Thu hồi giải thưởng của Phan Huyền Thư chưa hợp tình hợp lý

21/10/2015 07:27:29

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, việc thu hồi giải thưởng của nhà thơ Phan Huyền Thư là chưa hợp tình hợp lý bởi chưa xác định được cô có đạo thơ hay không.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, việc thu hồi giải thưởng của nhà thơ Phan Huyền Thư là chưa hợp tình hợp lý bởi chưa xác định được cô có đạo thơ hay không.

Chúng tôi có buổi trao đổi với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn, người được ủy quyền phát ngôn về những vấn đề này.

Theo nhà thơ Việt Chiến, lý do thu hồi giải thưởng cho tập Sẹo độc lập của Hội nhà văn Hà Nội là bởi bài Bạch Lộ trong tập thơ Sẹo độc lập của nhà thơ Phan Huyền Thư giống bài Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan đã xuất bản. Như vậy có bất hợp lý không khi Hội nhà văn Hà Nội chưa xác định Huyền Thư có đạo thơ hay chưa mà đã vội vàng thu hồi giải thưởng?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều : Nếu lý do thu hồi như nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nói thì việc thu hồi này chưa hợp lý và chưa hợp tình. Bởi cho đến lúc này, chúng ta chưa thể kết luận về mặt pháp lý ai là người đạo thơ cho dù các ủy viên BCH Hội Nhà văn HN trong lòng mình đã có nhận định riêng của họ. Hội Nhà văn HN không hề có lỗi trong chuyện này. Vì vậy, tôi nghĩ, Hội Nhà văn HN phải có những tác động tích cực để mau chóng tìm ra tác giả bài thơ. Đến lúc đó, quyết định thu hồi sẽ vừa hợp tình, vừa hợp lý.
 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

 
Mặc dù vẫn khẳng định mình sáng tác bài thơ Bạch lộ năm 1996 nhưng khi có quyết định thu hồi giải thưởng, Phan Huyền Thư không phản ứng gì mà còn gửi lời xin lỗi vì đã để ì xèo dư luận trong thời gian qua. Như vậy có phải đã kết thúc và chúng ta sẽ không tìm ra đâu là chủ nhân của thật sự của bài thơ? Hội nhà văn có động thái gì trong sự việc này không thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vấn đề này chưa được đề cập đến trong Ban chấp hành HNV, nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, dư luận xã hội đã lên đến đỉnh điểm thì một trong hai nhà thơ liên quan đến vụ đạo thơ này chắc chắn sẽ phải làm những gì có thể để bảo vệ danh dự cho họ. Hội Nhà văn cũng sẽ làm những gì trong quyền hạn của mình để mau chóng xác định tác giả bài thơ. Tôi nghĩ HNV sẽ ủng hộ quan điểm này của tôi. Bởi Hội NV không muốn sự ngờ vực này lây lan ảnh hưởng đến các hội viên khác của Hội và ảnh hưởng đến Hội NV. Đồng thời đó cũng là cách mà mỗi nhà văn hội viên và Hội NV phải làm để tôn trọng bạn đọc của mình.

Câu chuyện này là câu chuyện rất buồn đối với Hội Nhà văn. Vì đây là 2 hội viên của Hội. Hội nhà văn chẳng bao giờ muốn chuyện này xảy ra nhưng nó đã xảy ra rồi nên chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận.

Hai bài thơ này, theo cách nhìn nhận nghiêm cẩn và kỹ lưỡng của tôi, chúng ta không nên bàn cãi về việc nó trùng ý hay trùng lời nữa mà 2 bài thơ này là một, hoàn toàn giống nhau. Có thể mỗi bài có những nét “ trang điểm” nho nhỏ khác nhau nhưng toàn bộ những câu quan trọng nhất, những ý để làm lên bài thơ, cấu trúc, cách triển khai bài thơ là hoàn toàn giống nhau.

Cho dù không muốn nói thì chúng ta phải khẳng định rằng, một trong 2 người đã đạo thơ của nhau. Nó không phải do sự ảnh hưởng mà chính xác là sự sao chép. Vấn đề bây giờ là 2 nhà thơ phải làm việc với nhau và nếu không phân định được thì có lẽ một trong hai người phải đưa vụ việc ra tòa cho dù không ai muốn.

