Trao đổi với chúng tôi chiều 27-3, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Vương Duy Biên thừa nhận, ông chưa xem bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ và cũng chỉ được biết thông tin qua các báo cáo.
Ông cho biết cũng mới chỉ nghe tin rằng website Bộ Quốc phòng Trung Quốc có đăng thông tin giới thiệu về phim này. Nhưng ông cho rằng hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện đã phải xem xét kỹ lưỡng và đều là những người có trách nhiệm.
Trả lời câu hỏi, ông có cho rằng hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện quyết định cho phổ biến bộ phim này tại Việt Nam là sai sót hay không? Ông Vương Duy Biên nói:
"Cách gọi biển Nam Trung Hoa trong phim cũng như Việt Nam vẫn gọi là Biển Đông. Còn chuyện nước nào làm phim cũng ca ngợi hải quân nước đó là bình thường.
Nhưng sơ suất (của hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện - PV) là ở chỗ vấn đề biển đảo là vấn đề nhạy cảm không lường trước. Và theo Luật điện ảnh, nếu không chứng minh được điều gì vi phạm của phim mà cấm không cho phát hành thì sẽ vô lý. Người ta sẽ nói rằng vì sao lại cấm chiếu phim Trung Quốc ở Việt Nam?
Trước đây chúng ta vẫn chiếu nhiều phim Trung Quốc. Phim này không bắt được bằng chứng nó vi phạm các điều cấm của Luật Điện ảnh mà cấm không cho phim phát hành là vô lý.
Nhưng nếu đúng trong phim có dùng từ quần đảo Nam Sa (như có thông tin cho rằng trên website Bộ Quốc phòng Trung Quốc viết) thì hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện đã sai", ông Vương Duy Biên cho biết quan điểm.
* Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Trần Công Trục, cựu trưởng ban biên giới Chính phủ khẳng định, Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim không thể vô can vụ Điệp vụ Biển Đỏ.
* Chiều 26-3, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch phát thông cáo báo chí khẳng định không có căn cứ kết luận phim Điệp vụ Biển Đỏ có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo. Theo ông, cách giải thích trên đã hợp lý chưa?
- Nếu tách rời lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật… ra khỏi nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông trong bối cảnh hiện nay, và chỉ căn cứ vào ngôn từ của nội dung cảnh báo được phát ra từ loa phóng thanh trên tàu Hải Quân Trung Quốc trong đoạn cuối của bộ phim: "Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy đi ngay!", thì lời khẳng định: "Những hình ảnh, âm thanh và lời thoại của đoạn cuối phim hoàn toàn không có căn cứ để kết luận rằng bộ phim có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam có vẻ hợp lý.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu, đánh giá vấn đề có liên quan đến lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, nhất là vấn đề bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông đang tồn tại những tranh chấp rất phức tạp thì câu chuyện lại không đơn giản như vậy.
* Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện quyết định cho phổ biến Điệp vụ Biển Đỏ có phải là một sơ sót hay không, thưa ông?
- Tôi không nghĩ việc Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện sau khi thẩm định cho phổ biến bộ phim "nhạy cảm" này hoàn toàn vô can, cho dù đã làm việc theo đúng "quy trình" và chỉ xem xét về khía cạnh nghệ thuật giải trí.
Đối với những nội dung có liên quan đến chủ quyền quốc gia, quyền và lợi ích của đất nước, dân tộc, nhất là trong bối cảnh tranh chấp phức tạp đang xẩy ra trong Biển Đông hiện nay, chúng ta nên rất thận trọng và phải nghiên cứu xem xét các vấn đề một cách khách quan khoa học, cầu thị.
Cơ quan quản lý nhà nước cần có quy chế và cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát tập trung, thống nhất đối với mọi sản phẩm, ấn phẩm có nội dung liên quan đến vấn đề chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.
* Dư luận còn đặt nghi vấn phim Điệp vụ Biển Đỏ còn được giới thiệu trên website Bộ Quốc phòng Trung Quốc và được Hải quân Trung Quốc tích cực ủng hộ?
- Với phần giới thiệu từ website Bộ Quốc phòng Trung Quốc về bộ phim này, đó là sự xuyên tạc chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.
Nếu mất cảnh giác và không xem xét thấu đáo mọi vấn đề liên quan một cách thận trọng, tỉnh táo và khoa học thì dễ rơi vào "ma trận" của Trung Quốc, hoặc trực tiếp hay gián tiếp, bị vướng mắc vào cạm bẫy được cài đặt trong "cuộc chiến pháp lý" do Trung Quốc phát động.
Theo V.V.Tuân (Tuổi Trẻ)