Vietnam’s Next Top Model 2017: Vẽ ra bộ mặt thảm hại ngoài sức tưởng tượng của giới người mẫu

20/07/2017 23:23:00

"Ở chương trình Vietnam’s Next Top Model, giới người mẫu Việt Nam phô ra một bộ mặt thảm hại ngoài sức tưởng tượng".

"Ở chương trình Vietnam’s Next Top Model, giới người mẫu Việt Nam phô ra một bộ mặt thảm hại ngoài sức tưởng tượng".

Vietnam's Next Top Model 2017 (VNTM 2017) mùa All Stars đang trở thành tâm điểm của nhiều ý kiến trái chiều. Một số khán giả tìm tới chương trình với mục đích giải trí nhưng cũng có không ít người gay gắt lên tiếng về việc cuộc thi xoáy quá sâu vào mâu thuẫn giữa các thí sinh, hay giữa các giám khảo ngồi nghế nóng. Thậm chí, một số người còn lên tiếng kêu gọi tẩy chay VNTM 2017 vì sự ứng xử vô văn hóa như chốn chợ búa trên truyền hình.

Video: Giám khảo Vietnam's Next Top Model mỉa mai, công kích nhau

Chỉ mới sang tập thứ 4, chương trình VNTM 2017 mùa All Stars có thể nói là lên tới đỉnh điểm kịch tính, khi mà các thí sinh suýt lao vào đánh nhau còn giám khảo thì cãi nhau quay mông bỏ đi ngay khi đang chấm điểm thí sinh.

Tất cả đều theo kịch bản thôi, tỉnh táo phải hiểu là thế. Nhưng nhiều người xem thực sự không hiểu nổi VNTM 2017 đang mang lại hoặc cố gắng mang lại điều gì cho khán giả, dù chỉ với mục đích giải trí thông thường nhất?!

Và nếu nhìn lại một chút về vị thế của giới người mẫu trong xã hội hiện nay, thì e rằng nếu khăng khăng coi VNTM là “bộ mặt thật”, đó sẽ là bộ mặt thảm hại nhất kể từ khi Việt Nam có sàn catwalk.

Từ chữ Người Mẫu viết hoa…

Cách đây gần 2 thập kỷ, khi những tờ tạp chí Thời trang đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, trong mắt công chúng, Người Mẫu rất được nể trọng. Những cô gái xinh đẹp, ăn vận hiện đại, đầy vẻ tự tin và năng động chiếm lĩnh các bìa báo, và sau đó lên lịch, lên ảnh poster, dán kín tường nhà thay cho Lý Hùng, Diễm Hương hay các ngôi sao điện ảnh tóc bồng Thái Lan, Philippines.

Những sạp báo đầu những năm 2000 có kiểu trang trí hết sức bắt mắt, đó là dán hàng chục bìa báo in hình người mẫu để décor – đi từ đầu phố đã nhìn thấy rồi. Chị em người mẫu Thúy Hằng – Thúy Hạnh lúc đó cứ bật TV lên là thấy mặt, mở báo ra là thấy tên. Rồi Xuân Lan, Bảo Ngọc, Thân Thúy Hà… những tên tuổi người mẫu nổi tiếng không thua kém các ngôi sao điện ảnh, ca sĩ ăn khách hàng đầu.

Khi đó, người Việt Nam có những mẫu câu mặc định sự đánh giá cao giới Người Mẫu (đến mức có thể nói là mơ ước): “chuẩn như Người Mẫu”, “đẹp như Người Mẫu”, “xinh như Người Mẫu”, “mặc như Người Mẫu”, “nổi tiếng như Người Mẫu”.

Khi đó, VTV chỉ có duy nhất 1 chương trình truyền hình liên quan đến Người Mẫu và thời trang, đó là Tạp chí thời trang, chuyên đưa hình ảnh các show diễn, các bộ sưu tập thời trang mới, và dĩ nhiên tràn ngập hình ảnh các người mẫu siêu đẹp.

Khi đó, ở các cung văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng khắp từ nam chí bắc, đâu đâu cũng có các lớp dạy làm Người Mẫu.

Chữ Người Mẫu, khi đó được viết hoa, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

0

Thúy Hạnh - một trong những người mẫu thuộc thế hệ đầu tiên của Việt Nam. 

Cho đến chữ “người mẫu” trong ngoặc kép

Không biết từ bao giờ, và vì sao, những người mẫu không còn giữ được vị thế của mình trong xã hội. Rất nhanh, có lẽ chỉ trong vòng 5-7 năm. Chỉ biết một ngày kia, bỗng nhiên thấy người ta gọi người mẫu là “thằng”, là “con”, gán cho các sự dè bỉu về phương thức kiếm tiền lẫn trình độ hiểu biết.

Thực tế ấy, thật trớ trêu lại diễn ra trong bối cảnh, sự xuất hiện của thời trang và người mẫu bây giờ tràn ngập hơn trước rất nhiều.

