Trailer 'Black Panther'
Sau 2 tuần ra mắt, bom tấn Black Panther đã thu về trên 700 triệu đô la trên thị trường toàn thế giới, hứa hẹn chẳng bao lâu nữa sẽ vươn đến con số tỷ đô. Còn tại Việt Nam, chốt lại 5 ngày công phá các rạp chiếu, doanh thu của bộ phim được công bố đạt 2,5 triệu đô la (56 tỷ đồng).
Hẳn khán giả Việt vẫn còn chưa quên tác phẩm siêu anh hùng thuần Việt cũng thuộc "anh em nhà Báo" là Lôi Báo của đạo diễn Victor Vũ vừa ra mắt vài tháng trước.
Được đầu tư kinh phí lên đến 30 tỷ đồng nhưng đến nay Lôi Báo vẫn chưa công khai con số doanh thu. Mà điều này theo cách hiểu ngầm của giới làm phim Việt Nam thì có nghĩa là phim lỗ.
Cùng là siêu anh hùng mà Báo Hollywood thì khuynh đảo phòng vé còn Báo Việt lại thất bại thảm hại, vì đâu nên nỗi? Vẫn biết so sánh phim Việt và phim Hollywood là vô cùng khập khiễng nhưng câu chuyện thành công của Black Panther không khỏi khơi ra câu hỏi nhức nhối cho điện ảnh Việt.
Doanh thu bạc tỷ: Vấn đề không phải ở kinh phí
Kinh phí hơn 30 tỷ đồng của Lôi Báo nếu so với kích cỡ của nền điện ảnh Việt hiện nay được coi là con số lớn, xứng tầm với danh hiệu "bom tấn". Tuy nhiên nếu so kinh phí của Lôi Báo với khoản đầu tư cả trăm triệu đô là của Black Panther thì chẳng thấm vào đâu.
Liệu điều đó có đồng nghĩa với việc phim bom tấn Việt thất bại là do đầu tư chưa đủ lớn? Chắc chắn là không.
Nhìn lại chặng đường của các bom tấn điện ảnh Việt, bắt đầu từ Dòng máu anh hùng của Charlie Nguyễn (2006) đến Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ (2012), Lửa phật của Dustin Nguyễn (2013) và mới đây là Lôi Báo cũng của Victor Vũ (2017).
Khán giả có thể dễ dàng nhận ra một kết cục chung cho tất cả các bom tấn giả tưởng kể trên đều là thất thu tại phòng vé. Đau đớn nhất có lẽ là vụ thua lỗ của Dòng máu anh hùng khiến nhà sản xuất Chánh Tín rơi vào phá sản, phải thế chấp cả ngôi nhà đang ở lấy 8,5 tỷ đồng đầu tư cho phim nhưng doanh thu cuối cùng chỉ đạt 1/3 kinh phí.
Người ta có thể đổ lỗi rằng ở thời kỳ đó thị trường điện ảnh Việt còn non nớt, khán giả chưa có thói quen móc hầu bao ra rạp và nạn sao chép đĩa lậu hoành hành quá khủng khiếp.
Nhưng ngày nay khi nhu cầu thưởng thức phim ảnh của người Việt cùng hệ thống rạp chiếu đã phát triển lên gấp hàng chục lần so với 10 năm trước, bom tấn Việt vẫn lỗ.
Điểm qua những cái tên có mặt trong "câu lạc bộ trăm tỷ" của lịch sử phòng vé Việt Nam như Để Hội tính, Em là bà nội của anh, Em chưa 18 đều là các phim thuộc thể loại hài, lãng mạn, chứng tỏ thị hiếu của khán giả Việt vẫn ưa chuộng kiểu phim nhẹ nhàng dễ xem.
Hay nói đúng hơn là những bộ phim kiểu này nếu có "lỗi lầm" cũng dễ được bỏ qua, chỉ cần thỏa mãn được yếu tố giải trí đơn thuần.
