Vinh quang và cay đắng của diễn viên có khuôn mặt “đểu cáng”

17/02/2017 08:57:00

Đã hàng chục năm trôi qua nhưng khán giả vẫn chào NSƯT Nguyễn Hải bằng cái tên Trịnh Khả - nhân vật khét tiếng độc ác của phim Chuyện làng Nhô.

Đã hàng chục năm trôi qua nhưng khán giả vẫn chào NSƯT Nguyễn Hải bằng cái tên Trịnh Khả - nhân vật khét tiếng độc ác của phim Chuyện làng Nhô.

Thậm chí, có thời điểm, chỉ nhìn thấy mặt Nguyễn Hải, sẽ có rất nhiều người thốt lên: "Chỉ muốn đấm!" Chính vì thế, nhiều người không hề biết đằng sau những vai diễn "khốn nạn đến tận cùng", Nguyễn Hải thực sự là ai.

Bỏ bằng kỹ sư trường mỏ chỉ vì "thèm cuộc sống nghệ sĩ"

Năm 1980, Nguyễn Hải tốt nghiệp trường Đại học Mỏ. Với xuất phát điểm như vậy, nếu an phận, Nguyễn Hải sẽ trở thành 1 anh kỹ sư được xóm làng trọng vọng, được cha mẹ tự hào.

Thế nhưng, trong lòng chàng trai 23 tuổi ấy lại hừng hực cháy đam mê với điện ảnh. Cùng thời điểm ấy, trường Đại học Sân khấu điện ảnh bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên.

Nguyễn Hải bỏ qua tấm bằng kỹ sư, một mình đăng ký dự thi khoa Diễn viên trường Đại học Sân khấu điện ảnh và đỗ ngay từ lần thi đầu tiên.

Vinh quang và cay đắng của diễn viên có khuôn mặt “đểu cáng” - Ảnh 1.
NSƯT Nguyễn Hải.

Nói về quyết định "rẽ ngang" của mình, NSƯT Nguyễn Hải cho hay: "Nói nghe thì đơn giản, nhưng để có được quyết định chuyển hướng, để đỗ được vào trường Sân khấu điện ảnh là cả 1 sự hi sinh, giằng xé và cả 1 quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của bản thân tôi".

Năm 1986, tốt nghiệp trường Sân khấu điện ảnh, Nguyễn Hải về công tác tại Đoàn kịch nói Công an nhân dân.

5 năm sau, Nguyễn Hải được vào biên chế, đội mũ và đeo quân hàm xanh Thiếu úy:

"Những năm học trong trường Sân khấu điện ảnh, tôi có đóng duy nhất 1 vai phản diện là vai Thiết trong vở kịch Ông không phải là bố tôi của tác giả Lưu Quang Vũ.

Thời gian đầu về đoàn kịch Công an nhân dân, tôi cũng chỉ đảm nhiệm vai chính diện. Một lần, NSND Lê Hùng quyết định cho tôi thử sức với 1 vai phản diện trên sân khấu.

Kể từ đó, tôi liên tục đảm nhiệm các vai phản diện trong hàng thập kỷ liền. Không chỉ trên sân khấu kịch, các đạo diễn điện ảnh cũng liên tiếp mời tôi đảm nhiệm rất nhiều vai "người xấu" trên truyền hình.

Cho tới thời điểm hiện tại, mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn vào vai chính diện, nhưng khán giả lại chỉ nhớ tới những vai phản diện mà thôi".

Vinh quang và cay đắng của diễn viên có khuôn mặt “đểu cáng” - Ảnh 2.
Nguyễn Hải thường đảm nhiệm những vai "đại ác".

Suốt từ những năm 1997 tới nay, Nguyễn Hải trở thành gương mặt điển hình cho những nhân vật dạng trí thức lưu manh, mưu mô, nham hiểm, những vai gián điệp phản động, phản bội Tổ quốc.

Đến thời điểm hiện tại, ngoài danh hiệu NSƯT, Nguyễn Hải còn là Đại tá Công an nhân dân, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn kịch nói Công an nhân dân (quyền trưởng đoàn – Vì Đoàn chưa có Trưởng đoàn).

Thế nhưng, niềm đam mê với diễn xuất, với điện ảnh vẫn rực cháy trong tim anh: "Tôi vẫn mong có cơ hội được đảm nhiệm những vai hay hơn, ấn tượng hơn thế. Chỉ hơi buồn một chút là có lẽ do cái mặt tôi không thể chính diện được nên mãi vẫn chỉ được giao vai ác.

