'Tử chiến trường thành' vốn dĩ có thể là bản hùng ca vang vọng, nhưng cuối cùng lại trở thành một tác phẩm hụt hơi.
Ngược lại, những Thập diện mai phục, Hoàng kim giáp… hoành tráng, lộng lẫy, ngập tràn sắc màu, kịch tính.
"Tử chiến trường thành" được kỳ vọng sẽ là một dấu son mới trong sự nghiệp của Trương Nghệ Mưu. |
Trở lại màn ảnh sau hơn 2 năm vắng bóng, khán giả kỳ vọng vào 3 chữ Trương Nghệ Mưu với một tác phẩm đúng tầm.
Thật khó nói là “tầm” gì, bởi không phải từ ngữ nào cũng có thể nói rõ về tài năng của họ Trương trong vai trò một đạo diễn.
Chỉ biết rằng, người xem chờ mong một tác phẩm không giống như những bộ phim thường thường bậc trung, chờ đợi được đưa từ điều ngạc nhiên này đến những bất ngờ khác trong ngôn ngữ của điện ảnh, với diễn xuất, màu sắc, âm thanh và kỹ xảo.
Nhưng tiếc rằng, Tử chiến trường thành lại là một tác phẩm nhạt nhòa, không mang dấu ấn riêng biệt. Vốn dĩ có thể là bản hùng ca vang vọng, nhưng cuối cùng lại trở thành một tác phẩm hụt hơi.
Khi “lẩu thập cẩm” cái gì cũng có
Một cách ngắn bọn, bộ phim kể về nhóm lính đánh thuê châu Âu – William Garin (Matt Damon) và Pero Tovar (Pedro Pascal).
Họ đến Trung Hoa nhằm đánh cắp bí kíp chế tạo thuốc súng. Để thoát khỏi sự vây đuổi, cả hai dừng chân trước Vạn Lý Trường Thành và bị đội Cấm Quân Vô Ảnh bắt giữ.
Tại đây, họ bị cuốn vào cuộc chiến với loài quái vật Thao Thiết hung hãn.
Trước ranh giới sống còn, giữa ra đi và ở lại, William Garin đã chọn cách sát cánh cùng những người bạn ở Trường Thành để chống lại bầy quái vật hung hãn với dã tâm tấn công thành trì.
Người xem như lạc vào thế giới của một trò chơi điện tử nào đấy hơn là cảm giác sống động về một bối cảnh hương xưa. |
Trước tiên, đây rõ ràng là một bộ phim cổ trang, lấy bối cảnh đời Tống. Nhưng chẳng mất thời gian để khán giả nhận ra rằng, các chiến binh trường thành không khác gì các nhân vật trong các bộ phim thuộc thể loại fantasy.
Áo giáp tông xanh của các nữ chiến binh cùng màu đỏ của dũng tướng, cộng thêm những khiên, chông, cùng các loại vũ khí được “sơn son thiếp vàng” khiến người xem như lạc vào thế giới của một trò chơi điện tử hơn là cảm giác sống động về một bối cảnh hương xưa.
Chưa kịp hết bối rối, người xem lại hốt hoảng vì bầy quái thú với cái tên Thao Thiết khá kỳ quặc. Lần đầu tiên trong phim của Trương Nghệ Mưu có xuất hiện một “đối tượng thù địch” như vậy.
Không xa lạ với các tác phẩm hành động Hollywood, nhưng có điều gì đó làm tầm thường hóa một bộ phim gắn mác Trương Nghệ Mưu.
Người xem khó tính chờ đợi một điều gì đó hơn thế nữa sẽ tự hỏi: “Đạo diễn Trương mà cũng phải mượn đến những con quái vật để làm phim ư?”.
Nhất là khi loài Thao Thiết tấn công Trường Thành kia lại chẳng có gì đột phá, chỉ là những con quái vật nửa khủng long thời tiền sử nửa cá sấu thời hiện đại, leo tường thoăn thoắt nhờ kỳ xảo Hollywood.
Và vậy đấy, Tử Chiến Trường Thành là tác phẩm cổ trang, huyền sử, hành động, pha một chút kinh dị và nhuốm màu giả tưởng, kỳ ảo.
Dường như đạo diễn muốn đưa cả yếu tố thương mại và nghệ thuật vào cùng một bộ phim, với sức nặng tương đương nhau – vốn dĩ là điều xưa nay chẳng mấy ai làm được.
Chính bởi vậy, sau cùng, tất cả trở nên lãng đãng, nhạt nhòa, bởi một chút cái này, một chút thứ kia, làm sao cho đủ “nặng”?
Lối mòn “anh hùng da trắng” giải cứu thế giới
Hollywood có truyền thống đơn giản hóa tâm lý và tính cách của những nhân vật anh hùng trong các bộ phim hành động. Họ cứ theo lẽ phải mà đi, mà đánh, mà mặc sức thể hiện những phẩm chất nổi trội của mình.
Có vẻ như khi kết hợp với kinh đô điện ảnh thế giới, Trương Nghệ Mưu cũng ít nhiều biến nhân vật của mình như vậy.
Đây là một điểm lớn khiến người xem thất vọng, bởi các nhân vật trong phim của vị đạo diễn tài ba này luôn có những tầng lớp nội tâm sâu sắc.
Nhân vật của Matt Damon bị cho là quá nhạt nhòa. |
Còn nhân vật anh hùng da trắng do Matt Damon thể hiện chỉ dừng lại ở hình ảnh một anh lính đánh thuê lưu lạc, trở thành vị dũng sĩ sẵn sàng xả thân nơi chiến trường thông qua một loạt các cảnh hành động bắt mắt.
