Ngô Thanh Vân trong buổi họp báo chiều ngày 17/8 |
Trong buổi họp báo, Ngô Thanh Vân cho biết: “Tôi biết ở ngoài có thông tin là bên tôi đưa ra những yêu cầu cao hơn, chuyện đó tôi có thể khẳng định tại đây là cả VAA và BHD đều không đưa ra những yêu cầu nào quá cao, quá đáng với tất cả mọi người cũng như CGV. Yêu cầu của chúng tôi là xin được bên đó đối xử như tất cả các bộ phim trước đây mà thôi. Chúng tôi xin sự công bằng chứ không phải một cái gì quá đáng. Tất cả những thông tin đó đều đã sai… Mình làm phim mình muốn cho người Việt xem thì không cớ gì mình đòi những con số quá đáng để người ta có thể nói ngược như vậy. Mình làm phim cho người Việt, mình muốn người Việt được xem chứ ai đi đòi ngang ngược như vậy để người ta hiểu lầm rồi người ta không cho mình chiếu. Những thông tin đó rất sai trái và oan ức. Tôi không đòi hỏi gì hết ngoại trừ sự công bằng cho phim Việt mà thôi”.
Ngay sau đó, trên các trang mạng bắt đầu có phản ứng trái chiều về việc này, cho rằng CGV “chèn ép” phim Việt trên thị trường khi phát hành.
Trả lời về những câu hỏi xoay quanh vấn đề này, phía CGV khẳng định: “Chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh”.
Trong TCBC chính thức được đưa ra, phía CGV cho biết:
“Trong thời gian qua, đã có nhiều thông tin không chính xác về việc CGV không ủng hộ phim Việt. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh và hoạt động của công ty chúng tôi. Về vấn đề này, công ty CJ CGV Việt Nam xin đưa ra phản hồi chính thức như sau:
1. Việc cung cấp những thông tin về việc CGV chèn ép phim Việt, từ chối phát hành phim Việt hay ưu tiên truyền bá văn hóa Hàn… là hoàn toàn thiếu căn cứ, có chủ đích và có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh.
Sự việc này tiếp tục được tác động trên cộng đồng mạng gây hiềm khích, chia rẽ cộng đồng, cổ xúy cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Điều đó cũng đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và danh tiếng của chúng tôi. Chúng tôi đã có báo cáo chính thức về việc này với Cục quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) và sẽ khởi kiện các doanh nghiệp, đơn vị thông tấn báo chí hoặc cá nhân đăng tải hoặc trích đăng lại những thông tin thiếu cơ sở, gây tổn hại cho doanh nghiệp chúng tôi.
Từ đầu năm 2016 tới nay, chúng tôi đã phát hành 8 phim Việt Nam. Dự kiến trong những tháng cuối năm 2016, CGV sẽ tiếp tục phát hành thêm 9 phim, đưa tổng số phim Việt phát hành lên 17 phim, trở thành đơn vị phát hành nhiều phim Việt nhất tại Việt Nam. Thêm nữa, CGV luôn ưu tiên và dành các suất chiếu tốt nhất cho phim Việt Nam có chất lượng cao và được công chúng đón nhận. Bằng chứng như:
Phim “Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh” được chiếu liên tục tại cụm rạp CGV đến 81 ngày (gần 3 tháng), tổng số suất chiếu là 7.683 suất Phim “49 ngày” được chiếu liên tục 89 ngày (3 tháng) với số suất chiếu là 8.775 Phim “Chàng trai năm ấy” được chiếu 22 ngày, tổng số suất chiếu là 4.802 suất Phim “Ngày nảy ngày nay” được chiếu liên tục 42 ngày, tổng số suất chiếu là 3.978
Phần lớn các phim này do các đơn vị phát hành ngoài CGV như Galaxy, BHD… phát hành. Những thông số trên cho thấy CGV đã nỗ lực rất lớn trong việc phát hành phim Việt trên hệ thống rạp của mình. Do vậy, hoàn toàn không có căn cứ nào để khẳng định CGV không ủng hộ phim Việt.
2. CJ CGV Việt Nam không từ chối chiếu phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể.
Là một đơn vị phổ biến phim với hệ thống 35 cụm rạp trên toàn quốc như hiện nay, chúng tôi rất cần có phim để phục vụ cho các khán giả trên cả nước. Tuy nhiên, đối với phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể, chúng tôi không có quyền quyết định mà phụ thuộc vào đơn vị phát hành là BHD và nhà sản xuất VAA.
Trong quá trình thương thảo về việc phát hành phim, mặc dù chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực quảng bá cho phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể tại tất cả các cụm rạp của CGV cũng như duy trì đăng poster phim trên website và trang Facebook Fanpage của công ty.
Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi với BHD là với suất chiếu lớn thì chi phí để vận hành rạp tương ứng sẽ rất cao. Thực tế, trong việc phát hành phim, CGV và các đối tác sẽ cùng nhau xây dựng và thống nhất áp dụng tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé dựa trên chất lượng phim, số lượng rạp chiếu và phòng chiếu của đơn vị phát hành. Tỷ lệ này đã thống nhất từ trước tới nay cho tất cả các phim Việt Nam khi phát hành tại rạp CGV.
Để đảm bảo cho lợi ích chính đáng của hai bên, chúng tôi đã đề nghị BHD xem xét điều chỉnh tỷ lệ cho phù hợp. Tuy nhiên, theo thông tin cập nhật tới ngày 17/8/2016, công ty BHD đã chính thức từ chối cung cấp phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể cho hệ thống rạp CGV vì không đạt được thỏa thuận kinh doanh như BHD yêu cầu. Quyết định đơn phương của BHD đã phần nào hạn chế việc phổ biến bộ phim tới khán giả trên toàn quốc.
Trong suốt 10 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, chúng tôi đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ nhiều hơn gấp 4-5 lần so với lợi nhuận đạt được tại thị trường này. Với nhìn nhận khách quan và thực tế, tính tới thời điểm này chưa có công ty nào trong lĩnh vực này có đóng góp như vậy cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.
Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng, các đơn vị thông tấn báo chí và cộng đồng xem xét và đưa ra những nhận định thỏa đáng về vấn đề này để không vì những hành động có chủ đích của một số doanh nghiệp hay cá nhân nào vì lợi ích của họ mà có thể chèn ép hay tạo áp lực cho các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang có những đóng góp tích cực tại Việt Nam như CGV. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển của điện ảnh Việt Nam mà còn ảnh hưởng tới môi trường đầu tư minh bạch, công bằng mà chính phủ Việt Nam đang hướng tới”.
Theo Băng Châu (Dân Trí)