Trước khi chính thức ra rạp, Thiên Linh Cái có hành trình khá gian nan. Ban đầu, bộ phim sở hữu cái tên "chất hơn nước cất" Thiên Linh Cái. Chưa rõ nội dung ra sao nhưng cái tên Thiên Linh Cái cũng đã đủ dẫn dụ người xem cùng đoạn trailer ăn điểm từ nhà sản xuất.
Sự gian nan của Thiên Linh Cái vốn ban đầu là sự phiền muộn của nhà sản xuất nhưng sau đó lại vô tình trở thành sự hấp dẫn đối với người hâm mộ. Nhiều người tò mò rằng Thiên Linh Cái sở hữu điều gì mà quá trình ra rạp lại khó khăn đến vậy? Phải chăng phía sau bộ phim 100 phút ấy chứa đựng nhiều cảnh tượng ghê rợn, đậm màu sắc tâm linh?
Công bằng mà nói những đề tài mang tính chất tâm linh vốn dĩ luôn khơi gợi được sự hấp dẫn từ người hâm mộ nhưng nhận được sự đánh giá thế nào lại là câu trả lời từ chính tác phẩm thay vì các chiêu thức truyền thông.
Và sau bao vất vả cuối cùng Thiên Linh Cái cũng được ra rạp nhưng đánh đổi bằng cái tên mới Thất Sơn tâm linh cùng một bản chiếu được cắt xén tơi tả đến đáng thương.
Lúc này, Thất Sơn tâm linh không còn là Thiên Linh Cái nữa, nó trở thành cốc sinh tố được nhào nặn mà có lẽ ê kíp của bộ phim cũng bàng hoàng vì không thể nhận ra đây là "đứa con" của mình.
Một câu chuyện có thật từ vụ án cách đây 24 năm trước
Khi Thất Sơn tâm linh (khi ấy vẫn mang tên Thiên Linh Cái" chính thức trình làng trên truyền thông với những thông cáo báo chí đầu tiên rất nhiều người đã tò mò khi biết rằng biên kịch đã tái hiện vụ án "kinh thiên động địa" ở Đồng Tháp vào năm 1995.
Thất Sơn tâm linh kể về thầy Huỳnh - một thầy lang sống trôi dạt trên một chiếc thuyền gỗ. Đến một ngôi làng nọ, thầy Huỳnh ra tay cứu người bằng những mánh khóe của mình rồi thu nạp Sỏi - một cô gái câm điếc làm phụ việc. Và cũng từ đó, những âm mưu đen tối dần dần được hé lộ.
Thầy Huỳnh trong Thất Sơn tâm linh được xem là phiên bản "tả thực" của gã thầy lang Hai Tửng trong vụ án giết người hàng loạt cách đây 24 năm tại Đồng Tháp. Theo nhiều tài liệu kể lại, Hai Tửng sinh ra trong một gia đình nghèo khó về sau bỏ xứ mà đi, lênh đênh sông nước trên chiếc ghe gỗ. Hai Tửng từng sống ở núi Sam, theo học một thầy lang nào đó. Sau này, hắn đến Tân Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp mang theo những toan tính của riêng mình.
Đến Tân Bình, Hai Tửng nhanh chóng được lòng người dân nơi đây khi sử dụng mánh khóe chữa bệnh cho mọi người. Để lấy được lòng tin mọi người, Hai Tửng còn không chịu lấy tiền chữa bệnh. Rồi gã được một người nông dân ở Tân Bình cho mượn một mảnh đất, cất căn chòi nhỏ để chữa bệnh. Tiếng lành đồn xa, những người dân nghèo nghe câu chuyện Hai Tửng có thể chữa bệnh hiếm muộn, thậm chí cả dùng bùa ngải mang đến sức hấp dẫn cho phụ nữ khiến đàn ông không thể chối từ.
Sau này, người ta phát hiện, Hai Tửng dùng thuốc mê, thuốc kích dục rồi cưỡng hiếp những người phụ nữ tìm đến hắn với mong muốn chữa bệnh. Rồi những vụ mất tích cứ liên tiếp diễn ra, Hai Tửng bị bắt vì tình nghi giết người. Khi đào bới căn chòi của hắn, cảnh sát phát hiện những cái xác không đầu.
