Sau “Alice ở xứ sở diệu kì”, “Bạch Tuyết và thợ săn” thì “Tiên hắc ám” là tác phẩm thứ 3 có phần ngoại truyện. Nhìn lại 2014, Disney đã tạo ra cơn bão phòng vé với “Tiên hắc ám”, câu chuyện kinh điển quen thuộc trở nên sống động và đáng xem hơn bao giờ hết khi một trong những nhân vật phản diện nổi tiếng nhất thế giới cổ tích được khai thác dưới một góc nhìn hoàn toàn khác biệt, hấp dẫn. Và đó là cách mà khán giả luôn mong đợi một kịch bản remake sẽ diễn ra - sự mới mẻ và yếu tố bất ngờ, nhưng vẫn bám sát cốt truyện để bộ phim không trở nên quá lạ lẫm.
Nếu như “Alice ở xứ sở diện kì 2” bị nhận xét là chẳng khác gì phần 1, còn “Thợ săn: Cuộc chiến mùa đông” (ngoại truyện của “Bạch Tuyết và thợ săn”) lại chẳng có gì liên quan gì đến phần trước, thì ở “Tiên hắc ám 2”, mặc dù mở sang một chương mới nhưng người ta vẫn thấy được sợi dây kết nối với phần 1 từ nhân vật, bối cảnh đến hình ảnh con thoi - linh hồn của “Công chúa ngủ trong rừng” được giữ nguyên vẹn. Angelina Jolie vẫn giữ vị trí cầm đuốc cho cả bộ phim, có thể thấy Disney đã tận dụng Jolie như thế nào trong suốt quá trình quảng bá phim. Jolie xuất hiện một mình trên hầu hết poster được phát hành, trailer và những cảnh hậu trường đầy thú vị xoay quanh tạo hình Maleficent, và hình ảnh nữ minh tinh 45 tuổi tràn ngập trên báo trong ngày công chiếu. Angelina Jolie dường như đã trở thành biểu tượng của Maleficent mà trong tương lai khó có nữ diễn viên nào có thể thế chỗ. Nhưng danh tiếng hay tài năng của Jolie thực tế không thể một mình cân cả bộ phim.
Trong “Tiên hắc ám 2”, Maleficent không còn là nhân vật trung tâm của câu chuyện, đồng nghĩa với việc bạn có thể thấy một chút hụt hẫng khi đất diễn của Jolie bị ít đi đáng kể. Nhìn tổng thể, bộ phim giống như một bộ phim giả tưởng hoành tráng, một sử thi 3 vương quốc bị mắc kẹt giữa lớp vỏ sitcom cổ tích mùi mẫn. Một bản giao hưởng hoà bình với thông điệp về tội ác của chiến tranh với màn diễn tấu của 3 nữ chính với 3 cá tính tương phản: Maleficent (Angelina Jolie), nữ hoàng Ingrith (Michelle Pfeiffer) và nữ hoàng Aurora (Elle Fanning).
“Tiên hắc ám 2” lấy bối cảnh 5 năm sau sự kiện từ bộ phim đầu tiên, Aurora giờ đã trở thành Nữ hoàng xứ Moors dưới sự dìu dắt của Maleficent. Hoàng tử Phillip (Harris Dickinson) sau 5 năm quay trở lại cầu hôn Aurora, cả 2 đều hy vọng cuộc hôn nhân này sẽ gắn kết 2 vương quốc, hợp nhất thế giới con người và thần tiên. Tuy nhiên để đi được đến đám cưới là cả một chặng đường thử thách, gian nan, trải qua chiến tranh mới có được hoà bình. Bộ phim đồng thời cũng giải thích lý do tại sao lại có câu chuyện “Công chúa ngủ trong rừng” lưu truyền đến ngày nay.
