Không nên gắn cho Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh những danh hiệu vĩ mô như “phim nghệ thuật” hay “bom tấn điện ảnh”... Đây giản đơn là một bộ phim mà khi xem xong, đứng lên và đi ra khỏi rạp, thấy còn vương chút mỉm cười, thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm...
Tôi đã thấy cả tuổi thơ của mình ở trong đó, dung dị, mộc mạc trong từng khung hình; trong trẻo từng nét cảm xúc và đong đầy biết bao ký ức. Chuyến “du hành ngược thời gian” ấy gói ghém biết bao nhiêu yêu thương bởi mọi thứ như ùa về, lắng đọng và dừng lại ở một lát cắt tuyệt vời nhất.
Tuổi thơ của tôi cũng ở một ngôi làng nhỏ chơ vơ giữa cánh đồng. Những con đường đất quanh co. Những ruộng lúa, ruộng ngô xanh mát. Những trò chơi con trẻ: đá cỏ, đánh bi, nhảy dây, rước đèn trung thu tự chế, mò cua, bắt ốc... Và không thể thiếu cả những hờn giận, những trò bắt nạt con trẻ, những trận đòn roi của cha mẹ. Những ký ức ấy được tôi cất vẹn nguyên vào một góc của ký ức và phải đặc biệt lắm tôi mới dám lật mở vài trang nhật ký được in hằn trong trái tim mình. Tôi vừa hân hoan vừa sợ sệt bởi tuổi thơ dù nghèo khó nhưng đong đầy những kỷ niệm ấy đã lùi thật xa vào trong quá khứ. Trong bộn bề lo toan của cuộc sống, những nỗi lo về cơm-áo-gạo-tiền khiến chúng ta mải miết chạy theo nó để rồi có lúc cảm thấy hụt hẫng. Và khi, những khung hình đầu tiên của Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh sáng lên trên màn hình, tất cả những thứ mà tôi luôn giữ nó cho riêng mình hiện ra. Tôi hồ như, đó chính là tuổi thơ của mình. Đúng vậy. Và còn biết bao nhiêu khán giả cũng tìm thấy tuổi thơ của mình trong đó. Tôi thấy mình may mắn. Và nhiều người trong số những bạn bè của tôi, những người mà tôi chưa từng gặp cũng thấy may mắn bởi có chung cảm giác ấy.
Tôi chưa một lần đọc cuốn truyện dài Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh của tác giả Nguyễn Nhật Ánh vì sợ những ngôn ngữ của từng trang sách luôn kích thích trí tưởng tượng của chúng ta và biết đâu khi xem phim, sẽ có phần hụt hẫng vì cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó. Với tâm thế đó, tôi lần đầu tiên tiếp xúc với truyện phim theo cách tinh khôi, vẹn nguyên.
Chuyện của hai anh em Tường – Thiều với những trò chơi dân gian, những trò nghịch dại là sự mở màn rất nhẹ nhàng dẫn dắt khán giả vào câu chuyện. Kịch bản phim giống như từng trang ký ức được lật mở mà không cần tô vẽ, màu mè. Bộ ba biên kịch Việt Linh, Victor Vũ và Đoàn Nhật Nam đã làm sống động từng khung hình thông qua ngôn ngữ điện ảnh đầy dung dị. Từ cuộc đời bước vào trang sách và từ trang sách bước lên màn ảnh rộng, tất cả đều rất nhẹ nhàng. Điều khiến khán giả thỏa mãn nhất là kịch bản phim đã chạm đến cảm xúc, đến những phần sâu thẳm nhất trong ký ức mỗi con người chúng ta. Nhưng, sự chuyển hóa ấy lại được thể hiện bằng cái tình dạt dào, tràn đầy những yêu thương.
Mối tình học trò trong sáng của Thiều với Mận trong veo tựa những giọt sương còn vương lại trên lá sau trận mưa đêm. Nó có sự nhút nhát, rụt rè của những cô cậu tuổi mới lớn nơi thôn quê khi không dám thổ lộ. Ngay cả lá thư tình đầu tiên cũng là chiêu học lỏm từ hai câu thơ tràn đầy nỗi tương tư. Nhưng, tình cảm ấy được bộc lộ bằng những sự quan tâm rất đời thường; bằng cả sự hờn ghen, giận hờn vu vơ để rồi khi chia xa, ánh mắt của Thiều tràn đầy niềm tiếc nuối trong khi trên khóe mi của Mận, nước mắt lăn dài tự khi nào không hay. Tình cảm anh em giữa Tường – Thiều khiến khán giả cảm động bởi cả hai luôn có suy nghĩ đơn giản “anh là anh của em” và “em là em của anh”. Họ chia sẻ cho nhau mọi bí mật. Cái cách Tường luôn nhận lỗi về mình để anh hai không bị ba đánh đòn xiết bao yêu thương. Trong khi đó, những giọt nước mắt giàn giụa của Thiều khi chứng kiến em mình phải chịu đau đớn do chính mình gây ra như xé ruột gan.