Có lần, tôi cười hỏi đạo diễn của seri Cảnh sát hình sự: "Tại sao không cho em vào vai chính diện?" Vị đạo diễn đó cười lớn và đáp: "Với cái ấn tượng từ phim Chuyện làng Nhô, nếu mời chú vào vai chính diện thì hỏng phim mất!".

Vinh quang và cay đắng

Cái thời Nguyễn Hải "làm mưa làm gió" trên màn ảnh nhỏ cũng là thời đỉnh cao của phim truyền hình Việt. Khi ấy, diễn viên nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung được công chúng trọng vọng, yêu mến vô cùng.

Và những diễn viên chuyên vào vai ác như Nguyễn Hải không chỉ vô cùng nổi tiếng mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Vinh quang và cay đắng của diễn viên có khuôn mặt “đểu cáng” - Ảnh 3.
Thường xuyên đóng những vai phản diện nên Nguyễn Hải gặp rất nhiều tình huống trớ trêu.

Chỉ có điều, sự quan tâm này không ngọt ngào, không rực rỡ như với những diễn viên chuyên đóng vai người tốt:

"Cái bi kịch nhất đối với những diên viên chuyên vai ác như tôi có lẽ là việc công chúng cứ nhầm lẫn rằng ngoài đời tôi cũng ác như trên phim.

Một lần, tôi và vợ đi mua đồ, cửa hàng hôm đó rất đông, chúng tôi vui vẻ đứng chờ tới lượt mình. Bất ngờ, 1 người phụ nữ nhìn tôi với ánh mắt rất đề phòng. Có lẽ, theo phản xạ tự nhiên, cô ấy vội vã giữ chặt lấy chiếc túi đang đeo trên vai rồi lỉnh lỉnh bước ra xa chúng tôi. 

Tôi bèn bước theo cô ấy để giải thich: "Chị ơi, em không xấu như trên phim đâu mà chị sợ!". Vợ tôi cũng nói đỡ: "Chị yên tâm, đã có em ở đây rồi".

Nhưng người phụ nữ ấy vẫn không thôi "phòng thủ". Cô ấy nhìn thẳng vào mặt tôi và bảo: "Nhìn mặt ông kinh lắm!".

Một lần khác, khi tôi đang nhâm nhi cốc bia thì thấy 1 hạt lạc bay thẳng vào mặt mình. Tôi nóng mặt lắm, đứng lên hỏi xem ai ném thì không thấy ai trả lời.

Vừa ngồi xuống thì 1 hạt lạc khác đập vào trán. Lúc này tôi nhìn lên thì phát hiện người ném là 1 ông cụ râu tóc bạc phơ.

Không muốn ồn ào, tôi sang bàn của ông cụ, kéo ghế ngồi và hỏi: "Em xin lỗi, có phải anh vừa ném hạt lạc vào em?".

Ông cụ điềm nhiên trả lời: "Tôi là võ sư, tôi nghe người ta nói ngoài đời chú không ác như trên phim, nên hôm nay gặp đây, tôi muốn thử xem người ta nói có đúng hay không. Giờ thì tôi tin là chú không ác thật! Thú thật, xem trên phim, tôi chỉ muốn đấm cho chú vài cái".

Không chỉ là những câu chuyện vui vui, những câu chửi bâng quơ, Nguyễn Hải còn gặp phải không ít tình huống đổ máu chỉ vì "đóng vai ác quá đạt":

Năm ấy, tôi tham gia diễn trong vở kịch Quả báo (tác giả: Trung tướng, Nhà văn Nguyễn Hữu Ước). Tôi vào vai Bùi Nhiệm – Chủ tịch tập đoàn bốc xếp Đại Dương. Tới cảnh Bùi Nhiệp hiếp dâm cô thư ký (do diễn viên Hoàng Lan thủ vai), người dân xung quanh bất ngờ nhao lên đòi đánh.

Tôi vội vã nhảy lên xe máy chạy thoát thân, nhưng họ vẫn đuổi theo. Một vài thanh niên còn cầm gạch ném theo tôi. Thời điểm đó chưa có mũ bảo hiểm nhưng may mắn là tôi đội mũ cối nên không vỡ đầu. Thế nhưng viên gạch sượt qua vai làm tôi chảy máu.

