Mở đầu, nam MC đề cập đến chủ đề "Front row, don't be rude" (tạm dich: Ghế ngồi hàng đầu, đừng hành xử thô lỗ). Anh chia sẻ, ai làm ban tổ chức các chương trình thời trang mới hiểu, sắp xếp hàng front - row khó khăn đến thế nào. Mối quan hệ thì dày đặc, từ quan chức, cán bộ, đến lãnh đạo, đối tác, khách hàng, đến các ngôi sao, các VIP quốc tế... Với show thời trang, ngồi front row là được xem như thượng khách, những người cực kỳ quan trọng với nhà tổ chức. Vậy mà vẫn có những người ngang nhiên bỏ về trong khi chương trình biểu diễn đang diễn ra, gây mất trật tự một bìa sàn catwalk.
Hàng loạt ghế ngồi hàng đầu trống, tạo những vị trí không đẹp mắt do các nghệ sĩ bỏ về ngang trong khi show vẫn đang diễn ra. |
Anh cũng thông cảm đến những trường hợp có chuyện riêng. Nhưng rời khỏi front row là cả một sự tế nhị, nên đi làm sao để ít người biết, đi làm sao không ảnh hưởng gì ai. Đằng này hàng loạt khách mời hàng đầu đứng lên một cách lộn xộn, không đi thật nhanh mà còn nhốn nháo cả một bìa catwalk, trong khi đèn sân khấu đã lên, âm thanh đã mở, bộ sưu tập mới đã bắt đầu diễn. "Những chuyện rất tối thiểu như thế, sao VIP ngồi front row mà lại không hiểu nhỉ? Tôi còn chứng kiến BTC phải năn nỉ "Anh chị ơi, đèn sân khấu sáng rồi, anh chị cố ngồi xuống tí ạ" . Là như thế nào? Lịch sự cũng cần phải xin mà xin chưa chắc cho như thế à?", anh bức xúc.
Tùng Leo còn phân tích, ai từng đi dự show thời trang mới hiểu, không dễ dàng để có vé front row. Show quốc tế, những bạn tưởng là máu mặt ở Việt Nam vẫn phải chịu ngồi sau. "Ai cũng muốn ngồi front row, vì hai lý do: một - xem show được rõ nhất, gần nhất; hai - cảm giác được sự quan trọng của mình. Thế nên, ai cũng xin vé front row. Có người, không phải vé front row sẽ không đi dự, vì như vậy là "đánh giá không đúng về vị trí" của họ. Có người, nếu chỉ đưa 1 vé front row cũng không đi dự, vì tôi VIP thì người tôi đi cùng cũng là VIP. Thế nên, để gìn giữ các mối quan hệ một cách trọn vẹn, Nhà tổ chức rất đau đầu. Chọn ai? Bỏ ai? Việc này, đôi khi còn đau đầu hơn là chỉ đạo những thứ khác trên sàn catwalk", MC bày tỏ.
Dù Host của chương trình đã lưu ý các khách mời nên giữ trật tự khi show diễn ra nhưng hiện tượng bỏ về ngang vẫn xuất hiện. |
"Một bữa tiệc bày ra, người dự tiệc về sớm là quyền của người dự tiệc. Nhưng khi đã xem người đến dự là VIP thì người bày tiệc có đau lòng không? Chương trình đã cho Host khẩn khoản thưa bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, xin đừng di chuyển trong suốt show diễn. Vậy mà, cứ lũ lượt người đứng lên đi về, không cần biết Nhà thiết kế nghĩ gì, người mẫu nghĩ gì, BTC nghĩ gì. Những chuyện bất khả kháng không nói làm gì, vì ai cũng có việc riêng. Nhưng đang ngồi vị trí thượng khách, thể hiện hành vi này tại sàn catwalk là sự thiếu văn minh. Bạn sẽ có đủ lý do để đứng lên ra về, nhưng xin hãy hiểu, đây là phép lịch sự tối thiểu ở sàn catwalk. Có thể thế giới của bạn chưa từng có điều tương tự, nhưng xin bạn hãy tôn trọng quy tắc của sàn catwalk. Tôi không phải chưa từng dự các fashion week các thành phố khác, nên tôi thấy lạ ở xứ mình. Xứ người, không ai làm vậy. Họ tôn trọng vị trí front row của mình, tôn trọng Nhà tổ chức, tôn trọng Nhà thiết kế, tôn trọng người mẫu. Sự tôn trọng đó, chẳng lẽ không có ở xứ ta?", Tùng Leo đặt câu hỏi.
Cuối cùng, MC chốt lại vấn đề, mong rằng sau này ai có vé front row, hãy tự tôn trọng mình trước, không thì đừng có ngồi front row nữa. Hãy đứng xa xa mà chiêm ngưỡng thế giới thời trang, rồi muốn đến muốn đi lúc nào cũng được.
Các nghệ sĩ bị cho là đến trễ trong một sự kiện thời trang hồi tháng 5. |
Có thể thấy, vấn đề mà MC Tùng Leo đề cập hôm nay không quá xa lạ trong showbiz.Thời gian qua, có khá nhiều ý kiến đưa ra chỉ trích thói quen "đi trễ về sớm" của sao Việt. Điển hình trong một lễ trao giải âm nhạc trực tuyến đầu năm nay, nhiều khác mời bày tỏ thái độ bất bình khi số lượng nghệ sĩ lớn được mời bỏ về khá nhiều, dù chương trình diễn ra chưa được một nửa. Điều này vô hình trung để lại nhiều khoảng trống xấu xí, ảnh hưởng đến hình ảnh của một sự kiện lớn.
Bên cạnh đó, hồi tháng 5, một nghệ sĩ có tên tuổi cũng đã bức xúc lên tiếng trên trang cá nhân rằng việc một số người đẹp cố tình đến trễ để họ được chú ý như một ngôi sao hạng A. Thói quen này được xem là một "căn bệnh" khó chữa ở một bộ phận những người nổi tiếng, khiến họ bị nhìn nhận như những người thiếu chuyên nghiệp và làm ảnh hưởng đến diễn biến tổng thể sự kiện mà họ tham gia.
Thói quen về giờ giấc làm việc cũng như ý thức khi tham dự một sự kiện của các nghệ sĩ Việt đã đến lúc cần lên tiếng một cách nghiêm túc hơn nữa. Dù biết sức hút của những người nổi tiếng là rất cần cho một sự kiện, nhưng nhà tổ chức chương trình cũng nên cân nhắc cụ thể trong thỏa thuận hợp đồng, nhằm đảm bảo hình ảnh chương trình, tránh để trình trạng lộn xộn, khó xử lý khi có những tình huống bỏ về sớm xảy ra. Bên cạnh đó, bản thân mỗi nghệ sĩ cũng nên có trách nhiệm với công việc và sự tin tưởng của nhà tổ chức dành cho họ. Đó là cách để họ giữ được hình ảnh, uy tín, sự chuyên nghiệp của mình trong mắt khách hàng và khán giả.
Theo Nhật Duy (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)