Phần đầu “Tiên hắc ám” mở ra câu chuyện với yếu tố hài hước nhẹ nhàng, sẽ là bất ngờ lớn cho khán giả khi bắt gặp Maleficent lạnh lùng, quyết đoán trở nên lúng túng khi phải cố nở một nụ cười không đe doạ và làm chủ nghệ thuật giao tiếp trong lần đầu gặp mặt gia đình thông gia. Đáng yêu là Jolie đã hoàn thành nó một cách hoàn hảo.
Trong khi bộ phim đầu tiên sử dụng vua Stefan là nhân vật đại diện cho sự tham lam, bạo lực thì “Tiên hắc ám 2” lại khai thác Nữ hoàng Ingrith dưới những hình thức thao túng tinh vi hơn. Nhân vật phản diện có phần tinh tế hơn với tạo hình đoan trang, lộng lẫy, che giấu định kiến, thù hận và sự thâm độc bằng vẻ ngoài lịch sự. Cuộc chiến giữa 2 người phụ nữ luôn là cuộc chiến cân não, nhiều bất ngờ nhất. Phim có vẻ ổn nếu chỉ dừng ở từng đó, nhưng biên kịch tỏ ra khá ôm đồm khi tạo ra thêm một vương quốc thần thoại khác. Khi Aurora cố gắng hoà nhập với gia đình Phillip, Maleficent phát hiện ra nguồn gốc phượng hoàng của mình, đó là chủng tộc Hắc Tiên đã bị truy sát đến gần tuyệt chủng, phải tập hợp và sống lẩn trốn ở những vùng đất xa xôi. Nó lý giải tại sao mẹ đỡ đầu của Aurora trông rất khác biệt so với các sinh vật còn lại của xứ Moors, mặc dù ở phần 1 cũng đã giới thiệu qua điều này. Việc thêm vào chủng tộc Hắc Tiên khiến “Tiên hắc ám” trở nên giống với “Avatar” khi cùng sử dụng một chất liệu để phản ánh chung một thông điệp về sự tàn bạo của con người đối với thiên nhiên.
Vấn đề lớn nhất với “Tiên hắc ám 2” là nó thiếu một trung tâm để tập hợp các ý tưởng và hình ảnh tuyệt đẹp mà kĩ xảo đem lại. Bộ phim không biến Maleficent thành một nhân vật hoàn toàn phản diện, cũng không khẳng định vị trí nữ anh hùng số 1 của vũ trụ điện ảnh cổ tích, vì thế mà Maleficent trở nên khá thụ động, đặc biệt khi cô dành khá nhiều thời gian nghe Borra (Ed Skrein) và Conall (Chiwetel Ejiofor) tranh luận đạo đức về chiến tranh và hoà bình mà bản thân không đóng góp chính kiến gì cho cuộc xung đột.
Ở phần 1, “Tiên hắc ám” khám phá định kiến và bạo lực ở cấp độ giữa các cá nhân, thì phần 2 những ý tưởng đó đã được mở rộng thành cuộc chiến tranh toàn diện. Bộ phim xây dựng một cao trào hành động đồ sộ, kéo dài, gợi đến những cuộc chiến trong thế chiến thứ I. Mặc dù hấp dẫn, nhưng nó nhanh chóng để lộ nhược điểm rằng Ronning và biên kịch có vẻ đã không biết làm thế nào để kết thúc một cách có ý nghĩa cho những ý tưởng mà mình đã đặt ra. Thay vào đó, họ đưa ra quyết định chiến tranh toé lửa, sau đó quay lại với giai điệu sitcom cho một kết thúc có hậu.
“Tiên hắc ám 2” dù cho còn nhiều vấn đề về kịch bản, nhưng nó vẫn luôn mang tính giải trí, ngay cả khi nó không nhất quán. Những thiếu sót về diễn biến và cốt truyện dễ dàng được bù đắp bằng tham vọng và trái tim. Một điểm cộng nữa cho phim đến từ trang phục tuyệt đẹp do Ellen Mirojnick thiết kế.
Phim công chiếu trên toàn quốc từ 18/10.
Trúc An (SHTT)