"Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn".
Tôi cứ nhớ đến trích dẫn này từ cuốn sách “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” của Luis Sepúlveda sau khi xem xong tập cuối Trạm cứu hộ trái tim, cuốn sách kể về đàn mèo ở bến cảng nuôi nấng, yêu thương và đùm bọc một chú hải âu con. Trong Trạm cứu hộ trái tim có rất nhiều “con mèo” như thế.
Không khó để hiểu tại sao Trạm cứu hộ trái tim lại là bộ phim gây tranh cãi nhiều đến thế. Nhưng trong bài viết này, xin được phép bỏ qua tất cả những hạt sạn liên quan đến câu chuyện chuyên môn nghiệp vụ, hay những tình tiết được cho là khiên cưỡng, thậm chí ngô nghê. Chỉ xin được phép nói về những điều tử tế ngọt ngào, điều mà tập cuối Trạm cứu hộ trái tim đã kết nối được và khiến những khán giả như tôi nhận ra, hóa ra từ đầu tới cuối, bất chấp những sóng gió, chỉ trích, bộ phim vẫn luôn trung thành với cái lõi của câu chuyện, trung thành với bức thông điệp lan truyền những giá trị tốt đẹp của mình.
Ngân Hà trong Trạm cứu hộ trái tim gây tranh cãi bởi nhiều lý do: nhạt nhẽo, ngu ngơ, không đủ mưu sâu kế hiểm, cũng không đủ mạnh mẽ đứng lên tự bảo vệ mình… Xem Ngân Hà, khán giả chưa thấy “đã”. Cũng khó trách người xem, vì đúng là nhân vật này không thực sự là một vai diễn xuất sắc của Hồng Diễm. Thêm nữa, việc diễn một nhân vật từ đầu tới cuối không có gì ngoài sự tử tế và thiện lương, đương nhiên sẽ không thể gây ấn tượng bằng những vai diễn phản diện đa sắc thái.
Nhưng cá nhân tôi từng rất thích một bình luận của khán giả xem phim bảo vệ Ngân Hà, đại ý rằng nếu Ngân Hà cũng thâm hiểm như An Nhiên, cũng tâm cơ như Nghĩa, cũng nhất quyết đứng lên đòi lại công bằng, ăn miếng trả miếng như Mỹ Đình, thì bộ phim sẽ không bao giờ có hồi kết. Và rồi sẽ có thêm bao nhiêu đứa trẻ nữa cũng lớn lên như Nghĩa, như Nhiên của quá khứ? Chẳng phải lấy nhân nghĩa, tử tế và vị tha để cảm hóa những điều xấu xa trong cuộc đời này mới là đích đến cuối cùng của con người hay sao?
Nếu Ngân Hà cũng đáp trả An Nhiên và Nghĩa bằng đúng cái cách mà họ gieo bất hạnh xuống cuộc đời cô, thì thử hỏi sẽ có đoạn kết Anh Chi, Kitty và Gôn chơi thân với nhau hay không? Hay cả những đứa trẻ cũng sẽ trở nên hận thù, oán giận, và rồi mang theo vết sẹo ấy đến hết đời?
Có lẽ sẽ không bao giờ có một An Nhiên oán giận, sân si, một Nghĩa hận thù, một Vũ sợ yêu đương và kết hôn, hay một Ngân Hà thiếu thốn tình cảm đến thế nếu như năm xưa, các bậc phụ huynh cư xử khác. Giá như bà Lan ứng xử mềm mại hơn với cô bé bị cầm nhầm đôi giày múa; giá như ông Trường khéo léo hơn và tìm cách giúp đỡ người bạn hoạn nạn của mình; giá như bà Trúc không đi ngoại tình… thì có lẽ những đứa trẻ như Nhiên, như Nghĩa, như Vũ đã lớn lên với một cuộc đời khác.
Điều tuyệt vời ở Ngân Hà, đó là cô đã không để cho bi kịch ấy lặp lại với thế hệ sau. Dù cho Ngân Hà có khiến người xem tức đến mất ngủ, thì cho đến sau cùng, bộ phim vẫn chứng minh những lựa chọn của cô, cách ứng xử của cô là chính xác.
Trở lại với câu chuyện “con mèo dạy hải âu bay”, một điều tuyệt vời khác ở Trạm cứu hộ trái tim, là bộ phim xây dựng rất nhiều nhân vật “con mèo” như thế, những kẻ yêu thương và đùm bọc một ai đó không giống mình. Đó là khi Ngân Hà cưu mang, giúp đỡ Anh Chi dù cả hai chỉ là người dưng nước lã. Đó là khi Nghĩa vẫn chấp nhận và che chở cho Gôn dù cậu bé chính là hiện thân của… cặp sừng mà An Nhiên đã cắm lên đầu anh suốt bao năm. Đó cũng là khi Vũ luôn dành tình yêu vô điều kiện cho Kitty - con gái riêng của Hà.
“Tại sao chị tốt với em thế?” là câu hỏi mà bé Gôn dành cho Anh Chi. Câu hỏi ấy, có lẽ chẳng ai trả lời được. Bởi lòng tốt là thứ đẹp đẽ luôn tồn tại mà chẳng cần bất cứ lý do gì. Nếu thứ gì đến trong đời cũng phải đi kèm với điều kiện, thì cuộc đời này nghiệt ngã biết bao nhiêu. Ngân Hà, dù là nhân vật chẳng được lòng tất cả, dù bị chỉ trích rất nhiều bởi những thất bại, những xôi hỏng bỏng không trong nhiều việc, thì vẫn luôn có một việc nữ chính làm rất xuất sắc, ấy chính là gieo hạt mầm của lòng tốt và lan tỏa nó đến rất nhiều người.
Tôi rất thích cách bộ phim xây dựng nhân vật Anh Chi, từ một cô bé mồ côi trở thành một tình nguyện viên, mang tiếng nói của “trạm cứu hộ trái tim” vượt ra khỏi biên giới Tổ quốc. Nếu năm xưa, cô gái ngu ngơ Nguyễn Nguyễn Ngân Hà không gieo một hạt mầm lòng tốt bằng việc giúp đỡ một bé gái 12 tuổi bị tố ăn trộm trong siêu thị, thì liệu rằng rất nhiều năm sau đó, có một tình nguyện viên Anh Chi năng nổ, lan tỏa sức mạnh của lòng tốt đến bao mảnh đời bất hạnh ở những quốc gia xa xôi hay không?
Một số cư dân mạng cười cợt tình tiết Ngân Hà được bình chọn là một trong những người phụ nữ Việt Nam thay đổi thế giới, sau nhiều năm hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng. Người ta không hiểu Ngân Hà làm được trò trống gì mà đòi thay đổi thế giới? Xin thưa, "thế giới" được nói đến không hẳn là quả địa cầu, mà đó chỉ đơn giản là thế giới xung quanh nơi con người ta đang sống, lao động và cống hiến. Ngân Hà chỉ là một người phụ nữ nhỏ bé có trái tim bao dung và rất nhiều lòng tốt. Thế giới xung quanh chúng ta đều có thể trở nên tốt đẹp hơn, đáng sống hơn, bớt "toxic" đi nhờ những trái tim bao dung và thiện lương như Ngân Hà.
Đúng là Trạm cứu hộ trái tim không thiếu những hạt sạn, nhưng cũng có những điều tuyệt vời như vậy, và đoạn kết phim thật sự “chữa lành”, dành cho những ai là người xem phim đúng nghĩa chứ không chỉ xem trích đoạn!
Theo TTT (Phụ Nữ Số)