Cô gái được xem là biểu tượng nóng bỏng của sắc đẹp (đến mức người ta dùng tên cô thay cho tính từ chỉ sự sexy) – là một người mẫu. Cô đưa tuyên bố tôn thờ đồng tiền, và cụ thể hóa bằng cuộc tình chóng vánh nhưng vô cùng ồn ào với một đại gia hơn tuổi bố cô.

Cô gái sáng sáng bán bún đậu tối tối lên mạng quay livestream chửi bới văng thiên địa được hàng vạn người vỗ tay – là một người mẫu. Cô thích nhậu và chửi tục (chính cô công khai tuyên bố như vậy), và cô chửi bất kỳ ai làm cô khó chịu, kể cả bậc đàn anh đàn chị có danh tiếng.

Quá nửa số hoa hậu Việt Nam trong 1 thập kỷ qua là người mẫu trước hoặc sau khi đăng quang. Quả nửa số diễn viên và ca sĩ ăn khách trong 1 thập kỷ qua là người mẫu.

Người mẫu quản lý tài chính quốc gia qua vô số đại gia và người mẫu sống cực khỏe dù rằng tiêu thụ thời trang quốc nội cơ bản dừng ở mức che đậy cơ thể dù giàu hay nghèo.

Chữ “người mẫu” bây giờ thường nằm trong ngoặc kép, nhiều khi được hiểu như một cái nháy mắt ám chỉ, hay thậm chí là một sự mỉa mai.

Và chương trình truyền hình thực tế đình đám về nghề người mẫu

Ấy thế nhưng, ở chương trình truyền hình đình đám nhất về người mẫu, đồng thời là bệ phóng hiệu quả nhất cho các người mẫu: Vietnam’s Next Top Model (VNTM), giới người mẫu Việt Nam phô ra một bộ mặt thảm hại ngoài sức tưởng tượng.

1-0945274 9
"Ở chương trình Vietnam’s Next Top Model, giới người mẫu Việt Nam phô ra một bộ mặt thảm hại ngoài sức tưởng tượng". Nhà báo Phạm Gia Hiền

Đã bước sang mùa thứ 8, VNTM càng lúc càng ăn khách. Như mùa này, chỉ sau 2 số đầu tiên, VNTM đã lọt vào top chương trình có rating cao nhất. Nhưng chưa có một mùa nào mà VNTM không có những scandal lố bịch và gây tranh cãi.

Muốn kiểm chứng không hề khó, bạn chỉ cần gõ cụm từ “Vietnam’s Next Top Model” + “scandal” + bất-cứ-thói-xấu-nào-mà-bạn-nghĩ-ra, kết quả tìm kiếm sẽ là rất nhiều chuyện lùm xùm.

Ở mùa VNTM 2017, bối cảnh ngôi nhà chung được khai thác triệt để như một đấu trường thứ 2. Nơi đó, những người mẫu không thể hiện trình độ chuyên môn nghề nghiệp, mà thể hiện vốn sống, tính cách, phông văn hóa của mình.

Và sau từng tập, sự ghê gớm, chua ngoa đanh đá, kèn cựa từng li tưng tí của các cô gái trẻ lại nâng lên. Trên sàn tập catwalk các cô xinh đẹp, quyến rũ bao nhiêu, thì ở nhà chung, các cô càng phô bày bộ mặt đáng sợ bấy nhiêu.

Đến tập 4 (phát sóng tối 15/7/2017), khán giả đã xem được gì?

Những cô gái trẻ, rất trẻ, ngồi xỉa xói nhau trên sofa với những biểu cảm rẻ tiền nhất. Một cô vớ quả chuối trên bàn và ăn nó theo cách mà bất cứ bà mẹ Việt Nam nào cũng sẽ rầu lòng. Sau một hồi to tiếng và câng mặt với nhau, một cô quát lên đến lạc cả giọng, còn 3 cô khác thì bĩu môi dài thượt, liên tục tỏ ra khinh rẻ “đối thủ”.

20196911_10154986237802098_1899075204_n 3

Các thí sinh trong "Vietnam's Next Top Model 2017" cãi vã, gây lộn và sẵn sàng lao vào đánh nhau. 

Trong cảnh tiếp theo, một cô xông vào vứt hết đồ của mấy cô khác ra khỏi phòng. Và các cô kia đương nhiên chẳng vừa, xông vào cãi cọ xỉa xói vung tay vung chân. Chỉ một xíu nữa là họ đánh nhau, nếu không có người vào can. Trong trường đoạn ấy, tôi không thể thấy bất kỳ ai trong số các người mẫu ấy đẹp, theo bất kỳ phương diện nào.

Cũng trong tập chương trình phát sóng hôm đó, 2 giám khảo bỉ bôi nhau, lườm nguýt nhau, rồi 1 giám khảo vứt luôn tập giấy lại, xoay mông bỏ ra ngoài (cái xoay mông được ống kính ghi lại như một cái tát vào mặt… khán giả).

drama-eli-v02-20-1500126033703 4

Hoàng Yến rời bỏ ghế nóng sau khi tranh cãi nảy lửa với giám khảo Nam Trung.

