Mới đây, trên trang cá nhân, nhà báo Trần Đăng Tuấn - nguyên PTGĐ Đài truyền hình Việt Nam phân tích: ''Nếu nói về động cơ, thì động cơ của những người làm chương trình "Mở" này là muốn trình làng một chương trình chính luận xã hội mang dáng dấp format nước ngoài: Thẳng thắn, chấp nhận những cọ sát chính kiến vượt lên giao tiếp bặt thiệp thông thường. Một hiệp đấu của những cái nhìn khác nhau, đa chiều. Những người tham gia có một 'vai' nhất định. Nếu nói chuyện này có yếu tố 'đóng vai' thì cũng đúng một phần.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn cho rằng VTV6 là kênh của người trẻ, đưa một format như vậy vào là nên, là đúng. |
Nhưng đó không phải là "đóng diễn" theo kịch bản nào đó. "Kịch bản" ở đây nếu có chắc chắn chỉ là cái sườn phát triển của chủ đề, các vị trí mà người tham gia đứng vào để nói lên các quan điểm của mình (và của một bộ phận công chúng khác có thể có quan điểm như vậy), tranh luận với các quan điểm khác. Một số người tham gia, do vậy, có thể có bàn luận thoả thuận vai trò của mình.
Chia sẻ của nhà báo Trần Đăng Tuấn nhận được rất nhiều lượt chia sẻ và bình luận. Nhà thơ Phan Huyền thư viết: "Em đã từng cộng với V6 vài lần. Mặc dù sẵn sàng nhận vai thua cuộc, nhưng ai chẳng muốn mình thua vì hiền chứ không thua vì ngu và cũng chẳng ai muốn thắng trong sự hẹp hòi, bảo thủ!".
Trong khi đó, một comment khác: "Có lẽ chi Tạ Bích Loan là người đặc biệt em lên tiếng về việc này. Là người làm việc sát sao với chị Loan thời gian gần 10 năm, có thể nói đã từng ăn, ngủ, làm việc, sống chết với các chương trình cùng chị Loan, nếu em viết ở khía cạnh khác của cá tính, bản lĩnh một nhà báo giỏi và đam mê như chị Loan, chắc chắn có nhiều điều hay và bất ngờ. Thời gian làm việc dài, em quá hiểu tính cách, con người chị Loan. Thay vì nói rất dài, em chỉ nói một điều ngắn gọn: bạn hãy LẮNG NGHE CẢM XÚC người đối thoại. Bạn thành công vì biết lắng nghe chứ không phải bạn thành công vì bạn giỏi hơn người ta và lùa được người ta đi vào con đường bạn đã vẽ sẵn.
Thành công khía cạnh dư luận của một chương trình truyền hình không đồng nghĩa với thành công về mặt tính con người, tính nhân bản của chương trình đó".
Tuy nhiên, cũng có không ít những bình luận cho rằng, nhà báo Trần Đăng Tuấn đang mang chuyện nhà, chuyện của đồng nghiệp cũ lên trang cá nhân để chia sẻ.
"Anh cũng đã từng là người của VTV, vậy sao anh lại "không hỏi các đồng nghiệp cũ" mà lại trao đổi trên facebook? Mà anh biết chắc một điều là nhắc lại điều này là "các đồng nghiệp cũ" của anh lại bị thoá mạ và lên án? Dù thế nào, vẫn rất trân trọng nhà báo Tạ Bích Loanvà thế hệ làm truyền hình ngày ấy!", một comment hỏi lại nhà báo Trần Đăng Tuấn.
