Theo đó, nghệ sĩ Huyền Lâm - vợ nhạc sĩ An Thuyên cho hay, kể từ ngày nhạc sĩ An Thuyên mất, mỗi quý gia đình nhận được khoảng 12-13 triệu tiền tác quyền từ Trung tâm Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Quý cao nhất là 32 triệu, quý thấp là 8 triệu.
Đạo diễn Bông Mai - con gái nhạc sĩ An Thuyên cũng bày tỏ rằng, lâu nay phía VCPMC chỉ làm mỗi việc là thu tiền tác quyền các tác phẩm qua những sản phẩm có sẵn, thậm chí có những bản đã tồn tại hơn chục năm nay chứ không làm mới các tác phẩm.
"VCPMC mới chỉ khai thác bài hát đã phát hành, chứ chưa đầu tư cho tác phẩm mới hơn. Ví dụ ca khúc "Ca dao em và tôi" của ba tôi đến giờ vẫn chỉ có bản thu của ca sĩ Quang Linh mà thực tế nó được rất nhiều ca sĩ thể hiện. Hơn nữa, chất lượng bản ghi của ca sĩ Quang Linh tới thời điểm này cũng không còn tốt như trước nữa. Vì thế, cũng nên sản xuất các bản thu khác để khai thác, để cập nhật với thị trường" - đạo diễn Bông Mai cho biết.
Sáng ngày 13/4, PV báo Người Đưa Tin đã liên lạc với nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Giám đốc VCPMC, ông Cẩn cho biết, ông bị mệt và đang truyền nước tại bệnh viện.
Tuy nhiên ông cũng bày tỏ: "Thật ra, chuyện gia đình nhạc sĩ An Thuyên rút ra khỏi VCPMC không phải đây là lần đầu tiên, trước đó cũng có rồi vì đấy là tài sản của tác giả. Thời gian qua có rất nhiều trung tâm, nhiều công ty kinh doanh âm nhạc nổi lên, nhiều nhạc sĩ cũng đã rút khỏi VCPMC. Nhưng cũng đã có nhiều nhạc sĩ sau một thời gian rời khỏi VCPMC đã quay lại ủy quyền cho VCPMC thực hiện và chúng tôi mở rộng vòng tay chào đón sự trở lại vì chúng tôi cũng chỉ mong làm những điều gì tốt nhất cho bản quyền Việt Nam.
Khi còn sống, nhạc sĩ An Thuyên ủy thác cho VCPMC còn khi mất đi thì quyền thừa kế thứ nhất thuộc về vợ và các con của nhạc sĩ, nên khi gia đình có thể không nhờ VCPMC thu tiền tác quyền nữa là điều bình thường. Chúng tôi lấy làm mừng vì đó là tài sản của họ. Tuy nhiên, khi là thành viên của VCPMC thì VCPMC phải có trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh, còn khi đã rút khỏi VCPMC thì đó là chuyện của gia đình”.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết thêm: "Không phải là việc sổ sách, kê khai của Trung tâm có vấn đề gì mà trước đây, mỗi quý, VCPMC sau khi chuyển tiền cho các tác giả vào tài khoản, hoặc các tác giả trực tiếp lĩnh tiền tại VCPMC thì đều nhận được bản kê chi tiết tác phẩm, tần suất sử dụng, địa điểm sử dụng, hình thức sử dụng, số tiền... Tuy nhiên, mỗi tác giả có khi nhận bản kê dày cả tập nên sau này các thành viên VCPMC thống nhất quan điểm nếu ai cần đối soát sẽ yêu cầu VCPMC in bảng kê chi tiết chứ không in tất cả như trước kia...".
“VCPMC là một đơn vị đại diện quản lý tập thể nên quyền lợi mang lại cho các nhạc sĩ là có thể nhìn thấy rõ ràng. Các tổ chức bảo vệ quyền tác giả là tinh hoa của thế giới đã được đúc rút kinh nghiệm hơn 2 thế kỷ, còn ở Việt Nam mới là những khởi đầu đi theo quy trình đó với các công ước quốc tế mà Việt Nam cam kết" - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ.
Theo Lạc Thành (Nguoiduatin.vn)