Nhà thơ Phan Huyền Thư có nói rằng, chị sáng tác bài thơ đang gây tranh cãi này vào năm 1996, chị có bản thảo viết tay bài thơ Độc ẩm (sau này đổi tên thành Bạch lộ), điều này có chứng minh được gì không thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hội nhà văn Việt Nam bảo vệ quyền lợi cho tất cả Hội viên của mình và trong trường hợp này cả hai nhà thơ đều là hội viên Hội Nhà văn. Nhưng cho dù là hội viên thì nguyên tắc không thể thay đổi của chúng tôi là phải bảo vệ lẽ phải. Cho tới bây giờ tranh chấp giữa hai nhà thơ chưa có kết luận cho dù dư luận đang nghiêng về phía nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan bởi chị đã có những bằng chứng chứng minh bài thơ của mình (đã được in năm 2001, được phổ nhạc năm 2001). Còn tập thơ Sẹo độc lập của nhà thơ Phan Huyền Thư ra đời sau. Cũng có những người nghiêng về nhà thơ Phan Huyền Thư vì chị nói đã viết bài thơ này từ năm 1996. Nhưng người phải chứng minh bài thơ của mình lúc này là nhà thơ Phan Huyền Thư vì chị bị tố là đạo thơ của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan.

Tuy nhiên, đối với cơ quan chức năng thì bản viết tay của nhà thơ Phan Huyền Thư chỉ có giá trị khi được giám định tuổi của nó. Tôi nghĩ : để chứng minh bài thơ đó là của mình và để bảo vệ danh dự của mình thì nhà thơ Phan Huyền Thư nên đề nghị cơ quan chức năng tiến hành giám định khoa học để có kết luận mang tính pháp lý. Việc giám định loại hiện vật này không có khó khăn lắm. Và tôi cũng nghĩ, chính nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan cũng sẽ đề nghị cơ quan chức năng giám định tuổi của bản viết tay của nhà thơ Phan Huyền Thư. Đấy là một trong những việc mà cả hai nhà thơ đều phải làm cho dù không muốn để bảo vệ mình. Còn bạn đọc hay Hội nhà văn dù thế nào cũng phải đứng về phía sự thật. Và tôi vẫn muốn nói lại là : câu chuyện này là câu chuyện thật rất buồn và xấu hổ.

Nếu trong trường hợp phát hiện ra 1 trong 2 hội viên này đạo thơ, Hội nhà văn có loại tên họ ra khỏi danh sách hội viên không thưa ông?
 
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Khi có kết luận cuối cùng, Hội nhà văn sẽ dựa theo điều lệ của Hội để có hướng xử lý thích hợp nhất. Việc này là việc trầm trọng về nhân cách, lòng tự trọng của con người trong dư luận của quần chúng chứ theo tôi biết chế tài xử lý việc đạo văn, thơ lâu nay cũng chưa hẳn kiên quyết. Bản án lương tâm là bản án đau xót nhất mà mỗi nghệ sĩ phải tự vấn lại mình.
 

Tập thơ vừa bị thu hồi giải thưởng của nhà thơ Phan Huyền Thư

 
Trong quá trình làm việc và sáng tác, ông đã từng gặp trường hợp nào mà hội viên Hội Nhà văn đạo văn, thơ một cách trắng trợn mà xử lý lại đi vào ngõ cụt, để lâu hòa cả làng không? Và cá nhân ông đã bị đạo văn thơ bao giờ chưa?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi đã tham gia BCH Hội nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ thứ 2, tôi chưa thấy vụ nào liên quan tới việc tố nhau đạo văn, đạo thơ mà bị xử lý trên phương diện pháp luật. Còn việc tôi có bị đạo tác phẩm của mình không ? Tôi đã không định nói ra nhưng chị hỏi tôi xin chia sẻ thế này, bản thân tôi đã từng 3 lần bị đạo văn : một tiểu thuyết, một truyện ngắn và một bài thơ, nhưng tôi đã im lặng. Tôi im lặng là có lý do của tôi - lý do nhân đạo. Nghe chuyện này có thể nhiều người thấy khó tin. Nhưng đó là sự thật và đó là việc riêng của tôi.

