Trong quyển sách hơn 300 này, ở phần mang tên "Tình duyên", đoạn nói về cuộc chung sống với chồng cũ thứ hai, Ái Vân bỏ trắng tám trang giấy. Mỗi trang chỉ có những dòng kẻ và hình ảnh tia chớp lóe trên bầu trời xám xịt.
"Tôi đã cố gắng viết cho xong mục này - 8.808 từ cả thảy. Câu chuyện tôi chưa từng kế ra này cho biết lý do vì sao tôi buộc phải rời Tổ quốc năm 1990 khi tôi đang được Nhà nước có nhiều ưu ái. Nhưng vì câu chuyện quá đau đớn, khi đọc lại tôi không thể chịu nổi. Con trai tôi - nếu đọc được phần này - chắc chắn cũng sẽ không chịu nổi. Vì thế - sau nhiều đêm suy nghĩ - tôi xin lỗi bạn đọc - cho phép tôi được xóa trắng mục này", chị nói.
Danh ca Ái Vân khóc nghẹn khi nhắc về đổ vỡ hôn nhân. |
Khi có người đặt câu hỏi: "Vì sao mọi chuyện đã qua mà chị vẫn tránh nhắc mối quan hệ của chị với người chồng cũ dù hiện tại, cả hai đều có hạnh phúc riêng, vẫn có thể nhìn nhau như người quen cũ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống và công việc?". Nghe câu hỏi, nữ ca sĩ lặng đi. Không nén được nước mắt chị nghẹn ngào chia sẻ việc thực hiện cuốn sách là để hoàn thành một trong những di nguyện của người cha thân yêu của chị. Trước khi mất, ông đã dặn dò con gái phải viết để kể lại đời chị, để khán giả, những người yêu quý hiểu vì sao chị phải ra đi trong đau đớn. Còn nỗi đau đã qua với người chồng thứ hai, chị vẫn xin giữ lại những góc cho riêng mình, vì sự bình yên của con trai và bình yên của chính người ấy.
Tuy không viết ra trực tiếp, đôi chỗ ở trang cuối sách, phần "Happy ending" (kết thúc vui), nữ nghệ sĩ đã lý giải về những dằn vặt, sự sợ hãi và đau đớn của cuộc hôn nhân thứ hai là nguyên nhân sâu sắc khiến chị tìm cách rời Việt Nam ra đi vào năm 1990, bỏ lại phía sau gia đình thân yêu, sự nghiệp vẻ vang, bạn bè và đứa con trai bốn tuổi bơ vơ.
Từ trước đến nay, khán giả và người trong giới nghệ thuật phần nhiềuđều đã biết về hai cuộc đổ vỡ hôn nhân của nữ danh ca một thời. Người đàn ông đầu tiên - nghệ sĩ Đặng Dũng (nghệ sĩ kịch câm đầu tiên của Việt Nam) đặt lên vai của Ái Vân gánh nặng của nợ nần. Người đàn ông thứ hai - nghệ sĩ Trần Bình làm chị tổn thương bởi sự ghen tuông. Tuy vậy, lần đầu tiên, qua tự truyện, Ái Vân đã trút nỗi lòng về những mất mát tình cảm. Với nghệ sĩ Đặng Dũng, chị có nhiều trang viết chân thật kể lại nỗi đau. Nhưng với chồng cũ thứ hai, dường như sự ám ảnh còn quá lớn khiến chị không muốn đề cập trực diện.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu (phải) là thầy của Ái Vân nhưng nhận mình là học trò của mẹ chị - Nghệ sĩ Nhân dân Ái Liên. |
Chuyện tình cảm riêng tư chỉ là một phần trong sách của Ái Vân. Qua câu chuyện đời của nữ nghệ sĩ, từ ấu thơ đến khi trưởng thành, độc giả được dịp nhìn lại cả một giai đoạn thập niên 60s, 70s của đất nước. Dấu ấn một thời chiến tranh khốc liệt, cuộc sống nghèo khó, những câu chuyện về tình đời, tình người... in đậm trong từng trang sách giúp bạn đọc hôm nay hiểu hơn về một thế hệ của ngày đã qua.
Chính vì thế, lễ ra mắt tự truyện Để gió cuốn đi, không chỉ có nước mắt mà còn đầy ắp tiếng cười, tiếng hát. Có những vòng tay ôm thật chặt giữa những đồng nghiệp lâu năm gặp lại, giữa những khán giả khi xưa ái mộ đại gia đình nghệ thuật của Nghệ sĩ Nhân dân Ái Liên với người con gái đa đoan của bà là Ái Vân. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu, dù vừa mới trải qua cơn ốm vì bị ngã, vẫn dành thời gian đến chúc mừng "cô học trò nhỏ" ông yêu quý. Người mà ông khen là rất láu lỉnh và thông minh. Chính Ái Vân, dẫu đã tuyên bố sau tự truyện sẽ giải nghệ ca hát vẫn thể hiện ba nhạc phẩm: Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Triệu đóa hoa hồng và Bài ca xây dựng - những ca khúc gói ghém phần nào nỗi lòng của chị về tình yêu, quê hương và âm nhạc.
Nghệ sĩ Ưu tú Thành Lộc (trái) chúc mừng Ái Vân ra mắt tự truyện. Ảnh: Thoại Hà. |
Ái Vân là ca sĩ nhạc nhẹ hàng đầu của Việt Nam nửa sau thế kỷ 20. Chị từng đoạt giải Grand Prix tại Liên hoan âm nhạc quốc tế Dresden (Đức) năm 1981 với ca khúc Bài ca xây dựng và bài hát tiếng Đức Mặt trời chưa bao giờ mọc như thế. Ái Vân sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Mẹ là nghệ sĩ tài danh Ái Liên, bố là "công tử Hà Thành" lừng lẫy một thời - Hà Quang Định, chủ hãng Vietfilm (Hãng phim tư nhân đầu tiên tại Việt Nam).
Ngoài sự nghiệp ca hát, thời trẻ, Ái Vân còn tham gia một số bộ phim điện ảnh như: vai chính trong phim Chị Nhung, hai vai phụ trong Chú rể đi đâu, Bản danh sách mật...
Theo Thoại Hà (VnExpress.net)