Tối qua (13/10), tập 7 chương trình Ký ức vui vẻ mùa hai đã lên sóng, với nhiều tiết mục hấp dẫn và thú vị.
Tham gia chương trình tuần này là sự góp mặt của nhiều khách mời mới như nghệ sĩ ưu tú Văn Báu, MC Quyền Linh, nghệ sĩ Bạch Long, diễn viên Đinh Toàn, diễn viên Thúy Diễm, nghệ sĩ Võ Minh Lâm.
Tượng đài "Cảnh sát hình sự" Văn Báu nhớ lại kí ức gian khổ trên truyền hình
Ngoài MC Quyền Linh, khán giả cũng khá háo hức trước sự tham gia của nghệ sĩ ưu tú Văn Báu. Tên tuổi của anh đã gắn liền với serie phim Cảnh sát hình sự, in đậm vào kí ức công chúng một thời, trở thành tượng đài.
Lần đầu tham gia game show truyền hình, NSƯT Văn Báu chia sẻ: "Tôi xin cám ơn anh Lại Văn Sâm vì đã cho anh em chúng tôi được sống lại những nămg tháng đã qua.
Khi được mời đến đây, tôi rất bất ngờ, không nghĩ mình lại được tham gia một chương trình vui vẻ như vậy. Nó gợi nhắc tôi nhớ về kí ức gian khổ của những năm tháng thanh niên, mọi cái đều phải tự lực, khổ cực lắm.
Bọn trẻ con đường phố chúng tôi ngày đó chẳng có mong ước gì ngoài việc đợi trời gió to cho lá cây rơi nhiều, lấy về đốt lò.
Nghe tôi nói thì lớp trẻ bây giờ cứ bảo tôi kể chuyện cổ tích, nhưng cổ tích đời thường là có thật đấy".
Những lời chia sẻ của NSƯT Văn Báu đã khiến MC Lại Văn Sâm tỏ ra xúc động, rưng rưng.
MC Quyền Linh: Tôi từng phải đi bán bánh đúc 5, 6 năm trời và rao đến khản cả cổ
Trong chương trình tuần này, khán giả được gợi nhớ kí ức về những tiếng rao đường phố thời gian trước, gắn với kỉ niệm, tuổi thơ của nhiều người, nhưng đã ngày một phai tàn.
MC Lại Văn Sâm giới thiệu: "Mỗi lần nghe thấy tiếng rao, ai trong chúng ta cũng đều nhớ tới những gánh hàng rong. Ở ba miền Bắc, Trung, Nam đều có cả. Nó in sâu vào đời sống của người dân Việt Nam tới mức, đến bây giờ chúng ta đôi khi cảm thấy nhớ nó, dù chỉ là khoảnh khắc.
Ở Hà Nội bây giờ đâu đó vẫn còn tiếng rao, nhưng tiếng rao này hiện đại quá vì được thu âm qua loa. Tôi cứ về đến ngõ nhà tôi là lại nghe thấy một cái xe đạp vừa đi vừa rao: "Ai dừa xiêm Bến Tre đây, dừa xiêm Bến Tre vừa lành vừa mát này". Nó cứ đều đều như thế thôi.
Ngày xưa, tôi nhớ mỗi khi đêm đến được nghe tiếng rao là thích lắm. Trẻ con chúng tôi còn đố nhau rằng: "Đố mày xem hôm nay bà ấy bán được nhiều hay ít". Tiếng rao ảnh hưởng nhiều từ cảm xúc người rao.
Ai mà rao vui vẻ chắc là bán được hàng, còn cảm thấy mệt mỏi, rã rời thì là hôm đó bán ế lắm.
Còn bây giờ, tôi không cảm nhận được tiếng rao vì đều qua loa phát hết".
MC Thanh Bạch chia sẻ: "Tiếng rao này không phải ai cũng rao được. Tiếng rao mà ngọt thì mới đắt hàng, còn rao mà cục, khó nghe thì rất khó bán. Tiếng rao đòi hỏi phải có hồn.
Nếu bảo người bán hàng rong hát chắc họ sẽ hát hay vì tiếng rao của họ đòi hỏi phải có âm hưởng của vọng cổ, cải lương trong đó.
Ngày xưa, thành phố rất yên vắng, giữa khuya vẫn nghe được tiếng rao từ xa. Còn bây giờ xã hội ồn ào, tấp nập thì thành ra ô nhiễm tiếng ồn, tiếng rao không vang đi được nữa mà phải phát qua loa người ta mới nghe được.
Những tiếng rao nghe qua loa cứ giống nhau như đúc khiến người ta bị đơ, mất cảm xúc".
Nghe MC Thanh Bạch nói vậy, nghệ sĩ ưu tú Văn Báu phản đối: "Tôi nhớ thời kì đầu của miền Bắc khi chúng tôi lớn lên, không ngọt ngào như anh Thanh Bạch nói đâu.
Ở ngoài Bắc, tiếng rao là thuần chất của dân lao động, là những người không biết buôn bán, làm gì khác ngoài việc nấu một món gì đó rồi thuê vài đứa trẻ rao khắp phố".
NSND Hồng Vân cũng không đông tình với MC Thanh Bạch: "Tiếng rao ở miền Nam cũng có tiếng nghe dễ sợ lắm chứ không phải tiếng rao nào cũng êm đềm, hay hết đâu anh Thanh Bạch". Nói rồi NSND Hồng Vân nhại lại tiếng rao bằng cả hai giọng Nam và Bắc.
MC Quyền Linh thì lại tiết lộ quá khứ nghèo khó của mình khi nhớ đến tiếng rao: "Khi nhắc tới tiếng rao, tôi vẫn nhớ vì chính tôi đã phải đi rao. Tôi từng phải đi bán bánh đúc, bánh lọt 5, 6 năm trời dưới quê và rao đến khản cả cổ.
Tôi cứ rao mãi trong suốt 6 năm như thế. Lúc nào khỏe thì tôi rao đầy đủ "ai bánh đúc, bánh lọt không", còn yếu đi thì rao thành "ai đúc lọt không".
Theo Tùng Ninh (Soha/Trí Thức Trẻ)