Hỗn loạn, chen lấn
Đại nhạc hội Y-Fest diễn ra tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 24/11 có sự xuất hiện của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Sơn Tùng M-TP, SOOBIN, HIEUTHUHAI, Hòa Minzy... đã thu hút khoảng 10.000 khán giả tham gia. Với nhiều gương mặt nổi tiếng tham dự, đêm nhạc đã mang đến một bữa tiệc âm nhạc sôi động, bùng nổ cảm xúc.
Bên cạnh những màn trình diễn ấn tượng, sự kiện cũng bộc lộ nhiều bất cập. Từ khi sự kiện chưa chính thức bắt đầu, lượng khách đổ về đây đã rất đông, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông. Theo những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội, khu vực từ quảng trường kéo dài đến phố Tràng Tiền đông nghịt.
Thực tế, dù lực lượng chức năng đã được huy động để điều phối giao thông nhưng lượng người đổ về quá đông đã gây ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên các tuyến phố xung quanh nhà hát.
Nhiều người tham dự đã phải thất vọng bỏ về dù có vé tham gia sự kiện. Bên cạnh đó, sự kiện diễn ra ngoài trời, nhiều khán giả dù không có vé cũng có thể thưởng thức nên nhiều người bất chấp leo cây, trèo rào, trèo lên nóc xe để xem.
"Vé miễn phí nhưng phải đứng đợi 5-6 tiếng mới lấy được, xong đợi xếp hàng thêm 2-3 tiếng cuối cùng vẫn không được vào xem show, đứng ngoài đu rào như người không vé. Điều này gây ức chế vô cùng", "Bực mình kinh khủng vì có vé, xếp hàng mấy tiếng, nhưng cuối cùng không cho vào xem mà không có lý do chính đáng", "BTC thiếu chuyên nghiệp kinh khủng. Mở rất nhiều cổng nhưng mở không cùng lúc. BTC dừng check-in vào cổng cũng không báo để mọi người đi về. Chen chúc, bị ép đến khó thở", "Lúc bắt đầu diễn như vỡ trận, nhiều người còn trèo lên cây để xem. Mọi người liên tục chen hàng, ngột ngạt vô cùng. Loa bé nên không nghe được nghệ sĩ hát hay nói gì", "Đi show về sẽ không bao giờ đi nữa. Kinh hoàng vì chen lấn xô đẩy", "Xếp hàng hơn 2 tiếng mà vẫn không vào được khu fanzone (khu có vé). Mua 600.000 đồng/2 vé mà tôi với bạn phải lang thang. Chen lấn xô đẩy đến mức không thở nổi"... là nhiều phản hồi của khán giả về chương trình.
Lời cảnh tỉnh cho mùa lễ hội cuối năm
Nhà báo Hồng Quang Minh cho rằng sự quá tải của chương trình là lời cảnh tỉnh cho các ban tổ chức khác về việc đánh giá thấp nhu cầu tham dự của công chúng và thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng trong khâu tổ chức.
“Những hình ảnh hậu trường không đẹp, như việc chen lấn, không kiểm soát được số lượng khán giả hay rác thải tràn lan, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của sự kiện, dù chương trình có ý tưởng, nội dung tốt đến đâu”, ông Hồng Quang Minh nhận định.
Nguyên nhân gây quá tải của Y-Fest không nằm ở số lượng khán giả, mà do cách BTC dự đoán và quản lý con số này. Sự chênh lệch giữa khả năng tiếp nhận của địa điểm và nhu cầu thực tế gây ra sự hỗn loạn trong đêm nhạc. Vì vậy, việc kiểm soát số lượng người tham gia, từ khâu đăng ký cho đến ngày diễn ra sự kiện, phải là ưu tiên hàng đầu.
Tổ chức show ngoài trời, miễn phí đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng hơn show bán vé vì khán giả không có rào cản tài chính. Điều này khiến việc kiểm soát lượng khán giả trở nên khó khăn. Ngoài ra, khi tổ chức ngoài trời, đặc biệt là không gian công cộng người làm chương trình phải đối mặt với nhiều rủi ro về thời tiết.
Bà Thiên Bình - Giám đốc của Phiêu Du Show - nhấn mạnh các chương trình đại nhạc hội của các thương hiệu lớn, càng đông khán giả, giá trị thương mại, hình ảnh càng cao nên không gian ngoài trời luôn được ưu tiên.
"Thông thường các show âm nhạc không thu vé BTC dự trù được lượng khán giả tham gia. Tuy nhiên, có những chương trình quá tải khán giả do ca sĩ biểu diễn nổi tiếng, khiến lượng khán giả tăng đột biến và trở nên khó kiểm soát", bà Thiên Bình nêu.
Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nhấn mạnh việc đo lường lượng khách đến tham dự phải là khâu đầu tiên cần thực hiện trong kế hoạch tổ chức. Để ước lượng số khán giả, BTC có thể áp dụng hình thức đăng ký trước qua các nền tảng trực tuyến. Việc này góp phần kiểm soát số lượng vé phát ra đối với, đặc biệt với các chương trình có diện tích giới hạn.
Khi lượng khách vượt quá khả năng của địa điểm, BTC cần có phương án dừng đăng ký hoặc mở thêm các điểm chiếu trực tiếp để phân tán đám đông. Thời điểm cuối năm, hàng loạt đêm nhạc ngoài trời, miễn phí liên tục được tổ chức, các chuyên gia nhấn mạnh những người làm chương trình cần lên phương án kỹ càng để hạn chế những trải nghiệm tiêu cực cho khán giả.
"Với mùa lễ hội cuối năm, tôi khuyến nghị các đơn vị tổ chức cần tập trung vào ba khía cạnh chính: kiểm soát lượng khán giả, quản lý không gian, và xây dựng kịch bản ứng phó. Địa điểm tổ chức cần được khảo sát và bố trí hợp lý, đặc biệt là các lối thoát hiểm, khu vực nghỉ chân và khu vực vệ sinh (nếu có). Nếu dự kiến lượng khán giả quá đông, việc sử dụng màn hình lớn bên ngoài hoặc mở thêm các điểm tổ chức vệ tinh là giải pháp hiệu quả", chuyên gia Hồng Quang Minh nêu.
Những người làm chương trình cũng cần chuẩn bị kịch bản ứng phó chi tiết với mọi tình huống, từ quá tải, thời tiết xấu đến các vấn đề an ninh. Các đơn vị tổ chức cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh và chính quyền địa phương, nguồn nhân lực phản ứng nhanh để xử lý mọi khủng hoảng khi mới phát sinh.
Dịp cuối năm là cơ hội vàng để các sự kiện âm nhạc tạo dấu ấn, nhưng thành công không chỉ đến từ nội dung chương trình mà còn từ cách ban tổ chức đảm bảo khán giả có trải nghiệm tốt và an toàn nhất.
Dịp cuối năm dự kiến có rất nhiều đêm nhạc, hứa hẹn những bữa tiệc âm nhạc đa sắc dành cho khán giả. Gần nhất, trong hai ngày 30/11, 1/12 các nghệ sĩ như Soobin Hoàng Sơn, Quân A.P, Thiều Bảo Trâm, Hurrykng, 24K.Right... sẽ mang đến những sân khấu bùng nổ dành cho khán giả Thủ đô tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Cũng trong ngày 30/11 Erik, NSND Tự Long... sẽ biểu diễn tại BigC Thăng Long.
Theo Gia Linh (Tiền Phong)