Mới đây, thông tin Thủy Tiên sẽ hát mở màn tại sự kiện Xin chào SEA Games trên đất cố đô Huế gây xôn xao trên mạng xã hội. Đây là lần hiếm hoi cô xuất hiện biểu diễn kể từ sau ồn ào từ thiện từ năm 2020.
Được biết, chuỗi đêm diễn Xin chào SEA Games được thực hiện nhằm mục đích động viên tinh thần thi đấu vì màu cờ Tổ quốc của đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31.
Ngay lập tức, phát ngôn từng chê SEA Games là giải "ao làng" của Thủy Tiên vào năm 2017 bị cư dân mạng "đào" lại. Hiện netizen đang đặt ra câu hỏi liệu nữ ca sĩ có cảm thấy "xấu hổ" khi từng chê thậm tệ SEA Games nhưng giờ lại đứng trên sân khấu sự kiện đó biểu diễn?
Chắc hẳn ai cũng còn nhớ vào năm 2017, khi đội tuyển U22 Việt Nam thất bại 3-0 trước Thái Lan, người hâm mộ bày tỏ sự thất vọng trước màn thể hiện nhạt nhòa, mắc nhiều sai lầm của thầy trò huấn luyện viên Hữu Thắng.
Trên mạng xã hội ngập tràn những dòng trạng thái thể hiện nỗi thất vọng, buồn lòng, tức giận về bóng đá Việt Nam và ca sĩ Thủy Tiên - vợ của cầu thủ Công Vinh cũng không nằm ngoài "guồng" cảm xúc đó.
Tuy nhiên, quan điểm của giọng ca Kiss you lại vấp phải sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng mạng.
Theo đó, bà xã Công Vinh tự đặt ra câu hỏi, tại sao người ta vẫn quan tâm tới SEA Games. "Đây chỉ là giải các nước Đông Nam Á tự tổ chức, chỉ là hội làng tự sướng với nhau cho vui thôi" - Thủy Tiên viết.
Tại thời điểm đó, phát ngôn của Thủy Tiên đã “gây bão” và nhận được những phản ứng trái chiều từ phía cộng đồng, bởi quan điểm của cô bị cho là mang tính một chiều, thiếu khách quan, thậm chí là thiếu hiểu biết. Thậm chí, dân mạng nói Thủy Tiên hãy "lắc não" trước khi nói điều gì.
Nguyên văn Thủy Tiên viết về SEA Games và đội tuyển U22:
"Mình tự hỏi sao giờ này người ta vẫn còn quan tâm SEA Games? Nó là giải các nước Đông Nam Á tự tổ chức hội làng tự sướng với nhau cho vui thôi chứ FiFa không quan tâm, không tổ chức, mà các đội tuyển U (U19,22,23..) thì không bao giờ là bộ mặt đại diện cho nền bóng đá của một đất nước...
Người ta đánh giá nền bóng đá mạnh hay yếu nằm ở đội tuyển quốc gia... mà đội tuyển quốc gia muốn mạnh thì phải trông chờ vào CLB với giải đấu cao nhất quốc gia đó.
Ví dụ: Thái có Thái-league, Việt Nam có V-league...
Vì vậy, giải vô địch quốc gia của một đất nước là quan trọng nhất, là nơi nguồn cung cấp và tạo ra các cầu thủ giỏi nhất cho một đất nước...(có thể bạn sẽ dè bỉu 'cái giải võ lít này nó kiểu chả đáng quan tâm, ai mà thèm xem, tôi chỉ xem cái gì có chữ VIỆT NAM' ... Mình không chấp các bạn thiếu kiến thức nhé).
Vậy mà với một giải đấu hội làng mà VFF bắt cả một giải đấu lớn nhất đất nước V-league phải ngừng giải 2 tháng rưỡi để tập trung tập luyện và thi đấu cho Sea Games, trong khi Sea Games chỉ là cuộc chơi của các em U23.
Trong khi Thái Lan họ chỉ tập trung tập luyện Sea Games các cầu thủ U23 trước khi thi đấu có một tuần lễ. Các CLB Việt Nam mất 2 tháng rưỡi trời ở không không đá mà vẫn phải bị trả lương, lo ăn ở cho các cầu thủ tập chơi mà chả để làm gì.
Vừa mất tiền bạc, mất thời gian, mất nhuệ khí thi đấu của giải đấu cao nhất nước vì lịch 3 trận nghỉ 4 trận ngừng ...Chưa kể lại đau đầu vì mất những cầu thủ giỏi do họ cũng có quá nhiều thời gian rảnh, sinh tâm lý nhàn cư vi bất thiện.
Trên thế giới FIFA đá World cup cũng phải chờ các CLB đá xong mới cho tập trung ngắn hạn thi thố, khổ là khổ CLB Việt Nam vừa mất người vừa mất tiền.
Tóm lại mình vẫn ủng hộ nhưng đừng quá tập trung đến mức tự áp lực nặng nề vào một giải vô thưởng vô phạt không đựơc FIFA công nhận...để các em trẻ không phải mang tâm lý thua kém vào đội tuyển luôn trong khi các giải Đông NamÁ, Châu Á khác đựơc FIFA công nhận trên bản đồ bóng đá quốc tế quan trọng hơn nhiều.
Tâm sự buồn của 1 cô gái lâu rồi không được hưởng cảm giác mỗi tuần ra sân hò hét cổ vũ cho bóng đá TP.HCM".
Theo Thu Hà (2Sao/VietNamNet)