Cùng lúc đó, các tác phẩm bom tấn Việt thường bị nhận xét là vụng về về kỹ xảo, yếu ớt về kịch bản, sáo rỗng về thông điệp và sơ sài về chi tiết.
Ngay cả khi các đạo diễn Việt Kiều đã mang cách làm phim tương đối bài bản về Việt Nam và nhiều công ty trong nước đủ trình độ gia công kỹ xảo cho các bom tấn Hollywood nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để cứu cánh cho phim Việt.
Ấn tượng xấu về bom tấn hành động Việt đã hằn sâu vào thói quen tiêu dùng của khán giả xem phim cùng với việc thể loại này cũng chưa thực sự có đột phá tạo nên tình trạng càng làm càng lỗ dù đầu tư lớn.
Trên nhiều mặt, các bom tấn điện ảnh Việt chưa "có cửa" để đạt thành công tương tự như Black Panther kể cả nếu đặt ở quy mô nhỏ của riêng thị trường nội địa.
Thành công của Black Panther, thất bại của bom tấn Việt
Những lý do khiến Black Panther trở thành hiện tượng điện ảnh toàn cầu có thể kể đến là nhân vật có chiều sâu, lý tưởng, thông điệp sâu sắc về chính trị được gài cắm khéo léo.
Trong khi đó, bom tấn Việt luôn bị đánh giá là nhân vật anh hùng xây dựng hời hợt, không có phát triển nhân vật, thông điệp giáo điều sáo rỗng, chỉ ăn điểm chủ yếu nhờ các cảnh hành động đầu tư công phu.
Bên cạnh đó, Black Panther trở thành bom tấn siêu anh hùng thành công ngoài mong đợi còn nhờ chất liệu văn hóa da màu đậm đà trong bối cảnh, thiết kế, âm nhạc.
Không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà chất liệu văn hóa trong Black Panther còn là sự tự hào của văn hóa da màu và đánh dấu sự lên ngôi quyền lực của chủng tộc vốn bị coi là yếu thế này.
Trang phục với họa tiết, màu sắc đặc trưng của các dân tốc bản địa Phi châu và âm nhạc từ nhạc cụ dân tộc thuộc châu lục này đã góp phần không nhỏ vào thành công của Black Panther.
Thậm chí các thiết kế này còn truyền cảm hứng tới cả người xem phim. Rất nhiều khán giả tự hào diện trang phục truyền thống của văn hóa châu Phi để tới rạp xem phim, tạo thành trào lưu trên nhiều quốc gia.
Cho dù Black Panther là bộ phim giả tưởng lấy bối cảnh một quốc gia không có thực nhưng cái gốc văn hóa mạnh mẽ của bộ phim đã tạo nên dấu ấn khác biệt hẳn so với các phim siêu anh hùng khác.
Nhìn lại các tác phẩm giả tưởng Việt, người ta ít thấy có sự chau chuốt về chi tiết huống chi là khắc họa chất liệu văn hóa. Trang phục trong phim bối cảnh cổ vẫn rườm rà, lòe loẹt, chưa ra bản sắc Việt.
Tiêu biểu có thể kể đến trang phục trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân hay thảm họa thời trang của phim Mẹ chồng mới đây.
Thực tế Việt Nam không hề thiếu chất liệu văn hóa để khai thác. Nếu khéo léo, thậm chí đây có thể là yếu tố gây nên tiếng vang cho tác phẩm như Cô Ba Sài Gòn vừa làm được với hình tượng áo dài. Khán giả vẫn đang mong chờ được thấy những nét văn hóa thật đậm đà trong bom tấn điện ảnh Việt.
Nói tóm lại còn chặng đường của các nhà làm phim Việt tới siêu phẩm như Black Panther vẫn còn rất dài. Không thể trông chờ vào thị hiếu khán giả thay đổi hay những cơ chế bênh vực phim trong nước như của chính phủ Trung Quốc.
Tin rằng bom tấn Việt vẫn sẽ có lối đi nếu người làm phim dám mạnh dạn đổi thay và nâng cao chất lượng tác phẩm.
Theo Phương Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)