Những lúc như vậy, tôi cũng thấy chua xót, cay đắng lắm chứ! Nhưng bây giờ, khi đã nhiều tuổi, tôi lại cảm thấy bình thường và vui vẻ chấp nhận điều đó. Bởi, nói cho cùng, do mình diễn tới ngưỡng nào đó nên khán giả mới ấn tượng và phản ứng như vậy".

Vinh quang và cay đắng của diễn viên có khuôn mặt “đểu cáng” - Ảnh 4.
NSƯT Nguyễn Hải.

Nỗi cô đơn đến tận cùng của người 30 năm chuyên thủ vai ác.

Quả thực, để theo được nghiệp diễn và để hoàn thành tốt gần 20 vai phản diện trong suốt 30 năm qua, ngoài tình yêu nghề cháy bỏng, Nguyễn Hải đã phải tôi luyện cho bản thân 1 tinh thần thép.

Bởi, không chỉ công chúng hằn học, chửi bới anh mà ngay cả những người thân trong gia đình cũng từng quay lưng chỉ vì anh thường xuyên vào vai phản diện:

"Ngày tôi đóng vai Thiết trong vở kịch Ông không phải là bố tôi, mẹ tôi đã gọi điện lên và bảo: Mẹ buồn lắm! Tại sao sinh con ra, nuôi khôn lớn bây giờ con lại vào vai 1 đứa con bất hiếu mà thốt lên "Ông không phải là bố tôi!".

Còn khi phim Chuyện làng Nhô ra mắt, sự nham hiểm, độc địa của nhân vật ghi dấu ấn mạnh mẽ tới mức dân làng cứ đi qua nhà tôi là dị nghị.

Bố tôi rất buồn bực, đã chất vấn tôi rằng: "Thiếu gì vai tử tế mà con lại diễn cái vai mất dạy, tù tội ấy? Để rồi mỗi lần người ta đi qua ngõ nhà, người ta lại réo lên: Con ông là thằng mất dạy?".

Rồi chẳng để tôi kịp thanh minh, ông cụ bảo: "Tôi không cần biết! Tôi nuôi dạy anh như thế, cho anh ăn học như thế, anh làm gì anh cũng phải nghĩ chứ!".

Tôi sợ đến mức không dám về nhà, về làng cả năm liền. Sợ bố giận, tôi phải nhờ nhiều người giải thích với cụ rằng đó chỉ là sự sáng tạo nghệ thuật, chỉ là vai diễn. Dần dần, ông cụ mới nguôi ngoai".

Vinh quang và cay đắng của diễn viên có khuôn mặt “đểu cáng” - Ảnh 5.
NSƯT Nguyễn Hải bên vợ và con gái.

Bi kịch với Nguyễn Hải không chỉ dừng ở đó. Quá thành công với những vai diễn độc ác khiến hình ảnh của anh trong mắt các con cũng trở nên rất đáng sợ:

"Năm con trai tôi học lớp 5, bạn bè thường xuyên trêu chọc, mắng mỏ rằng: "Bố mày là tên tội phạm", "Mày là con nhà mất dạy"… Con trai tôi sợ hãi và buồn rầu tới mức thường xuyên bỏ học.

Về nhà, cháu cứ nhìn thấy bố là nấp sau ghế. Tôi tưởng rằng tôi đã mất cháu, không thể dạy dỗ được nữa. May sao, cháu được 1 cô giáo trẻ nâng đỡ, kèm cặp và dần trở thành học sinh giỏi.

Những ngày ấy, không chỉ con trai sợ hãi tôi mà ngay cả con gái cũng xa lánh. Những năm cháu học mầm non, cứ gặp bố là đứng nhìn chằm chằm. Lớn hơn một chút, cháu xa lánh tôi, cứ thấy bố về là trốn".

Cay đắng, tủi cực là vậy, nhưng Nguyễn Hải chưa một lần muốn từ bỏ nghiệp diễn: "Đã gọi là nghiệp thì không thể nào bỏ được. Hơn nữa, từ thời còn đôi mươi, tôi đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống bình yên, an nhàn của 1 kỹ sư để theo đuổi nghề diễn thì chẳng có lý gì tôi lại từ bỏ nó.

Gian truân, cay đắng và cô đơn là có, nhưng nghề diễn là đam mê của tôi. Chỉ khi nào không còn đủ sức để diễn thì tôi mới dừng lại".

Theo Thảo Nguyên (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)