Video: Cảnh nữ diễn viên không mặc áo ngực trong 'Thương nhớ ở ai' gây tranh cãi
Tập 33 Thương nhớ ở ai, phát sóng chiều 3/3 trên sóng VTV tiếp tục kể về cuộc sống của Hạnh từ khi bỏ làng Đông ra đi. Hạnh chọn nghề đi buôn - công việc bị cấm vào thời điểm đó. Cô đi khắp Hà Tây, Bắc Ninh, mỗi ngày đạp gần trăm cây số để lấy hàng, và bán hàng.
Trong một lần đi lấy trứng, cô bị chính quyền địa phương phát hiện và bắt giữ. Tình cảnh éo le xảy ra, khi đó chính là quê nhà của Thương - vợ sắp cưới của Nghĩa (chồng cũ của Hạnh). Nhờ đọc đúng tên thiếu tá Nghĩa trước cán bộ địa phương, cô được thả.
Nước mắt không còn nhiều...
Trên đường về, Hạnh dừng xe khóc nức nở, sau đó cô tự nhủ "Hạnh ơi, mày không được khóc. Nước mắt của mày không còn nhiều". Hạnh quyết định mở lòng và chấp nhận tình cảm của người đàn ông chủ xưởng thêu, vốn thương thầm cô từ lâu.
Nhưng đúng lúc người đàn ông ôm Hạnh vào lòng thì Hạnh nhận ra sự bất thường của cơ thể mình. Người phụ nữ xinh đẹp nhất làng Đông năm nào phát hiện mình có thai. Tất nhiên, không phải với Nghĩa mà là Vạn - người Hạnh coi như cha của mình.
Đêm trước khi rời khỏi làng lên thành phố, Hạnh đã qua chào chú Vạn. Lúc đó Vạn say xỉn, tay chỉ tìm đến chai rượu. Vì can ngăn Vạn dừng uống, Hạnh ngã vật ra giường. Như hành động bản năng tự nhiên, hai người lao vào nhau.
Cuộc ái ân đầy oan trái đó, cả làng Đông không ai biết, và nếu biết cả làng Đông hẳn sẽ lên án, chỉ trích. Nhưng Hạnh mỉm cười. Trước khi rời đi, Hạnh không quên đắp chăn cho Vạn, lòng thầm nghĩ "chả nhẽ mình lại không mang đến hạnh phúc được cho ai".
Khi Hạnh nghĩ điều ấy, chú Vạn của cô vẫn say giấc ngủ.
Hạnh chạy một mạch về nhà, khóc nức nở. Cô đau khổ, gào thét. Người đàn ông chủ tiệm thêu không hiểu chuyện gì xảy ra. Đến khi biết chuyện, người đàn ông vẫn một mực ở bên Hạnh, coi mọi chuyện là quá khứ. Nhưng Hạnh khước từ.
Hạnh tưởng như sắp có một cuộc sống đẹp đẽ ở thành phố, nơi cô sẽ có một cuộc đời mới, nơi cô chuẩn bị tìm được tình yêu của cuộc đời với một người đàn ông tốt bụng. Nhưng trớ trêu thay, trong cô đang nuôi dưỡng một giọt máu của làng Đông.
Mặc cho ông chủ tiệm thêu dọa dẫm sẽ đóng cửa xưởng, đuổi hết thợ làm, Hạnh vẫn không đồng ý. Giữa cánh đồng vàng, Hạnh nói với người đàn ông: "Em cần thời gian". Cô tiếp tục vay tiền để chạy chợ, đi buôn. Và một lần cô đã về tận làng Đông lén nhìn Vạn, một gương mặt đau khổ.
Mạch phim được chuyển đến "4 năm sau". Khi ấy, cô con gái của Hạnh và Vạn đã lên bốn tuổi, thông minh và xinh xắn. Nơi Hạnh ở được gọi tên "Xóm ế chồng" vì toàn những cô gái quá lứa nhỡ thì. Đến một người đàn ông 50 tuổi, vợ chết mà cả xóm cũng nhao nhao "chị không xem thì để em, để em và để em".
Cảnh phim cho thấy một bi kịch khác của phụ nữ một thời - bi kịch không lấy được chồng. Ở làng Đông, có "Xóm không chồng", lên thành phố có "Xóm ế chồng". Hình như, ở bất cứ đâu, Hạnh cũng phải chứng kiến việc người đời gắn mác, định danh, gọi tên phụ nữ bằng chuyện có chồng hay không.
So với nguyên tác văn học, những chi tiết kể trên hoàn toàn là sáng tạo của Lưu Trọng Ninh. Lưu Trọng Ninh và đội ngũ kịch bản đã xây dựng một cuộc đời của Hạnh ở thành phố, quen với người đàn ông mới, để Hạnh rơi vào cùng cực của đau khổ khi cuộc đời chuẩn bị sang trang thì có thai.
Trong tiểu thuyết Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng, không ai biết Hạnh đi đâu và làm gì, chỉ biết vài năm sau Hạnh trở về làng Đông, tay dắt theo một đứa trẻ. Khi làm tác phẩm điện ảnh cách đây gần 20 năm, Lưu Trọng Ninh cũng giữ nguyên mạch kể này.
Nhưng với thể loại phim truyền hình, Lưu Trọng Ninh đã có điều kiện để kể thêm về cuộc đời Hạnh, để biết Hạnh đã sống ra sao, đã đấu tranh như thế nào với cái thai.
Tập 33 của bộ phim mở ra một hướng lựa chọn mới cho cuộc đời Hạnh. Hạnh sẽ trở về làng Đông như đúng nguyên tác hay cô sẽ ở thành phố, nơi cuộc sống của cô đã bắt đầu với nhiều khác biệt, nhiều lựa chọn?
Sau nhiều tập phim nhận không ít ý kiến trái chiều về diễn xuất, các diễn viên thể hiện tròn vai trong tập 33. Cảnh Hạnh bật khóc sau khi phải chọn đọc tên Nghĩa và Thương để được chính quyền địa phương cho về, chứng tỏ sự nhập vai của diễn viên trẻ Trà My. Những giọt nước lăn dài trên má người phụ nữ, đầy chân thực qua màn ảnh.
Những lời tự sự của Hạnh trong tập phim cũng trau chuốt, nhiều câu thoại về nỗi đau và sự giới hạn của nước mắt không khỏi khiến người xem buốt lòng để rồi đặt câu hỏi "Sao một thời, người phụ nữ lại khổ đến như vậy?"
Và họ còn khổ đến thế nào nữa trong tập cuối cùng của Thương nhớ ở ai - bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết đình đám Bến không chồng, do Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh.
Theo Khuê Tú (Tri Thức Trực Tuyến)