Trước nhiều ý kiến cho rằng, quy định thu phí 2000 đồng/bài hát/ đầu máy Karaoke mới đây là không đúng luật, ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả đã có những chia sẻ cụ thể về vấn đề này.
Đơn vị này sẽ tiến hành thu phí tác quyền tại các tụ điểm ca nhạc trên cả nước. Tụ điểm ca nhạc ở đây bao gồm: các trung tâm kinh doanh dịch vụ Karaoke, các địa điểm kinh doanh dịch vụ ca hát có sử dụng thiết bị Karaoke.
Việc thu phía bản quyền tác giả âm nhạc trên các bài hát Karaoke ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke sẽ được triển khai rộng rãi vào Quý III năm 2017. Ảnh: TL. |
Trước khi tiến hành việc thu phí này, RIAV đã khảo sát hoạt động kinh doanh Karaoke có sử dụng tác phẩm âm nhạc thuộc quyền quản lý của RIAV tại 3 tỉnh: Quảng Ninh, Trà Vinh và Bến Tre vào cuối năm 2016.
Theo đại diện RIAV, các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke hiện sử dụng các sản phẩm bản ghi (bao gồm bản ghi âm và bản ghi hình) âm nhạc thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của RIAV vào mục đích kinh doanh, nhằm thu lại lợi nhuận khi chưa có sự thỏa thuận và được phép của các chủ sở hữu.
Trước sự việc này đã có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, càng ngày càng có quá nhiều khoản phí tác quyền đối với các sản phẩm âm nhạc mà bản thân người sử dụng không biết việc thu phí này có đúng pháp luật hay không.
Ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả âm nhạc thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: “Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về bản quyền tác giả âm nhạc chúng tôi khẳng định vấn đề thu tiền bản quyền tác giả âm nhạc đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke là đúng theo pháp luật. Theo đó, điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ và điều 35 Nghị định 100 quy định rất rõ, đối việc sử dụng lại bản ghi âm - ghi hình trong hoạt động Karaoke nhằm mục đích thương mại thì phải trả một khoản phí bản quyền tác giả và quyền liên quan. Quyền tác giả là tiền trả cho các tác giả có bài hát được sử dụng trong hoạt động kinh doanh đó. Quyền liên quan là trả cho tác giả bản ghi âm và người biểu diễn.
Ngày 24/2/2016, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức một buổi ký kết giữa 3 trung tâm: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam để triển khai việc uỷ quyền cho một đơn vị đại diện đứng ra thu tiền tác quyền trên từng lĩnh vực. Tôi xin khẳng định lại một lần nữa, việc thu này đúng với quy định của pháp luật”.
Theo ông Bùi Nguyên Hùng, các cơ sở kinh doanh Karaoke sẽ phải trả tiền cho nhạc sỹ mà đại diện là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, quyền liên quan trả cho Hiệp hội Công nghiệp ghi âm và quyền biểu diễn trả cho Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam.
“Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu tiền kinh doanh dịch vụ Karaoke cho nhạc sĩ là hội viên của mình; RIAV thu tiền cho hội viên của mình là các nhà sản xuất bản ghi âm; Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) thu tiền cho hội viên của mình là các nghệ sĩ biểu diễn”, ông Bùi Nguyên Hùng nhấn mạnh.
Ba đơn vị trên sẽ thoả thuận trực tiếp nhau để ký một bản hợp đồng uỷ quyền đại diện cho nhau khi làm việc với các cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke trong cả nước.
Trước câu hỏi: “Quy định này đã được thực hiện ở Việt Nam chưa?”, ông Bùi Nguyên Hùng bày tỏ rằng, thực tế, sau khi Luật Sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005 và thực tiễn vừa qua thì Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã tiến hành thu tiền này ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke trên một số tỉnh thành. Đơn cử, năm 2015 là Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Việt Nam đã thu được 9 tỷ, 2016 thu được hơn 10 tỷ tiền tác quyền âm nhạc.
Ông Bùi Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Cinet. |
“Vừa qua. Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam cũng đã tiến hành thu dạng phí này. Và bắt đầu từ Quý III/2017, Hội Bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam do NSND Thanh Hoa làm giám đốc cũng sẽ tiến hành thu. Chúng tôi với tư cách cơ quan quản lý nhà nước đang theo dõi và giám sát chặt chẽ việc triển khau thu phí của các đơn vị này theo đúng chức năng và quyền hạn.
Chúng tôi khẳng định, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam đang đi theo đúng luật và đang trong giai đoạn lấy ý kiến. Vì sao, vì tài sản này là tài sản của dân sự. Tự bên có tài sản ấy đưa ra mức giá 2000 đồng và Hiệp hội này đã tiến hành làm việc với các cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke để lấy ý kiến. Theo tôi nắm được thì thời điểm này đang trong giai đoạn truyền thông và thông tin đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ để tiến tới triển khai sâu rộng.
Nếu đồng thuận thì cơ quan hành chính nhà nước không phải vào cuộc, toà án cũng không cần can thiệp. Trong trường hợp có tranh chấp xảy ra, không thoả thuận được, không đảm bảo được lợi ích của số đông tác giả thì cơ quan quản lý nhà nước hoặc toà án sẽ vào cuộc theo quy định”, ông Bùi Nguyên Hùng cho biết thêm.
Theo Hà Tùng Long (Dân Trí)