiếng đề cập thẳng thừng trong những tuyên bố của mình cũng khiến nhiều người "chờn chợn".
Những toan tính và so kè hiển hiện trong cách cân đo đong đếm giá cát-xê đắt rẻ kiểu "với mức giá đó, tôi có thể mời ngôi sao A, B được" cứ phủ mờ đi tính nghệ thuật hay bóp nghẹt cả những thăng hoa của giai điệu, ca từ.
Vô hình chung, người ta bỗng thấy những sự kết hợp trong quá khứ từng được ngợi ca, xưng tụng kia bớt đi rất nhiều thơ mộng và trần trụi đến ngỡ ngàng...
Rồi cả những câu chuyện đầy ẩn ý mà Phú Quang thường chia sẻ "Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng cũng chỉ lấy tôi ít tiền thôi" hình như cũng chẳng khiến nhạc của ông đắt giá thêm một chút nào.
Dù thoạt nghe, những con số ngàn đô bớt được là không hề nhỏ. Nhưng với những nhạc phẩm vốn vô giá trong lòng rất nhiều khán giả, việc áp đặt cho nó mức giá vài ngàn không hẳn đã là đúng đắn đâu!
Ai cũng cần phải sống, cả nghệ sĩ, nhạc sĩ hay ca sĩ. Ai cũng cần tiền để trang trải, đầu tư cho đam mê và kiếm tiền bằng nghệ thuật không phải điều gì sai trái cả.
Có điều, chẳng một ai gọi người sống bằng nghệ thuật là "con buôn" hay doanh nhân hết, bởi cách họ kiếm tiền nhờ nghệ thuật khác hẳn với cách người ta bán chác một món hàng.
Ít nhất, chẳng ai rao bán nghệ thuật giữa chợ hay công khai so kè mức giá hơn kém như bán một con cá, mớ rau. Bởi như vậy, nghệ thuật sẽ mất giá đi nhiều lắm...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Theo Tùng Lâm (Soha/Trí Thức Trẻ)