Tung tin nghệ sĩ qua đời để câu like có thể bị phạt từ 10 triệu đến 1 tỷ đồng

10/08/2017 09:27:00

Luật sư Nguyễn Hồng Bách và luật sư Tô Đình Huy đều cho rằng, hành vi tung tin đồn nghệ sĩ qua đời không đúng sự thật là vi phạm pháp luật, “bất nhẫn và trái với đạo đức xã hội. Hành vi này có thể bị phạt tiền rất nặng và thậm chí có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách và luật sư Tô Đình Huy đều cho rằng, hành vi tung tin đồn nghệ sĩ qua đời không đúng sự thật là vi phạm pháp luật, “bất nhẫn và trái với đạo đức xã hội. Hành vi này có thể bị phạt tiền rất nặng và thậm chí có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Công ty luật Hồng Bách và Cộng sự cho rằng, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, thì các hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… đều là các hành vi bị cấm.

Vì vậy, việc đăng tải, tung các thông tin sai sự thật về việc các nghệ sĩ qua đời, bị bệnh tật, tai nạn là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí là “bất nhẫn” và trái đạo đức xã hội.

Theo quy định tại các Điều 64, Điều 65 và Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, thì tùy thuộc vào các hành vi vi phạm cụ thể, cũng như tính chất và mức độ vi phạm, các hành vi này có thể bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm và từ 05 triệu đến 25 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm.

NSƯT Chí Trung từng là nạn nhân của trò tung tin đồn thật thiệt để câu like của một số kẻ xấu trên mạng xã hội. Ảnh: FBNV.

NSƯT Chí Trung từng là nạn nhân của trò tung tin đồn thật thiệt để câu like của một số kẻ xấu trên mạng xã hội. Ảnh: FBNV.

Còn theo Thạc sĩ, Luật sư Tô Đình Huy – VP Luật sư Tô Đình Huy (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, những hành vi tung tin đồn không đúng sự thật trên mạng xã hội về việc nghệ sĩ qua đời, bệnh tật, tai nạn... sẽ căn cứ vào mức độ ảnh hưởng và thiệt hại gây ra cho chính người bị tung tin hoặc xã hội mà có thể xử lý theo các quy định pháp luật.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 34 Bộ Luật dân sự 2015 quy định: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Vấn đề này cũng được ghi nhận tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013. Những tin đồn thất thiệt có thể xâm phạm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị đưa tin.

Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 5 Điều 34 nêu trên, người có hành vi vi phạm có trách nhiệm phải gỡ bỏ, cải chính công khai, xin lỗi, hủy bỏ thông tin và bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín bao gồm thiệt hại vật chất và thiệt hại tinh thần, được xác định theo quy định tại Điều 584, Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.

Nếu thông tin thất thiệt có nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì hành vi tung tin, bịa đặt bị nghiêm cấm theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng :

Hành vi đăng tin thất thiệt mang tính giật gân trên mạng xã hội nhằm mục đích thu hút sự chú ý của mọi người là vi phạm điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện:“Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác”. Hành vi này có thể bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Tùy theo từng trường hợp, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự:

Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó là bịa đặt, người loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể phạm tội vu khống theo quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự 1999, có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Từ ngày 01/01/2018, Bộ Luật hình sự 2015 có hiệu lực, hành vi này sẽ bị xử lý theo Điều 156, tăng mức phạt tiền thành 10 đến 50 triệu đồng.

Nếu không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người tung tin thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi năm 2009. Cụ thể, người nào thực hiện hành vi: đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Từ ngày 01/01/2018, người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật hoặc có hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông để thu lợi bất chính hoặc gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể phạm tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng việc thông (Điều 288 Bộ Luật hình sự năm 2015).

Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Nạn nhân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại

Theo Luật sư Tô Đình Huy, người bị tung tin đồn thất thiệt, không đúng sự thật có thể sử dụng các biện pháp pháp lý sau đây để bảo vệ quyền lợi của mình: Trực tiếp liên hệ hoặc ủy quyền cho người khác liên hệ chủ thể truyền bá thông tin không đúng sự thật để yêu cầu, buộc họ phải: Gỡ bỏ vĩnh viễn các thông tin không đúng sự thật khỏi internet; Công khai đính chính, xin lỗi; Bồi thường thiệt hại (nếu có).

Đồng thời, có quyền trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án có thẩm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi truyền bá thông tin không đúng sự thật gây ra.

Trường hợp không xác định được đối tượng có hành vi vi phạm, cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Tố cáo năm 2011 để được giải quyết.

Tố giác tội phạm đến cơ quan có thẩm quyền thông qua internet, thư tín, điện thoại để cơ quan có thẩm quyền xem xét khởi tố vụ án hình sự.

Tương tự, Luật sư Nguyễn Hồng Bách cũng cho rằng, những nạn nhân của các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có quyền làm đơn trình báo sự việc đến các cơ quan chức năng (Thanh tra của Cơ quan Thông tin và Truyền thông hoặc Cơ quan Công an), để đề nghị các cơ quan này can thiệt, xử lý hành vi vi phạm.

Mặt khác, nếu những hành vi vi phạm gây ra thiệt hại cho các nạn nhân, thì họ có quyền yêu cầu người vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Theo Hà Tùng Long (Dân Trí)