Cách đây không lâu, Chi Pu vừa phát hành MV Sashimi, tiếp tục theo đuổi phong cách sexy với trang phục cắt xẻ táo bạo. MV ngay lập tức vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Ngoài những nhận xét sản phẩm được đầu tư chỉn chu từ giai điệu cho đến hình ảnh, MV nhận không ít ý kiến trái chiều vì cư dân mạng cho rằng ca từ của bài hát sáo rỗng, vô nghĩa.
Mới đây, trong bản tin với chuyên đề "Xóa bỏ ca khúc phản cảm, dung tục: Quyền lực trong tay khán giả", VTV bất ngờ đưa lên hình ảnh và âm thanh ca khúc Sashimi của Chipu làm ví dụ.
VTV lên án gay gắt sản phẩm này: "Cô gái này lần nào ra mắt sản phẩm âm nhạc cũng đều gây bão dư luận, đáng tiếc không phải khen mà là những bình luận tiêu cực. Nhiều nhà báo chuyên mảng âm nhạc đã nhận định đây một video ca nhạc gợi dục, phản cảm, với ca từ dung tục, sáo rỗng. Thậm chí không ít nhạc sĩ phải thốt lên - đây là rác. Nhưng đáng nói là chỉ sau 5 ngày ra mắt, video này đã có tới gần 2 triệu lượt xem - 1 con số nhiều ca sĩ, nghệ sĩ phải mơ ước".
Mặc dù VTV đã từng lên án những MV phản cảm nhưng thời gian gần đây, những sản phẩm âm nhạc gây tranh cãi vẫn tiếp tục được ra mắt. Phần lớn ý kiến đều phản đối những nội dung tục tĩu. Nhưng kỳ lạ là các video này thường có lượng xem cao, bài ít nhất có 6 triệu lượt xem, nhiều thì lên tới 24 triệu. Thậm chí, nhiều bài còn lọt top thịnh hành của các trang nhạc trực tuyến.
Lý giải nguyên nhân giúp các sản phẩm như vậy lại thu hút lượng xem đông đảo, nhà báo mảng âm nhạc Nguyễn Hà Sơn cho biết: "Một người A chê bài hát này phản cảm, người B chê có thể không yêu thích cô ca sĩ đó nhưng hoàn toàn có thể chọn xem. Chính sự tò mò dây chuyền đó khiến những bài hát có thể được đánh giá là phản cảm, dung tục nhưng nếu nhìn lượng view thì rất cao. Tôi nghĩ có nhiều ca sĩ tạo ra các sản phẩm gây những luồng tranh luận trái chiều thì họ biết, có những lời ca khi viết ra họ biết có thể gây tranh cãi nhưng họ chấp nhận điều đó, miễn là sản phẩm của mình gây chú ý".
Bản tin VTV đặt ra câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra khi ca từ, động tác biểu diễn, hình ảnh tràn ngập nội dung cố súy bạo lực, khiêu dâm, tự tử? Người lớn có thể nhún vai bỏ qua. Nhưng với trẻ em tuổi teen, lứa tuổi nhạy cảm, đây lại là câu chuyện đáng nói.
Nhiều phụ huynh lo ngại khi con cái ở độ tuổi rất nhỏ, cho đến những đứa trẻ đang tuổi trưởng thành đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi âm nhạc phản cảm.
Nhiều bạn trẻ cho rằng âm nhạc phản cảm sẽ ảnh hưởng đến tâm lý giới trẻ, khiến nhiều người suy nghĩ lệch lạc với cuộc sống.
"Rõ ràng, khi các bạn trẻ nghe đi nghe lại, tiếp nạp vào trong đầu thì sẽ trở thành thói quen. Họ nghĩ rằng như thế là không sai, thậm chí có người nghĩ như vậy là đúng. Điều đó ảnh hưởng tới nhân cách của mỗi con người mà chúng ta cần phải thanh lọc từ những người làm nghề, từ chính phụ huynh và thậm chí sự tác động của người trẻ khi họ lựa chọn và nghe âm nhạc", nhà báo Hà Sơn cho hay.
Vừa qua, một MV ca nhạc đã tự gỡ xuống và bị chỉ trích vì nội dung cổ xuý tình dục trốn công sở. Một ca sĩ có tầm ảnh hưởng đã buộc phải gỡ khỏi youtube, nộp phạt 70 triệu cùng lợi nhuận thu được từ MV vì nội dung gây ảnh hưởng xấu tới tâm lí của những người trẻ.
Âm nhạc là sáng tạo, có thể có những lối đi riêng trong thủ pháp nghệ thuật, phong cách, trào lưu... Nhưng sẽ không ai dung túng cho những sản phẩm đi ngược lại chuẩn mực văn hóa, đạo đức xã hội được gắn mác sáng tạo. Bên cạnh sự mạnh tay của các cơ quan quản lý thì chính công chúng đang nắm giữ quyền lực mềm, đó là tẩy chay.
TH (Nguoiduatin.vn)