Vì sao Trung Quốc mạnh tay với "Bố ơi, mình đi đâu thế?"

18/04/2016 23:05:28

Những show tương tự cũng đều bị tuýt còi tại Trung Quốc. Còn ở một số quốc gia châu Á khác, chính phủ cũng đã có những cảnh báo với các đài truyền hình.

Những show tương tự cũng đều bị tuýt còi tại Trung Quốc. Còn ở một số quốc gia châu Á khác, chính phủ cũng đã có những cảnh báo với các đài truyền hình.

Sáng 18/4, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin về lệnh “kiểm soát ngành giải trí” của Tổng cục Điện ảnh, phát thanh và truyền hình Trung Quốc (SARFT).

Cơ quan này yêu cầu hạn chế tối đa các chương trình có trẻ em dưới tuổi thành niên tham gia. Các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc, show truyền hình thực tế sẽ bị kiểm soát kỹ.
 

Bố ơi, mình đi đâu thế, thành công về doanh thu nhưng bị đặt câu hỏi liên quan đến việc lạm dụng sức lao động trẻ em. Ảnh: Sina.

 
Theo quyết định này, các chương trình thực tế của đài Chiết Giang nhưBố ơi trở lại 3; Bố ơi, mình đi đâu thế mùa 4, Mẹ là siêu nhân của đài Hồ Nam; Thời đại thiếu nhi, show tìm kiếm tài năng Lớp học âm nhạc của đại sư mùa 2 do đài Bắc Kinh thực hiện đều bị dừng lại.

Sina cho hay một số đài truyền hình nào trót sản xuất giờ đang phải tính kế phát hành qua mạng để tránh sự xử lý của Tổng cục.

Nguồn tin từ Tân Hoa Xã tiết lộ giới chức Trung Quốc quyết liệt trong vấn đề này sau vài năm chứng kiến sự bùng nổ các game show thực tế có trẻ em tham gia. Đây là một hiện tượng bị đánh giá tiêu cực đối với xã hội.

Trẻ nhỏ trở thành máy kiếm tiền

Trong năm 2015, cả Trung Quốc có hơn 100 kênh truyền hình phát sóng, thu về 10 tỷ NDT tiền quảng cáo. Trong đó có nguồn thu đáng kể từ cấc show có sự góp mặt của các em nhỏ.

Bố ơi mình đi đâu thế được đài Hồ Nam vệ thị mua lại bản quyền từ chương trình cùng tên của MBC Hàn Quốc, phát sóng lần đầu vào năm 2013.

Phần 1 là sự xuất hiện của các cặp bố con : Lâm Chí Dĩnh (con trai Kimi), Trương Lượng (con trai Trương Duyệt Hiên), Điền Lượng (con gái Điền Vũ Tranh), Quách Thọ (con trai Quách Tử Duệ) và Vương Nhạc Luân (con gái Vương Thi Linh).

Thống kê từ đài truyền hình cho thấy đây là show ăn khách nhất năm của đài. Mạnh tay đầu tư, Hồ Nam thực hiện tiếp phần 2 và phần 3 với dàn bố con mới.

Ăn theo chương trình này, loạt đài truyền hình lớn thực hiện các show thực tế tương tự cũng với mô típ “cha mẹ nổi tiếng và con tham gia”.

Các cậu ấm, cô chiêu của nghệ sĩ bỗng chốc trở thành sao chỉ sau một đêm. Các em được truyền thông ưu ái gọi là “ngôi sao mới”, “thần đồng showbiz”. Cùng với đó là cát-xê ở mức trên trời.
 

Cô bé Vương Thi Linh trở thành sao trong các sự kiện chung với mẹ Vương Nhạc Luân. Cô bé được trả thù lao cao và cùng với đó vấp không ít chỉ trích từ đám đông vì tính thích mặc diện. Ảnh: Nam Đô.

 
Bé Kimi nhà Lâm Chí Dĩnh từng được trả đến 150.000 NDT (tương đương 520 triệu đồng) cho một sự kiện quảng cáo cùng ông bố. Lâm Chí Dĩnh tự hào: “Con trai còn có thù lao cao hơn tôi”.

Vương Thi Linh - cô công chúa của Lý Tương - trở thành hình mẫu của các bé gái với gu thời trang sành điệu toàn hàng hiệu, cát-xê quảng cáo hàng triệu NDT.

Người mẫu nổi tiếng Trương Lượng cho biết con trai anh được bạn bè và thầy cô hâm mộ sau khi tham gia show. “Nhờ con, thù lao của tôi cũng tăng lên gấp 20 lần”, anh chia sẻ trong buổi phỏng vấn với Nam Đô hồi năm 2014.

Nhưng đó chỉ là màu hồng thoáng qua của showbiz, cái mà người ta gọi là “cạm bẫy hai mặt”. Trong 3 năm trở lại đây, chưa bao giờ giới chức Trung Quốc lại đau đầu vì các chương trình có trẻ em tham gia đến vậy.

Bị bóc lột sức lao động
 
“Sức khỏe, sự phát triển về giáo dục và tâm lý là những vấn đề quan ngại”, đại diện Cục Điện ảnh, phát thanh và truyền hình chia sẻ trong một buổi phỏng vấn hồi tháng 2.