Sau khi tập 4 phát sóng, một làn sóng phản đối mạng mẽ trong khán giả đã dấy lên. Ngay trong fanpage của VNTM 2017, rất nhiều người xem đã bày tỏ thái độ tức giận và khó hiểu tại sao những hành vi, lời nói phản cảm đến mức vô văn hóa ấy lại xảy ra, lại còn cho vào nội dung phát sóng.

Vậy là 1 ngày sau, một video clip do ban tổ chức công bố, cho thấy cảnh bà giám đốc công ty sản xuất VNTM 2017, đích thân đến nhà chung phân xử vụ cãi nhau, xô xát, yêu cầu 2 phe làm hòa để tiếp tục ghi hình.

Phía đơn vị thực hiện chương trình giải thích đó là động thái cho thấy sự sát sao của họ. Còn người phụ trách truyền thông của VNTM 2017 thì tuyên bố: Đó là truyền hình thực tế. Họ không dàn dựng, mà chỉ chân thực ghi lại những gì diễn ra. Giới người mẫu chính là như thế.

Lập luận “không có dàn dựng mà chỉ phản ánh theo đúng tinh thần truyền hình thực tế”, nghe thì có vẻ thuyết phục, nhưng thực tế thì sao?

Thực tế, chính những người từng tham gia chương trình này, cả trong vai trò thí sinh lẫn giám khảo, đã nhiều lần lên tiếng về sự dàn dựng và thiếu công tâm của ban tổ chức.

Thực tế, từ mùa đầu tiên cho đến nay, chưa có một mùa nào VNTM không xảy ra các bê bối, mà tựu trung đều xoay quanh chuyện Chân thật hay Sắp đặt.

Và thực tế, người viết bài này đã ngồi xem lại 4 số đã phát sóng của mùa VNTM 2017, xem kỹ những trường đoạn tranh cãi, xô xát, và nhận thấy:

Trong các đoạn tranh cãi nảy lửa nhất, thì các cô người mẫu vẫn đứng đúng góc đẹp của các logo nhãn hàng tài trợ. Thậm chí, ngay cả khi sắp xô xát, thì “vũ khí” mà các cô chọn là… logo và tên chương trình. Đó chắc chắn không thể là chuyện ngẫu nhiên, hơn nữa còn lặp đi lặp lại.

20196965_10154986237797098_354605382_n-3-0950433 7
 
20227565_10154986237822098_1721046205_o-5-0950461 7

Trong các đoạn tranh cãi nảy lửa nhất, các cô người mẫu vẫn đứng đúng góc đẹp của các logo nhãn hàng tài trợ.

Cảnh “người phán xử” trong ngôi nhà chung, được hiểu rằng ban tổ chức không hề khuyến khích các thành viên cư xử thiếu văn hóa với nhau. Nhưng nếu vậy, thì những trường đoạn đó phải được cắt bỏ trước khi phát sóng.

Vì đã không như vậy, nên chỉ có thể thấy rằng ngay cả màn “phán xử” được viral sau khi màn cãi vã xô xát đã phát sóng hôm trước, chỉ là một màn kịch khác để xoa dịu dư luận mà thôi.

Nhiều khán giả không thể hiểu, những người mẫu trẻ và ưu tú cả về ngoại hình lẫn trình độ này, họ đang làm gì trên sóng truyền hình quốc gia.

Người ta đưa họ lên, viết các kịch bản kệch cỡm và vô văn hóa đến như thế cho họ diễn với nhau, để làm gì? Khán giả, đặc biệt là những thanh thiếu niên, cảm nhận được gì từ những chương trình đầy rẫy cảnh vẻ, lố lăng, bốc đồng, cạnh khóe, xỉa xói và chà đạp lên nhau như Vietnam’s Next Top Model?

Một người bạn tôi nói 1 ý rất hay rằng: Vụ võ sư Flores thách đấu um xùm, suy cho cùng dù võ biền thì vẫn cứ hơn mấy chương trình nhảm nhí như VNTM. Và có lẽ công chúng Việt Nam đang sôi lên trông đợi các cuộc đấu của Flores, bởi vì nó có thể xem là một nội dung giải trí thuần khiết, hơn là thứ được dàn dựng nhưng lại đầy rác rưởi như VNTM.

Nếu ai đó phản biện bài viết này bằng lập luận của 1 danh hài: Đó là giải trí bình dân, nếu không ưng thì tắt TV đi. Thì xin đáp ngay rằng: không thể coi thường lựa chọn giải trí của giới bình dân. Bình dân có chuẩn giá trị thẩm mỹ của bình dân, có nhu cầu giải trí lành mạnh của bình dân. Cho nên khi bắt chúng tôi phải xem những trò lố bịch, thì dù “diễn viên” đang khoác lên mình những bộ đồ hiệu hàng nghìn đô la, những đôi giày gót nhọn ngất ngưởng cũng không khiến tầm vóc của họ cao hơn được.

Nhà báo Phạm Gia Hiền

Theo VTC.vn