Vụ án giết người hàng loạt của Hai Tửng trở thành nỗi ám ảnh khó có thể nguôi ngoai của người dân Tân Bình Đồng Tháp suốt 24 năm nay.
Với chất liệu đầy ám ảnh như vậy, Thất Sơn tâm linh (tên cũ Thiên Linh Cái) đã quyết định "một lần chơi lớn". Chân thành mà nói, Thất Sơn tâm linh dù bản ra rạp bị cắt xén đến thế nào thì cũng đã thành công khi tái hiện nhân vật Hai Tửng thông qua hình ảnh thầy lang Huỳnh do diễn viên Quang Tuấn thể hiện. Ánh mắt nhìn sắc lẹm đầy gian dối, tiếng gọi Sỏi ám ảnh rợn người trong không gian tĩnh mịch ấy ắt hẳn sẽ còn ám ánh tới người xem.
Phim tâm linh được "phẫu thuật thẩm mỹ" thành phim "cảnh sát hình sự"
Rời rạp, nhiều người cảm thấy đau xót cho Thất Sơn tâm linh cùng cái tên tiền nhiệm Thiên Linh Cái. Ngỡ như Thất Sơn tâm linh đã trải qua một cuộc đại phẫu thuật, thay tên đổi họ, đổi cả hình hài. Từ bộ phim tâm linh, Thất Sơn tâm linh trở thành phim trinh thám phá án. Lớp màu sắc ban đầu được phủ lên trên bộ phim bị thay đổi toàn bộ khiến người xem dường như chưng hửng.
Nhìn Hoàng Yến Chibi lặng lẽ rơi nước mắt vì không thể nào nhận ra bộ phim của mình khiến nhiều người thật lòng ái ngại.
Trách ai bây giờ.
Tuy dở dang nhưng có lẽ Thất Sơn tâm linh hoàn toàn là cú lột xác "cực mạnh" của Hoàng Yến Chibi. Trong phim, Hoàng Yến Chibi vào vai Sỏi, cô bé nghèo câm điếc. Sỏi sống cùng người cha nghèo trong làng ven sống chẳng lấy gì làm khấm khá.
Rồi khi Huỳnh đến, bố Sỏi đến nhờ vả cho cô bé trở thành phụ tá rồi sau này trở thành vợ.
Những tưởng rồi sẽ có câu chuyện tình yêu như ngôn tình nhưng phía sau là nước mắt, sự bất lực và nỗi khiếp sợ.
Trong phim, Hoàng Yến Chibi đảm nhận những cảnh nóng đầy táo bạo cùng Quang Tuấn. Cách diễn bằng mắt tái hiện nỗi đau đớn của cô gái bị vũ nhục bằng tình dục mà Hoàng Yến Chibi thể hiện xứng đáng nhận được những lời khen cho lần trở lại này.
Còn Quang Tuấn, thật sự khả năng diễn xuất tinh tế của nam diễn viên đã vớt vát lại nhiều cho một bộ phim bị không hoàn chỉnh. Ánh mắt đầy dã tâm, sự u mê trong bùa chú cho tới sự điên cuồng tàn bạo của thầy lang Huỳnh được Quang Tuấn thể hiện một cách vô cùng khéo léo.
Một điểm cộng của Thất Sơn tâm linh nữa không thể không kể tới đó có lẽ là phần âm thanh và góc quay ăn điểm. Mặc dù do bị cắt xén, mạch phim không còn mạch lạc, các cảnh quay cũng rời rạc nhưng nếu công bằng xem xét Thất Sơn tâm linh là một bộ phim sở hữu những khung hình đẹp. Cái ráng chiều ám ảnh, cái không gian tối mịt mù của cánh đồng quê, những ánh sáng lấp loáng bên sông... là những hình ảnh đọng lại rất nhiều trong trí nhớ người xem.
Thất Sơn tâm linh còn sở hữu nhiều cái đáng tiếc, đáng thương và đáng buồn nhưng dẫu sao nó cũng mang đến một làn gió lạ giữa trào lưu phim Việt "nhiều mà thiếu chất" như hiện nay.
Theo Padun (Helino)