Loạt phim hài Tết lạm dụng cảnh 'nóng' dung tục, phản cảm
Phần đông khán giả biết đến Quốc Quân với hình ảnh diễn viên chuyên trị những vai phản diện, "đầu trộm đuôi cướp" trên màn ảnh. Năm 2017, nam nghệ sĩ gây ấn tượng khi vào vai Lân "Sứa" - nhân vật giang hồ trong phim Người phán xử.
Nhưng, ngoài vai trò diễn viên, Quốc Quân còn là một đạo diễn truyền hình và phim hài Tết. Không làm nhiều phim hài Tết như đạo diễn Đông Hồng hay Bình Trọng, nhưng năm nay Quốc Quân cũng góp mặt vào thị trường với Chân dài lắm chiêu.
'Lạm dụng khoe da thịt, khán giả sẽ quay lưng'
- Phim hài Tết đang bị nhận xét là ngày càng dung tục, phản cảm, đầy rẫy cảnh khoe da thịt. Là người trong cuộc anh bình luận gì về điều này?
- Nhận định này đúng. Đúng là trong các bộ phim hài hiện nay, nhiều đạo diễn tận dụng tối đa chiêu khoe chân, khoe ngực rất hở hang. Thực ra, bản chất của điều này không phải là một sự xấu xí nếu như phim có thông điệp, nhưng đừng lạm dụng.
Bản thân hình ảnh của phụ nữ là rất đẹp. Là đạo diễn phải biết đưa những hình ảnh đẹp vào đúng nơi đúng chỗ với những chi tiết hợp lý. Nếu cảnh trước cũng là khoe ngực, cảnh sau cũng là khoe ngực thì không ổn chút nào.
- Nhưng nếu phim "Chân dài lắm chiêu" của anh với sự tham gia của không ít hot girl cũng bị nhận xét tương tự thì chẳng phải lời anh vừa nói không đi đôi với việc làm sao?
- Tôi từng làm phim hài Tết nhưng không phải người năm nào cũng có phim trên thị trường. Năm nay, tôi chỉ làm đạo diễn phim hài Chân dài lắm chiêu. Phim có NSƯT Công Lý, nghệ sĩ Ngọc Tuyết, Thanh Hương Người phán xử chứ không chỉ có mấy hot girl.
Phụ nữ trong phim của tôi nhiều. Những cảnh về sự sexy, tôi thừa nhận là có, nhưng nó sẽ phục vụ cho câu chuyện trong phim, đó là việc 3 cô gái muốn đi tìm chồng đại gia để đổi đời.
Tôi không phơi bày mông ngực phụ nữ ra để câu khách, cũng không có những cảnh như hiếp dâm, cảnh nóng táo bạo. Tất cả tình huống là để phục vụ cho câu chuyện.
Qua đó, tôi muốn gửi đến thông điệp người phụ nữ không chỉ cần đẹp về hình thể mà còn cần đẹp về tâm hồn và đừng mải mê đi kiếm đại gia để đổi đời.
- Nhưng rõ ràng ranh giới giữa thanh và tục, giữa gửi gắm thông điệp và khoe da thịt là rất mong manh?
- Chính vậy nên tôi phải tiết chế rất nhiều cảnh trang phục sexy dù là một bộ phim về chân dài. Khi nhận kịch bản, tôi nghĩ ngay rằng nếu làm theo hướng khoe da thịt thì không được, phải tiết chế lại để người xem tập trung vào câu chuyện.
Ngày nay, có rất nhiều các bạn nữ lạm dụng thẩm mỹ, chạy theo cái ảo mong tìm kiếm đại gia để đổi đời. Tuy nhiên, chúng ta sống không phải vì những thứ hời hợt, không phải chạy theo những thứ bề ngoài, hình thức.
Ngược lại, người phụ nữ phải hướng đến sự "chân, thiện, mỹ" đó chính là cốt lõi mà thông điệp bộ phim gửi đến khán giả.Tôi muốn gửi gắm câu chuyện đó. Những cảnh sexy, nếu có chỉ là phương tiện, còn tôi không lạm dụng, càng không làm những cảnh quá mức.
- Theo anh, hậu quả của việc phim hài Tết lạm dụng cảnh khoe da thịt để câu khách là gì?
- Quá nhiều phim có cảnh khoe da thịt dẫn đến tình trạng bão hòa mà nhiều khán giả cho là nhảm nhí. Nếu cứ lạm dụng thì khán giả sẽ quay lưng lại và không ai xem nữa đâu. Phim toàn cảnh "nóng" là nhạt nhẽo. Làm cái gì cũng phải biến tấu, sáng tạo đi.
'Đạo diễn vất vả hơn nếu phim có hot girl tham gia'
- Ngoài việc đầy rẫy cảnh khoe da thịt, phim hài Tết hiện nay còn bị cho là nơi để các hot girl không có năng khiếu về diễn xuất ngang nhiên thành những "bình hoa di động" trong phim. Phim của anh cũng có hot girl, anh nói gì về điều này?
- Nói thật, cái này cũng có thể được coi là "cơ chế của thị trường". Tôi phải nói thắng là có những người là do phía nhà sản xuất yêu cầu chứ không phải đạo diễn. Khi nhận nhiệm vụ đạo diễn, nếu là những diễn viên chuyên nghiệp như cô Ngọc Tuyết, Công Lý, Thanh Hương thì tôi rất nhàn.
Nhưng nếu là có hot girl, vai nọ, vai kia, mình cũng phải chấp nhận vì đó là lý do tế nhị. Tất nhiên, họ cũng sẽ vào vai hợp với vai của họ, đó là những cô gái xinh đẹp.
Khi đó, nhiệm vụ của mình cũng vất vả hơn nhưng mình vẫn phải hoàn thành vì cái chung. Tôi thường không để những trường hợp như thế làm sao nhãng công việc chung của mình.
- Những năm gần đây, phim hài Tết được sản xuất ngày một nhiều nhưng chất lượng lại không đi liền với số lượng. Anh nghĩ sao?
- Tôi nghĩ có cầu thì mới có cung. Nhiều phim hài Tết vì khán giả muốn ăn nhiều món như ăn cỗ vậy. Món này hợp với người này, món kia hợp với người kia.
Còn khi nào khán giả quay lưng, không còn mặn mà với hài Tết, tôi tin lúc đó cũng chẳng còn đơn vị nào làm nữa.
- Cung cầu là một chuyện nhưng vẻ như ngày càng có nhiều nhà sản xuất không quan tâm đến nội dung mà chỉ quan tâm đến lượng tương tác, lượt view trên mạng?
- Thực ra, hài Tết là một nhu cầu. Tết cổ truyền là thời gian mọi người cần xem những sản phẩm giải trí, tiếng cười, cần thêm món ăn tinh thần. Tất nhiên, mỗi nhà sản xuất lại hướng đến đối tượng khán giả khác nhau, người hướng đến khán giả nông thôn, người hướng đến khán giả thành thị.
Như tôi có nói, có thể món ăn hợp với người này nhưng lại không hợp với người khác. Còn nghệ sĩ thì bị chi phối bởi nhiều thứ, nhưng tất nhiên chúng tôi luôn muốn mang đến những sản phẩm có nội dung, có thông điệp.
Theo Khuê Tú (Tri Thức Trực Tuyến)