Gần ba tháng kể từ ngày tổ chức concert The Kosmik cùng SpaceSpeakers, công ty TNHH một thành viên Quảng cáo Truyền thông Người hâm mộ Việt bị phạt 110 triệu đồng vì sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Quyết định xử phạt được ban hành bởi Chủ tịch UBND TP.HCM.
Khoảng vài năm gần đây, việc các show giải trí lồng ghép hình ảnh mang tính dung tục, người tham gia nói ngôn từ tục tĩu, không phải câu chuyện mới lạ. Không riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới, điển hình Hàn Quốc, thường xuyên có những chương trình bị đánh giá phản cảm từ hình ảnh đến nội dung.
Xu hướng game show đã thay đổi
Mới nhất, Hàn Quốc cho ra mắt chương trình Physical 100 được so sánh với Squid Game phiên bản đời thực. Đây là chương trình giải trí sinh tồn với 100 người chơi tự hào về thể chất cùng tham gia thi đấu. Người chiến thắng giành giải thưởng 300 triệu won (240.000 USD).
Ngoài nội dung mang tính thi đấu thể chất, ngôn từ trong Physical 100 bị chỉ trích là tục tĩu, phản cảm. Cụ thể, trong quá trình thi đấu, nhiều người chơi sử dụng những hành động và lời nói tục với bạn chơi để thể hiện cái tôi của mình.
Điều đáng nói, lượt xem và tương tác của những chương trình này thường khá cao với đa phần sự chú ý đều đến từ các bạn trẻ.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, nhà báo, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cho rằng xu hướng về các show giải trí đã thay đổi.
"Cách đây 7 đến 10 năm trước, game show chủ yếu là giải trí, nhẹ nhàng, tập trung vào khai thác tài năng của người tham gia nhưng 2, 3 năm trở lại đây, xu hướng game show đã thay đổi. Đầu tiên, nhiều game show khai thác theo hướng mai mối, hẹn hò. Đây là nhu cầu thật của những người trẻ thời nay, họ cần những game show như thế để tìm kiếm tình yêu", nhà báo nói.
Ngoài ra, nhà báo Phong Việt cho rằng game show có bị ảnh hưởng bởi phim điện ảnh hay truyền hình. Ví dụ Physical 100 giống với Squid Game.
Chuyên gia cho rằng lý do khiến các game show dạng này được chú ý nhiều là người tham gia có nhu cầu nổi tiếng, thể hiện bản thân với xã hội. Điều thứ hai khiến các game show này thành công về mặt tương tác là bởi tính mới lạ của nó so với nhiều chương trình trước đây.
"Hàn Quốc là đất nước có nhiều game show kỳ lạ, được tổ chức theo hướng gây tranh cãi bởi văn hóa và sự cởi mở về mặt giải trí của Hàn Quốc đang tiệm cận thế giới. Hàn Quốc muốn lan tỏa văn hóa của mình đến các nước khác thông qua phim ảnh, game show. Nếu đủ tương tác, Hàn Quốc sẽ bán bản quyền của mình cho các nước khác, đây là một cách giúp đưa văn hóa Hàn Quốc ra thế giới một cách đơn giản nhất có thể", chuyên gia nhận định.
Nhà báo Phong Việt quan điểm rằng giới trẻ ngày nay đã thay đổi thị hiếu và gu. Gen Z và gen Alpha là những đối tượng đông đảo nhất mà các sản phẩm giải trí muốn hướng tới. Với việc dễ dàng tiếp cận Internet, công nghệ trong thời điểm này khiến nhận thức và nhu cầu giải trí của giới trẻ đã tiến xa hơn nhiều.
Tuy nhiên, nếu giới trẻ tiếp cận với những điều mới lạ quá sớm sẽ khiến họ cảm thấy mọi thứ trở nên ít thú vị. Điều này khiến đơn vị tổ chức buộc phải tìm cách làm mới chương trình. Một trong đó là cách lồng ngôn từ tục tĩu, hình ảnh gợi cảm để thu hút người xem.
"Đôi khi, nhà sản xuất không quá quan tâm tới hệ lụy mà việc này mang lại cho giới trẻ mà chỉ quan tâm tới yếu tố thương mại. Một ngày nào đó, những game show có tính bạo lực như Physical 100 sẽ được mua bản quyền về Việt Nam", chuyên gia nhận định.
Cần chặt chẽ trong khâu kiểm duyệt
Nhà báo cho rằng cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý về việc kiểm duyệt tính bạo lực, cách dùng ngôn từ của người tham gia các game show, làm sao để phù hợp nhất với văn hóa Việt Nam.
Chuyên gia đưa ra quan điểm các đơn vị tổ chức cần phân biệt điều gì phù hợp, điều gì không và chấp nhận rằng họ đang tổ chức game show ở Việt Nam, cho khán giả Việt Nam xem nên phải phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Về mặt quản lý văn hóa, nhà báo Phong Việt cho rằng cần thiết kế một quy trình kiểm duyệt hợp lý thay vì chỉ dựa vào chế tài xử phạt.
"Tôi nghĩ phía đơn vị cấp phép tổ chức phải làm chặt ngay từ đầu về việc cho phép các đơn vị tổ chức, nghệ sĩ biểu diễn được làm những thứ đã được cấp phép nhưng nếu có vi phạm, cá nhân hay tập thể phải chấp nhận bị xử phạt thật nặng. Không đơn giản là câu chuyện về chế tài mà còn phải là rút giấy phép, cấm hoạt động trong thời gian dài để có tính răn đe cao hơn với các đơn vị tổ chức sự kiện, chương trình", chuyên gia nói.
Nhà báo Phong Việt khẳng định rằng pháp luật, nhà nước không cấm cản nghệ sĩ sáng tạo nhưng tất cả phải trong khuôn khổ phù hợp với văn hóa của nước nhà.
"Chúng ta không nói đó là những chương trình độc hại nhưng chúng ta cần công nhận với nhau rằng trong những chương trình đó có những hành vi, hình ảnh độc hại. Có thể trên thế giới, những điều này không mới lạ nhưng ở Việt Nam, đó là những hành động không phù hợp và không thể tổ chức cho khán giả đại chúng xem được", chuyên gia khẳng định.
Theo Ong Thùy Dung (Tiền Phong)