Ngoài sự dũng cảm thông thường, khán giả nhìn nhận thêm được gì ở nhân vật này? Sự giằng xé, mâu thuẫn giữa 2 nền văn hóa Đông – Tây?
Những khắc khoải dằn vặt của người lính đánh thuê xứ người? Cách nhìn của anh đối với Trường Thành dài ngàn dặm? Tiếc rằng, chẳng có gì cả!
Phim Trương Nghệ Mưu xưa nay không có anh hùng, chỉ có con người với tính cách và số phận đầy ám ảnh khiến người xem nhớ mãi.
Và bởi vậy, anh hùng da trắng Matt Damon vốn tỏa sáng rực rỡ ở Hollywood, thì nay bỗng nhiên nhạt nhòa giữa những bức tường thành ngạo nghễ.
Trường Thành ở đâu trong tác phẩm?
Vì cái tên của nó, khán giả kỳ vọng được chứng kiến một biên niên sử, một anh hùng ca nơi Trường Thành lừng lững.
Vậy mà sau gần 2 tiếng diễn biên, Trường Thành vẫn chỉ là một tên gọi, một địa danh, và đơn thuần là một bức tường ngăn cách giữa loài người và quái vật.
Trường Thành chỉ là một tên gọi, một địa danh, và đơn thuần là một bức tường ngăn cách giữa loài người và quái vật. |
Đã vậy, cuộc tử chiến thực sự, giây phút tỏa sáng của anh hùng da trắng và sự đại bại của binh đoàn quái vật - đoạn được cho là cao trào trước hồi kết của phim, còn chẳng buồn diễn ra ở Trường Thành!
Thế nên, nếu có thay trường thành bằng núi X, sông Y, thung lũng Z... thì cũng chẳng có gì quá khác biệt!
Những ngôi sao cố tìm cách… lập lòe
Tử chiến trường thành là một bầu trời đầy sao, nhưng lại là các vì sao lập lòe giữa bầu trời nhiều mây.
Ngoài Matt Damon và Pedro Pascal được người xem nhớ mặt khi đảm nhiệm vai chính, lại là “tóc vàng, mắt xanh” giữa lớp lớp người châu Á mắt đen, da vàng... các diễn viên còn lại đều xuất hiện loáng thoáng, khán giả nhớ cũng được mà quên cũng chẳng sao.
Trần Học Đông, Lưu Đức Hoa và Cảnh Điềm tuy là những ngôi sao nổi tiếng xứ Trung nhưng lại không đem đến ấn tượng về diễn xuất. |
Bên cạnh Cảnh Điềm – gây ấn tượng bởi bộ giáp xanh fantasy, nhan sắc yêu kiều, mặc đồ cổ trang nói tiếng Anh ngồ ngộ, thì hàng loạt những ngôi sao hạng A như Trương Hàm Dư, Lưu Đức Hoa, những “nam thần” như Bành Vu Yến, Trần Học Đông, những ca sĩ thuộc phái thần tượng như Lộc Hàm (EXO), Vương Tuấn Khải (TFBoys) dường như xuất hiện chỉ để hô vang một vài khẩu hiệu kêu gọi đoàn quân chiến đấu.
Cả bộ phim, không có một gương mặt thực sự nổi bật đến từ 2 yếu tố cần thiết của một tác phẩm xuất sắc: nhân vật hay và diễn xuất tốt.
Tất cả gần như dàn hàng ngang trong một tác phẩm nhiều thần tượng với ước mong mời gọi fan đến rạp.
Công bằng mà nói, Tử Chiến Trường Thành là một tác phẩm ngập tràn sắc màu, đủ sự lộng lẫy, kỹ xảo chưa phải số một nhưng cũng là hàng đầu với một tác phẩm điện ảnh Trung Quốc.
Nếu cần một bộ phim giải trí, bạn có thể tạm hài lòng với nó. Nhưng nếu đòi hỏi đây là một tác phẩm ngang ngửa Thập diện mai phục, Anh hùng, sánh vai cùng những dấu ấn của Cao lương đỏ hay Bá vương biệt cơ, thì đạo diễn Trương đã khiến nhiều người thất vọng.
Món lẩu thập cẩm của ông dễ xem nhưng khó nhớ, trôi tuột khỏi trí óc khán giả khi ánh đèn trong rạp bật lên.
Tuy nhiên, có lẽ vẫn phải cảm ơn Trương Nghệ Mưu, bởi ông chưa đưa nốt yếu tố ngôn tình vào tác phẩm của mình.
Có thể lắm chứ, chuyện tình của chiến binh da trắng cùng nàng tướng quân Trung Hoa ngăn sông cách núi, nước mắt lưng tròng.
Rất may, Trương Nghệ Mưu chưa đến mức chạy theo trào lưu như thế, nếu không, Tử Chiến Trường Thành của ông hẳn sẽ “tử trận” ngay khi ra rạp, giữa hàng loạt những tác phẩm chẳng phải xuất sắc, nhưng lại được sự đồng tình của khán giả bởi “Ôi, phim giải trí thì chỉ thế thôi”.
Vì xưa nay, nhắc đến Trương Nghệ Mưu, là nhắc đến dòng phim nghệ thuật, không ai nhắc đến phim của ông với anh hùng, quái vật và thảm họa!
"Tử chiến trường thành" đã "giết chết" Trương Nghệ Mưu như thế nào? |