Video dung tục cho trẻ em bị phạt nặng ở nước ngoài

17/01/2017 14:37:00

Không chỉ YouTube, nhiều mạng xã hội và chính phủ các nước đều có biện pháp để ngăn chặn, xử phạt những kẻ tạo ra video dung tục, bạo lực hoặc gây hại đến trẻ em.

 

Không chỉ YouTube, nhiều mạng xã hội và chính phủ các nước đều có biện pháp để ngăn chặn, xử phạt những kẻ tạo ra video dung tục, bạo lực hoặc gây hại đến trẻ em.

Tháng 7/2016, Snapchat bị kiện vì hiển thị nội dung khiêu dâm nhưng không dán nhãn cảnh báo. Người đâm đơn kiện là mẹ của cậu bé 14 tuổi ở California, Mỹ.

Ứng dụng nhắn tin đình đám này bị cáo buộc vi phạm Đạo luật kiểm soát nội dung nhạy cảm Communications Decency Act năm 1996 vì tính năng Discover của họ liên tục phát nội dung nhạy cảm từ các kênh như BuzzFeed, Fushion, MTV và Cosmopolitan cho cậu con trai mà không cảnh báo trước.

Video dung tuc cho tre em bi phat nang o nuoc ngoai hinh anh 1
Một cảnh trong loạt video dung tục đang gây xôn xao. 

Tương tự Elsa và Spiderman ở Việt Nam, cậu nhóc ở Mỹ đã "được" Snapchat cho tiếp xúc với những đoạn video có nhân vật Disney nhưng đóng các cảnh nóng, trái ngược với nguyên tác và không phù hợp với trẻ em. 

Đại diện của Snapchat khi đó lên tiếng xin lỗi về vụ việc và cho rằng đó là sơ suất trong khâu biên tập nội dung. Dù vậy, startup công nghệ được định giá tỷ USD này vẫn không tránh khỏi hầu toà. 

Sau vụ việc, Apple "dán nhãn" 13+ cho Snapchat và không khuyến khích người dùng nhỏ tuổi sử dụng dịch vụ này. Snapchat cũng phải xem xét lại các đối tác nội dung và quy trình kiểm duyệt của mình. 

Tháng 11/2016, một đạo luật ở Anh đang được quốc hội nước này cân nhắc thông qua nhằm chống lại nội dung lệch lạc về tình dục. Đạo luật này bị nhiều dân mạng nước này ví như "đưa Internet Anh về thập niên 90" vì mạnh tay với những trang web cung cấp nội dung không lành mạnh. 

Theo đó, dự luật này yêu cầu các chủ website phải xác minh nghiêm ngặt độ tuổi của người truy cập, cũng như không được chiếu các video có nội dung lệch lạc trong tình dục. Hiện dự luật này vấp phải nhiều tranh cãi vì xung đột nhiều bên.

Trong năm 2016, tại Trung Quốc, phim "Võ Tắc Thiên Truyền Kỳ" do Phạm Băng Băng thủ vai cũng bị cắt cúp các cảnh hở hang khi lên sóng truyền hình. Có thông tin cho rằng Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (SARFT) buộc tạm dừng phát sóng bộ phim trong 4 ngày để Đài Truyền hình Hồ Nam có thời gian chỉnh sửa các cảnh bị cho là nhạy cảm.

Trở lại với những nội dung trực tuyến, YouTube - nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới, cũng có những chính sách riêng để giảm thiểu ảnh hưởng của video "người lớn" đến trẻ em. Những nội dung bị cấm hoặc hạn chế bao gồm: Khiêu dâm, bạo lực, ngôn ngữ thô tục, quảng cáo thuốc và chất gây nghiện, các vấn đề gây tranh cãi, chính trị, tôn giáo...

Với những video vi phạm một trong các điều trên, YouTube sẽ chặn tính năng kiếm tiền từ quảng cáo và liên tục gửi thông báo nhắc nhở vi phạm. Với những video bị cộng đồng báo cáo xấu (report), họ sẽ xem xét và xoá bỏ. 

"Người đứng sau Elsa và Spiderman Việt Nam cố tình vi phạm, dùng chiêu trò"

Trao đổi với Zing.vn, một chuyên gia truyền thông ở TP.HCM cho rằng người đứng sau kênh video phát tán nội dung Elsa & Spiderman có nhiều cảnh bạo lực và "nội dung người lớn" đang cố tình dùng chiêu trò. "Họ hiểu rõ mình đang phạm luật nhưng cố tình làm và tự tung hê lên để thu hút đám đông tò mò. Đó là cách kinh doanh phi đạo đức", chuyên gia này nhận định. 

Đại diện truyền thông Google tại Việt Nam chưa đưa ra câu trả lời cụ thể về vụ việc trên, nhưng cho biết YouTube là nền tảng mở và quản lý nội dung dựa trên cộng đồng. "Nếu nội dung gây ảnh hưởng đến người dùng, người dùng có thể báo cáo (report) để YouTube kịp thời can thiệp xử lý. Hiện đã có vài video thuộc series dung tục trên bị gỡ bỏ", vị đại diện này cho biết. 

Theo Duy Tín (Zing.vn)

Nổi bật