Trong suốt bộ phim, cái tình ấy luôn được đặt để trong những tình huống giản dị của cuộc sống. Khi cơn lũ tràn về, húp một miếng cháo trắng cha mẹ Tường quặn thắt nhìn đàn con. Họ im lặng. Khi Tường chịu đau đớn người cha còng lưng, đẫm mồ hôi quyết đưa con đi chữa trị. Họ cũng im lặng. Cái tình ấy là sự nhịn nhường, bao dung và rất nương nể nhau. Câu chuyện tình thôn quê của chú Đàn và con gái ông giáo; tình cảm của chàng “hoàng tử Tường” dành cho công chúa “Hoàng Nhi”; tình cảm người cha giả điên dành cho con gái... tất cả khiến toàn bộ nhịp phim được bao trùm bởi những yêu thương. Mỗi yêu thương được bộc lộ theo những cách khác nhau bằng cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, nước mắt... nhưng tất cả đều xuất phát từ chính tấm lòng. Phim không cần những lời thoại dài dòng. Càng không cần những lần lên gân, giáo điều bởi mọi thứ chỉ cần dừng lại ở những ngôn ngữ bình dân nhất. Và rõ ràng, nó đã thành công.
Thịnh Vinh với vai Thiều; Trọng Khang với vai Tường và Thanh Mỹ vào vai Mận giống như những đứa trẻ ngoài đời bước lên màn ảnh rộng theo cách tự nhiên, có hồn nhất. Những khóc-cười; những chuyển biến về mặt tâm lý nơi các em tất cả dường như không có một sự sắp đặt nào đó. Khung hình 3 đứa trẻ ngồi bên ô cửa sổ nhìn về bầu trời giông bão đầy ngôn ngữ điện ảnh và ám ảnh. Các em là những tâm hồn trong trẻo giữa cuộc đời lắm gian khó, nhiều lận đận. Tất nhiên, chúng sẽ không nghĩ về tương lai của mình quá nhiều bởi những ngày của hiện tại đã tràn ngập niềm vui, tình yêu thương.
Những khung hình của Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh có thể chúng ta đã bắt gặp ở đâu đó trên khắp các miền quê Việt Nam. Sự thanh bình ấy giống như ru hồn người trở về với ký ức để thỏa sức chạy trên những cánh đồng với sáo diều; dầm trong dòng nước mát mò cua, bắt ốc; tung tăng với những chiếc đèn tự chế trong đêm trung thu hay giật mình sợ hãi với những câu chuyện ma của người lớn. Chưa bao giờ, Việt Nam lại đẹp đến thế! Cái đẹp ấy không chỉ đơn thuần khiến người xem ồ lên thích thú, mà còn khiến cho sống mũi cay cay. Đó là cái đẹp không chỉ ở thị giác, nó xuất phát từ tình cảm yêu thương và tự hào về mảnh đất gọi là “quê hương”.
Một Việt Nam đẹp từ cánh đồng lúa xanh bạt ngàn, cây cầu nhỏ bắt ngang con sông, mái nhà tranh nghi ngút khói... đến con đường đất bùn lầy sau mưa, hay thậm chí ngay cả khi ngập trong nước lũ vẫn thật đẹp đến nao lòng. Cái đẹp trù phú, cái đẹp bình dị, dân dã, cái đẹp xót xa... nhiều cái đẹp như vậy đều là vì lòng đã trót yêu mảnh đất này rồi còn đâu, như câu nói “yêu nhau yêu cả đường đi”, “yêu nhau củ ấu cũng tròn”... Từng khung hình được trau chuốt kỹ lưỡng tạo ấn tượng mạnh về thị giác khiến ta không dám chạm vào nó vì sợ mọi thứ sẽ bị xóa nhòa. Những vần điệu âm nhạc khi trầm, khi bổng, lúc du dương, phiêu lãng tạo nên chỉnh thể tổng hòa cho Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh.
Không nên gắn cho Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh những danh hiệu vĩ mô như “phim nghệ thuật”, “bom tấn điện ảnh”, “tuyệt tác”... bởi nó thật không hợp với sự trong trẻo, bình dị vốn có của bộ phim. Đây giản đơn là một bộ phim mà khi xem xong, đứng lên và đi ra khỏi rạp, thấy còn vương chút mỉm cười, thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm, miên man trong ký ức ngọt ngào của những ngày thức dậy chỉ phải nghĩ “sẽ chơi gì hôm nay”. Nơi ấy có mẹ, có cha, cả nhà mình quây quần bên mâm cơm mẹ nấu, và còn có cả những lỗi lầm con trẻ để lại tiếng thở dài khe khẽ... Đừng kỳ vọng một bộ phim hoàn hảo, bởi không bộ phim nào hoàn hảo cả. Vẫn còn những trăn trở, luyến tiếc nhất định nơi khán giả. Hãy cứ thảnh thơi thăm lại tuổi thơ trong chuyến “du hành ngược thời gian” bằng tấm vé mang tên Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh để tìm lại những cảm tình trong trẻo nhất: là tình thân, là tình đầu, là tình yêu dành cho quê hương mình...
Và, một điều chắc chắn rằng, Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh xứng đáng khơi dậy niềm tin khán giả vào phim Việt và là tác phẩm xứng đáng được chờ đợi nhất năm 2015.
>> Victor Vũ cố tình làm "Hoa vàng trên cỏ xanh" như một bài thơ
>> Xem trailer "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" vừa công bố
>> Thành Long trao giải "Phim hay nhất" cho "Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh"
Theo Minh Quân & Việt Nữ (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)