Với màn thể hiện xuất sắc trong “American Made”, Tom Cruise có thể khiến người ta lập tức quên đi thất bại của anh với “The Mummy” hồi đầu mùa hè.
Thể loại: Tiểu sử, hài hước, hình sự
Đạo diễn: Doug Liman
Diễn viên chính: Tom Cruise, Domhnall Gleeson, Sarah Wright
Trong American Made (tựa Việt: Barry Seal: Lách luật kiểu Mỹ), Tom Cruise sắm vai Barry Seal - một phi công dân dụng tài ba. Nhưng có tiếng mà không có miếng, công việc lái máy bay mà nhiều người mơ ước xem ra chẳng mang lại nhiều tiền bạc, và khiến gã phải thực hiện mấy phi vụ buôn lậu kiểu “cò con”.
Do đó, khi một nhân viên đến từ CIA là Schafer (Domhnall Gleeson) tìm tới Seal với lời đề nghị hấp dẫn, gã lập tức đồng ý. Công việc mới dành cho Barry Seal là dùng máy bay mang danh nghĩa dân sự đi chụp hình những căn cứ của quân đội kháng chiến tại vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ, cũng như trao đổi tài liệu mật với chính quyền sở tại.
American Made là tác phẩm tiểu sử xoay quanh cuộc đời kỳ lạ của Barry Seal, với Tom Cruise sắm vai chính. |
Tuy tiền lương có nhiều hơn, nhưng độ nguy hiểm lại tăng lên gấp bội. Bước ngoặt xảy ra khi Barry Seal “lọt vào mắt xanh” của Medellín Cartel - tổ chức tội phạm buôn bán ma túy lớn nhất Nam Mỹ với thỏa thuận không thể hấp dẫn hơn: 2.000 USD tiền công cho mỗi kg hàng trắng được chuyển vào nước Mỹ.
Và đó là khởi điểm biến Barry Seal từ chỗ chỉ là một phi công dân sự thành tay buôn lậu ma túy, vũ khí, và rửa tiền lừng danh bậc nhất lịch sử nước Mỹ.
‘Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi’
Đầu tháng 6, Tom Cruise khiến số đông khán giả thất vọng tràn trề với The Mummy. Bộ phim tái khởi động thương hiệu Xác ướp Ai Cập, đồng thời mở màn Dark Universe - Vũ trụ Đen tối thu hơn 400 triệu USD, nhưng thực tế đã khiến hãng Universal lỗ ít nhất 95 triệu USD.
Điều đáng nói là chất lượng tác phẩm thuộc dạng nghèo nàn, và lối diễn xuất cố tỏ ra hài hước của Tom Cruise là một trong số nhiều thất bại của The Mummy. Chính vì lẽ đó, không ít người lập tức cho rằng sự nghiệp của siêu sao của Hollywood lại đang “đứng bên bờ vực thẳm”.
Nhưng với American Made, Tom Cruise lại khiến công chúng thêm một lần nữa phải ngạc nhiên. Trong lần thứ hai hợp tác với đạo diễn Doug Liman sau Edge of Tomorrow (2014), nam diễn viên 55 tuổi là minh chứng cho câu nói “phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”, nhờ phần thể hiện xuất sắc trong một tác phẩm vừa kịch tính, vừa hài hước duyên dáng.
Theo dõi American Made, chẳng ai dám nói Tom Cruise là một diễn viên tồi hoặc đã hết thời. Anh lột tả trọn vẹn nhân vật tai quái trong lịch sử hiện đại nước Mỹ. |
Điểm lợi của American Made hay dành cho chính Tom Cruise nằm ở chỗ bản thân Barry Seal là một nhân vật thực sự thú vị và mới mẻ nếu so sánh gã với những tên tội phạm ở các bộ phim cùng thể loại.
Thông thường, trong các tác phẩm tiểu sử - tội phạm kiểu này, nhân vật chính hay trải qua chuyến hành trình từ chỗ là một người bình thường tới lúc trở nên đen tối, mưu mô, tàn bạo.
Song, Barry Seal rất khác. Từ đầu tới cuối phim, gã luôn giữ bản tính sáng dạ, nhanh trí, đồng thời lại phóng túng, liều lĩnh, nhưng luôn chung thủy và hết mực vì gia đình. Theo như bộ phim, gã nhận lời làm việc cho CIA rồi “lạc trôi” trong thế giới tội phạm cũng chỉ bởi muốn vợ con mình có cuộc sống sung túc hơn.
Thật khó để biết được câu chuyện trong phim đúng bao nhiêu % so với sự thật. Nhưng dưới sự chỉ đạo tài tình của Doug Liman và phần diễn xuất nhập tâm của Tom Cruise, từng tình tiết trong American Made rất thuyết phục, và khiến khán giả phần nào đó đồng cảm với Barry Seal.
Bức tranh châm biếm tất cả
Tuy Tom Cruise xuất hiện trong hầu hết phân cảnh của American Made, nhưng các bạn diễn của anh không vì thế mà bị lép vế.
Đạo diễn Doug Liman đã lựa chọn diễn viên rất chuẩn xác: Sarah Wright trong vai cô vợ “tóc vàng hoe” nhưng tảo tần Lucy; Domhnall Gleeson trong vai gã mật vụ CIA tinh ranh; hay Caleb Landry Jones trong vai thằng em vợ JB chỉ biết “ăn tàn phá hại”… Họ đều được khắc họa đầy thú vị và có bản sắc riêng, bất chấp phần đất diễn ít ỏi.
Bộ phim còn là bức tranh châm biếm mọi phía trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh |
Trên thực tế, kịch bản của American Made do Gary Spinelli chấp bút từng nằm trong Danh sách đen (Blacklist) năm 2014 của giới làm phim Hollywood. Đó là cuộc bình chọn thường niên dành cho các kịch bản phim hay nhất, nhưng chưa có cơ hội được chuyển hóa lên màn ảnh.
American Made xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh vào thập niên 1980. Nhưng khác với nhiều tác phẩm điện ảnh Hollywood, phim châm biếm, mỉa mai cả CIA, chính phủ Mỹ, lẫn các phe phái đối địch. Giống như Barry Seal, không có ai là người tốt hay kẻ xấu hoàn toàn, và đó là điểm tạo ra sự lôi cuốn cho bộ phim.
Thời lượng của American Made là 1 giờ 54 phút, tức khá ngắn so với các tác phẩm điện ảnh thuộc dạng tiểu sử. Song, những gì mà đạo diễn Doug Liman truyền tải lên màn ảnh là vừa vặn, dù phim có nhịp độ khá nhanh.
Cách ông và nhà quay phim César Charlone tạo ra nước phim giả màu tài liệu của thập niên 1970-1980 là rất sáng tạo. Các cảnh phim dù là tĩnh hay động luôn dễ theo dõi bởi góc quay độc đáo và chuyển cảnh hợp lý. Và phim cũng không lạm dụng những cảnh ăn chơi đập phá hoặc các tình huống bạo lực để gây sốc, mà luôn giữ bầu không khí hài hước tưng tửng vô cùng duyên dáng.
American Made đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Barry Seal: Lách luật kiểu Mỹ.
Theo Quang Chúc (Tri Thức Trực Tuyến)