Nhiều người nhầm lẫn khi cho rằng các em chỉ đơn thuần đang vui chơi trong một show truyền hình thực tế trong khi đằng sau ống kính, các em cũng bị yêu cầu thực hiện các cảnh quay chuyên nghiệp như người lớn.

Tài tử Ngô Trấn Vũ và con trai - Feynman khi tham gia show Bố ơi mình đi đâu thế mùa thứ 2 bức xúc khi đài truyền hình vô trách nhiệm trong quá trình quay. Hậu quả, con trai anh bị tai nạn sau một tập quay và bị thương mắt vĩnh viễn.
 

Con trai tài tử Ngô Trấn Vũ bị tổn thương mắt vĩnh viễn sau tai nạn trên trường quay Bố ơi mình đi đâu thế mùa 2. Ảnh: QQ.

 
“Họ không nói gì với tôi sau vụ việc. Chúng tôi chưa nhận được chi phí điều trị và viện phí. Đó là hành động vô trách nhiệm của đài truyền hình”, Ngô Trấn Vũ bức xúc sau sự việc.

Anh còn tuyên bố sẽ khởi kiện đài. Trong khi đó, đạo diễn show - ông Tạ Địch Quỳ cho hay đây chỉ là tai nạn khi các em nhỏ chơi đùa và đập đầu vào cầu thang.

Đó là rủi ro mà bất kỳ nghệ sĩ nào cũng có thể vấp phải. Nhưng rõ ràng không dành cho các em nhỏ mới 5,6 tuổi, chưa phát triển hoàn thiện.

Bản thân Lâm Chí Dĩnh cũng thừa nhận sau khi tham gia show, bé Kimi trở nên khó tính hơn. Thậm chí, anh cũng không dạy nổi con trai mình.

“Các bé không thực sự nổi bật, nhưng nhờ "ô dù’’ là bậc sinh thành nổi tiếng nên cũng được chú ý, trở thành sao. Tuy nhiên, những bình phẩm khen chê của đám đông, kiếm tiền được quá sớm hay sự soi xét từ truyền thông khiến các em tưởng rằng mình là trung tâm vũ trụ, tự bỏ rơi sự học và phấn đấu nghiêm túc", Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức.

"Phải nhấn mạnh rằng, các em đang bị bóc lọt về lao động, trở thành cỗ máy kiếm tiền, bị phát triển lệch lạc”,  ông này cảnh báo.
 

Nước mắt của các em nhỏ trong và sau chương trình nổi tiếng là vấn đề với các nhà truyền hình.

 
Dư luận Trung Quốc nói gì?

Phản hồi lại quyết định quyết liệt từ phía cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh Trung Quốc cho rằng đây là “việc làm đúng đắn trước khi quá muộn”. Có khoảng hơn 5.000 ý kiến đánh giá đồng tình được chia sẻ trênTân Hoa Xã.

Phóng viên hãng tin này nhận định điều này cho thấy sự ủng hộ lớn từ dân chúng. “Chúng tôi luôn lo lắng khi các bé bị lơ là việc học, theo show hàng ngày”, một phụ huynh chia sẻ trên Sina.

Một khán giả bình luận: “Nhà sản xuất và đài truyền hình luôn nói chương trình của họ là minh chứng của sự tiến bộ xã hội, các em nhỏ được phát triển toàn diện".

"Nhưng bao nhiêu em nhỏ sau các chương trình dễ dàng từ bỏ ánh hào quang thoáng chốc đó? Thực tế, sau các chương trình, các em nhanh chóng trở về con số 0”.

Hàn Quốc cũng cảnh báo

Tại thị trường châu Á, Hàn Quốc là quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Mỗi năm, các đài sản xuất hàng chục show lớn nhỏ có sự tham gia của các em nhỏ dưới tuổi thành niên.

Hiện tượng này khiến các nhà giáo dục liên tục đưa ra lời cảnh cáo về việc lạm dụng trẻ em trên truyền hình. Bố ơi, mình đi đâu thế và một số show truyền hình có thiếu nhi tham gia cũng ra đời từ chính Hàn Quốc.
 

Ba nhóc tì tài tử "Joo Mong" - Song Il Kook trong show Sự trở lại của siêu nhân. Ảnh:Nate.

 
Tờ Korea Times đặt câu hỏi: “Liệu các đài truyền hình có đang khai thác sức lao động của đối tượng trẻ em nhằm mục đích tăng lượng người xem?”.

Các chuyên gia giáo dục xứ kim chi lo lắng thế hệ “sao nhí” này đối diện nhiều áp lực ngoài kiểm soát do mức độ phủ sóng lớn của các chương trình.

Thực tế, đã có những em nhỏ sau khi tham gia truyền hình thực tế, do không gây được thiện cảm với khán giả đã bị “tẩy chay”, bị bêu xấu trên mạng xã hội Hàn Quốc.

"Chúng ta cần chung tay tạo môi trường hoàn hảo về thể chất và tâm lý để các em nhỏ được bảo vệ và có được sự phát triển tốt nhất. Không phải ngẫu nhiên nhiều sao nhí ở Hollywood, sớm thành rồi sớm bại", một nhà phê bình lên tiếng trên China Daily.
 
>> Trung Quốc ra lệnh cấm phát sóng "Bố ơi, mình đi đâu thế"
 
Theo Hiểu Nguyệt (Zing.vn)

Nổi bật