Trong cuốn "Rong chơi", Trần Lập kể lại những tháng ngày cùng cực, "ôm" bảng lô đề, trầy trật với cơm áo gạo tiền.
Sách "Rong chơi - Trần Lập, rock - moto và những cung đường". |
Khó khăn, túng quẫn khiến Trần Lập từng nghĩ tới việc "nhảy từ tầng ba nhà xuống cho xong". Thương cha mẹ, cậu con trai mới lớn gồng mình vừa học vừa tìm cách kiếm tiền. Cậu nghe theo anh trai, nhận lời đứng ra ghi lô đề cho người khác. Sau một thời gian, anh chuyển sang lao động chân tay vào ban đêm, làm đủ nghề như thợ tiện, làm lốp xe thồ... Vượt khó khăn, chính âm nhạc đã mở ra lối rẽ mới cho cuộc đời Trần Lập.
Bên cạnh khắc họa sự nghiệp âm nhạc, Rong chơi kể về những đam mê khác của Trần Lập. Ở phần về "Mô tô và những cung đường", chân dung nam ca sĩ hiện lên như một người đam mê xe độ. Anh chơi từ xe Vespa cổ tới dòng xe địa hình motocross, từ CD Benly 125 đến dòng Cafe Racer.
Thói quen xê dịch của nhạc sĩ cũng được đề cập. Anh say mê những cung đường dọc ngang Tổ quốc và viết lại trong bài Những chuyến đi dài: "Nổ máy lên, cùng bạn bè ta đam mê những cung đường dài xuôi ngược miền xa lắc lơ, để bánh xe cuộc đời lăn. Niềm vui khám phá, có biết bao nhiêu điều khi thiên nhiên đãi ưu và cuộc sống bốn phương..."
Tác giả Yo Le dành phần cuối sách viết về nghị lực Trần Lập từ biến cố bệnh tật. Trước tin sét đánh bị ung thư, Trần Lập phản ứng lại bằng thái độ bình tĩnh, thể hiện bản lĩnh, sự kiên cường. Anh trở thành người truyền lửa khi tham gia liveshow "Bức Tường và những người bạn: Đôi bàn tay thắp lửa". Ngọn lửa mà anh lan truyền chính là thông điệp về lòng nhân ái, tình yêu cuộc sống.
Để thực hiện cuốn sách, Yo Le có sáu tháng đi theo Trần Lập trong các cuộc chơi, lục tìm quá khứ, nghiền ngẫm thực tại, chứng kiến biến cố bất ngờ trong đời rocker. Quãng thời gian ngụp lặn trong những cuộc rong chơi của nhạc sĩ cũng trở thành cuộc rong chơi lớn nhất của người chấp bút. Tuy nhiên, Yo Le không nhập vai Trần Lập, mà kể lại chân dung nhạc sĩ qua con mắt của mình.