Trần Lực biến vở hài xếp hàng mua vé thành "không thể cười"

19/02/2017 09:44:00

Dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Trần Lực, "Quẫn" - vở hài kịch kinh điển từng diễn hàng nghìn đêm vẫn có khán giả - bỗng trở nên khó cười vì nặng tính thể nghiệm.

 

Dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn Trần Lực, "Quẫn" - vở hài kịch kinh điển từng diễn hàng nghìn đêm vẫn có khán giả - bỗng trở nên khó cười vì nặng tính thể nghiệm.

 

Quẫn là vở kịch kinh điển của cố nhà văn, kịch gia Lộng Chương – người thuộc giới tiên chỉ của nền sân khấu Việt Nam đương đại. Tác phẩm vẫn được xem là “khuôn vàng thước ngọc” của hài kịch.

Những năm 60 của thế kỷ trước, Quẫn nổi lên như một hiện tượng, diễn hàng nghìn suất vẫn có khán giả, thậm chí phải xếp hàng mới mua được vé.

Tối 18/2, Quẫn được phục dựng tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn - NSƯT Trần Lực với dàn diễn viên toàn sinh viên.

Khán phòng rất ít chỗ trống, người xem thuộc đủ mọi lứa tuổi từ bậc cao niên tóc bạc đến giới trung niên, sinh viên. Nhiều người bước vào rạp hát với tâm thế háo hức, chờ đợi. Nhưng khi buổi diễn kết thúc, không ít khán giả cảm thấy băn khoăn.

Tran Luc bien vo hai xep hang mua ve thanh 'khong the cuoi' hinh anh 1
Vở Quẫn có 4 diễn viên chính là cụ Đại Lợi (Phương My), ông Đại Cát (Mạnh Đạt), bà Đại Cát (Hoài Thương), bà Đại Hưng (Ngọc Trâm). Ảnh: Khuê Tú.

Giàu tính thể nghiệm nhưng có đúng là hài kịch?

Câu chuyện của Quẫn kể về gia đình ông bà Đại Cát, một gia đình tư sản lâu đời ở đất Hà thành đang phải đối mặt với chính sách công tư hợp doanh của Nhà nước.

Các thành viên trong gia đình là cụ bà Đại Lợi, ông bà Đại Cát, em gái Đại Hưng vì lo sợ khối tài sản của gia đình vốn được tích góp từ nhiều đời bị mất nên đã tìm cách tẩu tán, che giấu. Từ đó, những mâu thuẫn về quyền lợi, sự tham lam, hám của cải của các thành viên dần bộc lộ và bị phát hiện.

Quẫn phản ánh một giai đoạn lịch sử có thật. Ở thời điểm ra mắt cách đây hơn 50 năm, tác phẩm khiến người xem cười nghiêng ngả, từ đầu đến cuối với những tình huống “dở khóc dở cười”. Nhưng đạo diễn Trần Lực, trong phiên bản dàn dựng của mình đã có một cách làm khác hẳn.

Sân khấu được bài trí đầy tính thể nghiệm, tối giản hết mức có thể. Màu đen được thượng tôn. Âm thanh thì hoàn toàn không có tính hài. Ca khúc Đánh giặc tăng gia của nhạc sĩ Văn Cận được lồng ghép với tiếng giậm chân "huỳnh huỳnh" của nhân vật khiến NSND Lê Khanh phải cười thừa nhận “tôi có phần hơi sợ”.

Trong tác phẩm, Trần Lực đặc biệt chú trọng ngôn ngữ hình thể và biểu hiện trên sân khấu. Ngoài lời thoại, diễn viên còn phải tỏ ra nhịp nhàng trong việc bê, đỡ, nhún nhảy.

Sắc mặt hoang mang, sợ hãi của nhân vật được lặp đi lặp lại cũng khiến tác phẩm hài kịch nổi tiếng một thời bỗng giống tác phẩm chính kịch, thậm chí bi kịch.

Một vài yếu tố hiện đại được nam đạo diễn đưa vào lời thoại và âm nhạc như ca khúc gây sốt Apple Pen, Gửi anh xa nhớ; câu nói “500 anh em”, “mình thích thì mình làm thôi” khiến tác phẩm có khoảng nghỉ nhẹ nhàng nhưng vẫn không thể làm khán giả cười thoải mái.

Điểm cộng của tác phẩm có lẽ là dàn diễn viên toàn sinh viên nhưng thể hiện tròn vai và không tỏ ra đuối sức.

Tất nhiên, khả năng đài từ của một số bạn trẻ vẫn còn hạn chế. Nhưng với những sinh viên năm 4 trường Sân khấu- điện ảnh Hà Nội, mang trong mình tình yêu và nhiệt huyết với nghề diễn. Họ xứng đáng nhận được những tràng pháo tay vang dội của khán giả trong không gian ấm cúng tại Nhà hát Tuổi trẻ.

Tran Luc bien vo hai xep hang mua ve thanh 'khong the cuoi' hinh anh 2
Vở của Trần Lực được nhận xét có tính nghệ thuật nhưng nặng nề và không giống hài kịch. Ảnh: Khuê Tú.

Giới chuyên môn sân khấu nói gì?

Số đông khán giả bước ra khỏi rạp với tâm trạng băn khoăn. Có ý kiến thắc mắc về chuyện "đồng sàn dị mộng" trong Quẫn, nghĩa là Trần Lực đã dàn dựng khác quá nhiều so với thông điệp mà cố kịch gia Lộng Chương gửi gắm.

Một khán giả trung tuổi nhận xét Quẫn của Trần Lực khá nặng nề. Và chính con gái của tác giả Lộng Chương, dù rất thích, cũng phải thừa nhận Trần Lực đã mang đến một tác phẩm khác nhiều so với các phiên bản trước đây.

Chia sẻ với chúng tôi sau buổi biểu diễn, nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái cho biết bà chưa có điều kiện xem các phiên bản Quẫn trước đây nên khó so sánh. Nhưng với vở diễn của Trần Lực, nữ tiến sĩ cảm thấy rất thích thú. Dẫu vậy, bà đồng tình tác phẩm có phần hơi nặng.

Trong khi đó, đạo diễn Trần Lực cho biết khán giả và nghệ sĩ đều quen với phong cách dàn dựng hiện thực tâm lý. Nhưng Quẫn lại là vở diễn được dàn dựng theo phong cách sân khấu hoàn toàn khác.

“Quẫn được dựng theo phong cách ước lệ. Không chỉ ước lệ về không gian, thời gian mà còn ước lệ về diễn xuất của diễn viên. Đây là ước lệ mang nặng trường phái biểu hiện của nghệ thuật sân khấu, cái mà tôi đã học từ chính nghệ thuật tuồng, chèo của Việt Nam” – nam đạo diễn chia sẻ.

NSƯT Trần Lực cũng tiết lộ để có được vở diễn hoàn chỉnh theo cách dàn dựng mới, anh và các sinh viên đã phải chuẩn bị suốt 2 năm. Các sinh viên phải tự mình trang bị rất nhiều để có đủ năng lượng và sự bền bỉ cho vai diễn của mình.

“Quẫn đòi hỏi diễn viên phải có sức khỏe tốt. Trước khi tập hoặc diễn, bao giờ tôi cũng yêu cầu các em phải khởi động kỹ lưỡng. Thế nên, có một diễn viên đến muộn trong buổi tập, bỏ qua bước khởi động, đến cảnh giậm chân huỳnh huỳnh, bạn ấy đã ngất vì bị thoát vị đĩa đệm” – Trần Lực nói thêm.

Theo Quang Đức (Zing.vn)