Trong ba trường hợp bị đạo văn thì có một trường hợp tôi đã quyết định trao bản quyền cho người đã dùng bài thơ của tôi thành của họ. Bởi tôi đã hiểu lý do tại sao người kia lại làm thế. Chính vậy mà tôi đã tuyên bố một cách hạnh phúc rằng, tôi chuyển quyền sử dụng vĩnh viễn bài thơ cho người đó. Cái tôi được lớn gấp trăn ngàn lần giá trị của bài thơ nhỏ bé tôi đã viết. Bởi người này dùng bài thơ của tôi không vì mục đích in sách, không vì mục đích mua danh hay lợi ích vật chất mà dùng bài thơ này cho một mục đích tình cảm vô cùng đặc biệt và thiêng liêng.

Vấn đề đạo thơ đạo văn thực ra lâu nay trong giới văn sĩ vẫn hay bàn tán nhiều, 2 trường hợp gần đây chỉ như phần nổi của tảng băng chìm. Có phải vấn đề bản quyền đã không được các nhà văn nhà thơ lưu tâm khi cho ra đời tác phẩm của mình?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Lâu nay, việc bảo vệ bản quyền của văn nghệ sĩ kể cả cơ quan pháp lý cũng vậy, rất lơ là. Bản thân tôi khi viết cũng ít khi nghĩ tới việc đăng ký tác quyền. Nạn đạo văn đạo thơ hiện nay rất đáng báo động, đặc biệt là đạo ý tưởng.Việc ảnh hưởng một khuynh hướng hoàn toàn khác với việc mượn ý mượn lời. Thế nhưng chính việc mượn ý mượn lời khi bắt bẻ lại rất khó, phải có một cơ quan chức năng rất chuyên nghiệp mới có thể kết luận được việc đó khi có kiện tụng.

Vấn đề bây giờ là các nhà văn nhà thơ phải tự bảo vệ mình trước, phải đăng ký bản quyền bằng cách này hay cách khác. Các nhà văn nhà thơ nên tham gia đăng ký tác phẩm của mình vào Trung tâm bảo vệ tác quyền văn học của Hội nhà văn ở đó có các luật sư am hiểu các vấn để liên quan và họ có thể hướng dẫn các tác giả bảo vệ quyền tác phẩm của mình.

Đã đến lúc vẫn đề đạo văn đạo thơ phải được đưa vào luật như một loại tội phạm có chế tài xử lý dân sự như đền bù danh dự, vật chất hay hình sự và phải chịu những hình phạt nhất định mới đủ sức răn đe.

Vấn nạn đạo văn thơ theo thời gian dần tăng, nguyên nhân là do đâu, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Nguyên nhân thì có nhiều. Trước kia, ở làng quê nếu ăn cắp một gà, người ta xấu hổ tới độ phải bỏ làng ra đi. Nhưng bây giờ người ta ăn cắp triệu lần hơn thế mà vẫn nhởn nhơ. Chính điều đó đã tác động vào thái độ sống của con người và lòng tự trọng của xã hội dần dần bị phá vỡ.

Trong văn học nghệ thuật một bài thơ bài văn về mặt vật chất không có giá trị bao nhiêu nhưng về mặt tinh thần lại rất nhiều. Vì danh, nhiều người đã ăn cắp thơ văn của nhau. Hội nhà văn Việt Nam với cơ quan bảo vệ tác quyền của mình cũng không thể nào kiểm duyệt hết tất cả những bài văn bài thơ xem có đạo ở đâu không.

Lòng tự trọng mất đi, sự háo danh tăng lên cùng với sự sáng tạo lười nhác là những nguyên nhân làm cho tình trạng đạo thơ đạo văn ngày càng xảy ra nhiều.
 
>> Thu hồi giải thưởng của Phan Huyền Thư
>> Phan Huyền Thư phủ nhận đạo thơ, Hội Nhà văn HN chưa đủ căn cứ xác minh
>> Nhà thơ Phan Huyền Thư: "Tôi viết bài thơ gốc từ năm 1996"
>> Lại thêm một nữ tác giả “tố” Phan Huyền Thư “đạo thơ” 

Theo Tình Lê (VietNamNet)

Nổi bật