Toàn bộ chia sẻ của nhà báo Trần Đăng Tuấn trên trang cá nhân: Tôi có xem lại chương trình "60 phút Mở" gây dư luận. Công bằng mà nói, chương trình ở dạng như nó phát sóng đã cho đủ lý do, đủ cơ sở để nhiều người xem bất bình, giận dữ. Họ có lý. Mặt khác, dù không hỏi các đồng nghiệp cũ, nhưng tôi tin ê kíp làm chương trình cũng bàng hoàng và có thể còn không thể hiểu nổi: Tại sao mình muốn làm một chương trình về chủ đề nghiêm túc như thế, với cách làm cởi mở như thế, mà lại bị phản ứng dữ dội như vậy. Suy nghĩ của tôi: 1- Nếu nói về "động cơ", thì động cơ của những người làm chương trình "Mở " này là muốn "trình làng" một chương trình chính luận xã hội mang dáng dấp format nước ngoài: Thẳng thắn, chấp nhận những cọ sát chính kiến vượt lên giao tiếp "bặt thiệp" thông thường. Một hiệp đấu của những cái nhìn khác nhau, đa chiều. Những người tham gia có một"vai" nhất định. Nếu nói chuyện này có yếu tố "đóng vai" thì cũng đúng một phần. Nhưng đó không phải là "đóng diễn" theo kịch bản nào đó. "Kịch bản" ở đây nếu có chắc chắn chỉ là cái sườn phát triển của chủ đề, các vị trí mà người tham gia đứng vào để nói lên các quan điểm của mình (và của một bộ phận công chúng khác có thể có quan điểm như vậy), tranh luận với các quan điểm khác. Một số người tham gia, do vậy, có thể có bàn luận thoả thuận vai trò của mình. Người khác cũng tham gia có thể là không được bàn trước do phải đảm bảo sự bất ngờ, sinh động, tranh luận thật. Vâng, hình thức này với không gian các kênh truyền hình chính thống ở ta vẫn là mới. VTV6 là kênh của người trẻ, đưa một format như vậy vào là nên, là đúng. 2- Nếu nói về một ý tưởng chung nhất, thì chủ đề của chương trình lần này cũng có cái lý đúng: Sự thận trọng, khía cạnh đạo đức (nên-không nên) khi dùng mạng xã hội để lan toả thông tin. Nhưng đó là cái ý tưởng hợp lẽ RẤT CHUNG CHUNG. Dựa vào một đạo lý chung chung để phân định những điều sinh động trong thực tế thì sẽ dễ sa vào chủ quan. Khi đi vào triển khai, ê kíp đã theo lề lối tư duy cũ, mà tôi tạm gọi là TƯ DUY MẶC ĐỊNH. Mặc định clip của VTC là dàn dựng và sai trái. Xa hơn nữa - mặc định việc một người chia sẻ clip đó trên mạng xã hội là có hại và là sai trái. Từ mặc định đó, đa số các nhân vật tham gia khi đóng vai trò (chứ không phải vai diễn) của mình đương nhiên bị kéo theo một luồng là phân tích, mổ xẻ cái "sai trái" mặc định kia. Các chuyên gia (tâm lý và phân tích mạng xã hội) nói những kiến thức đúng, nhưng ở tư cách như các bác sỹ pháp y trong một "vụ án" truyền thông. 3- Vậy thì, cái khiến cho một loạt các yếu tố tách ra thì nhiều yếu tố có cái lý, có cái hay, người tham gia vào đều nghĩ mình đang làm điều có lý, có ích....nhưng quyện vào thành chương trình lại gây hiệu ứng không tốt, là cái gì? Đó là sự MÂU THUẪN giữa hình thức chương trình và nội dung. Nói cụ thể hơn, ê kíp đã làm một chương trình có PHONG CÁCH mới, hình thức mới, nhưng lại chuyển tải TƯ DUY CHƯA MỚI. Bình mới thì rượu cũng nên mới. Một chương trình có tên MỞ đòi hỏi phải có nội dung và tư duy cũng MỞ. Theo nghĩa không thiên kiến, không mặc định đúng sai ngay từ đầu. Nếu muốn đạt được mục đích là : Qua một tranh luận thẳng thắn, đa chiều, khẳng định sự cần thiết của ý thức trách nhiệm xã hội - thì lẽ ra phải có một nội dung và cách triển khai nội dung phù hợp, là : Không mặc định trước chuyện ai đó đã sai và ai đó đã đúng ngay từ khi chương trình mới bắt đầu. Nếu thế thì việc tranh luận thực chất không có đất để sống. 4- Sự mặc định này trong đầu của ê kíp làm chương trình là chỉ liên quan đến chuyện chia sẻ clip cá chết trên mạng. Các tác giả đóng khung tư duy ở chỗ đó. Họ chắc không nghĩ về chuyện nếu theo cách này thì vô tình đã MẶC ĐỊNH rằng không có chuyện cá chết vì chất độc trong nước biển thời gian trước đây. Cũng như hầu hết mọi người, tôi cũng chưa biết nguyên nhân chính xác cá chết. Nhưng nếu như kết luận (sớm muộn cũng sẽ phải có) khẳng định là nước biển đã có lúc độc như vậy thật, cá có thể chết theo cách tương tự như vậy thật, thì khi đó mọi cái sẽ còn ít dễ chịu hơn với ê kíp làm chương trình. 5- Tôi biết không ít về thành viên tham gia chương trình này, nên khác với nhiều người, tôi cho rằng đây là sai sót nghiệp vụ. Điều đúng nhất là ê kíp thực hiện đứng lên sau chuyện này và đừng bỏ một định dạng chương trình tốt. Hãy tiếp tục một chương trình mở với tư duy mở hơn. Mỗi người trong chúng ta đôi khi phải trả giá nào đấy do chúng ta có vài sự lạc hậu trong suy nghĩ mà tự chúng ta chưa kịp nhận biết. Một cú sốc là không dễ chịu, nhưng nó có ích. |