Chắc hẳn không ít người trong số các bạn từng ngồi “cày” nát internet để tìm xem lại những bộ phim kinh dị thập niên 80? Và nếu trong nhật kí Hollywood có ghi chép lại thì những năm 80 từng là thời hoàng kim của các thể loại phim kinh dị, li kì, hồi hộp.
Không ngẫu nhiên mà bộ sách “Truyện kinh dị lúc nửa đêm” của Alvin Schwartz ra đời cũng chính vào thập niên này. Những cuốn sách từng là một phần của thư viện thiếu nhi thời bấy giờ, kể lại nhiều câu chuyện dân gian, truyền thuyết đô thị với màu sắc rùng rợn và giọng văn ma mị. Loạt truyện gây ám ảnh cho trẻ nhỏ và làm dấy lên sự hoang mang cho các phụ huynh, nó mau chóng bị cấm khỏi trường học. Tuy nhiên sức hấp dẫn cực lớn từ nỗi sợ hãi vẫn khiến sách truyện kiểu này trở thành sách giấu dưới gầm giường của hàng triệu trẻ em Mỹ. Sức lan toả của nó có ảnh hưởng đến cả văn hoá đọc của trẻ em nhiều quốc gia khác.
Khó có từ nào có thể diễn tả cảm xúc của thế hệ 8x, 9x khi một trong những tác phẩm gắn liền với nỗi sợ của tuổi thơ được dựng thành phim. Và bất cứ ai từng là fans của tác giả Alvin Schwartz đều biết rằng bộ phim có khả năng tạo ra một vũ trụ điện ảnh của riêng mình, độc đáo, cuốn hút và khác biệt hoàn toàn với motip ma quỷ - trừ tà đã quá nhàm chán của những thương hiệu như Conjuring hay Annabelle.
Guillermo del Toro là người chắp bút cho kịch bản “Truyện kinh dị lúc nửa đêm”, chuyện phim được chọn lọc từ thư viện của Schwartz theo dụng ý làm phim của nhà sản xuất, không đi theo trình tự sắp đặt của nguyên tác. Tại đây, những vụ bắt cóc với sự nhúng tay của ma quỷ và quái vật lần lượt xuất hiện từ cuốn nhật kí của huyền thoại bí ẩn trong thị trấn Sarah Bellows.
Vào đêm Halloween năm 1968, Stella (Zoe Margaret Colleti) cùng đám bạn thiếu niên của mình rủ nhau khám phá ngôi biệt thự bỏ hoang của gia tộc Bellows. Cô bé bất ngờ phát hiện ra căn hầm bí mật, nơi giam giữ Sarah - cô con gái bị gia tộc chối bỏ và nguyền rủa, đồng thời tìm thấy cuốn nhật kí viết bằng máu chứa đựng những câu chuyện kinh dị mà theo truyền thuyết, Sarah đã kể cho lũ trẻ trong vùng nghe trong suốt 1 thế kỉ. Stella háo hức với khám phá của mình mà không biết rằng hành động mang cuốn sách ra khỏi căn hầm đã khiến oan hồn Sarah Bellows tức giận và trút cơn hận thù bằng cách lần lượt biến mình cùng các bạn thành nạn nhân tiếp theo của cuốn nhật kí chết chóc.
Đạo diễn André Øvredal đã nhắc nhở khán giả rằng để khơi gợi sự sợ hãi, không cần phù phép ma quỷ ở đâu xa, chẳng cần kĩ xảo lồng lộn, hoá trang ngoạn mục, cũng không nhất thiết phải máu me be bét, đôi khi chỉ cần một tay bù nhìn rơm đột ngột biến mất và thình lình xuất hiện giữa ruộng ngô trong đêm vắng cũng đủ khiến bạn mồ hôi tay chảy đầm đìa giữa rạp. “Truyện kinh dị lúc nửa đêm” mang rùng rợn đến từ những thứ chán ghét quen thuộc và gần gũi nhất.
Một ngón chân cái nổi lên giữa nồi thịt hầm, một vết nhện cắn nhức nhối cứ lớn dần rồi nở bung ra cả đàn nhện, một đầu quỷ lăn xuống từ ống khói và đám tay chân như những tảng thịt thối rữa rơi bịch bịch…, phim liên tục xuất hiện những điểm hấp dẫn chồng lên nhau theo nhịp độ mỗi lúc một hồi hộp và kịch tính hơn.
Dù là một phim kinh dị học đường nhưng Del Toro và đạo diễn André Øvredal vẫn không quên đánh bóng sản phẩm của mình bằng những yếu tố chính trị, lịch sử, âm mưu về nạn phân biệt chủng tộc với người nhập cư. Phim không chỉ thuần tuý là món quà giải trí mà còn gửi gắm thông điệp khá phức tạp về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, sự kì vọng áp đặt của cha mẹ lên con trẻ, những chấn thương tâm lý thời thơ ấu… Nhân vật Stella bị mẹ bỏ rơi từ khi còn nhỏ, điều này khiến cô bé luôn ám thị bản thân là kẻ tội lỗi. Đó là một phần lý do khiến Stella nhanh chóng kết nối với Sarah Bellows - nạn nhân của lạm dụng và bạo hành gia đình. Auggie bị tấn công khi bố mẹ vắng nhà đột xuất, bỏ cậu lại một mình trong đêm. Chuck bị truy đuổi bởi một sinh vật gớm ghiếc mang dáng vẻ của một phụ nữ mang thai. Tommy bị gia đình ngược đãi và coi thường khiến cậu ta trở nên cục súc và có xu hướng bắt nạt những người yếu thế hơn, điển hình như việc trút giận hàng ngày lên gã bù nhìn rơm. Bộ phim như lời gợi ý rằng chính cha mẹ đang viết lên những câu chuyện kinh dị cho con cái mình, và những gì họ viết đều dẫn đến cái chết.
Nghe có vẻ hoang tưởng, nhưng vào năm 1968 nó đúng theo nghĩa đen. Khi chiến tranh Việt Nam là đề tài hàng ngày được bàn tán, khi Richard Nixon nói dối như cuội trên truyền hình về cuộc chiến trước kì bầu cử đang diễn ra ở Hoa Kỳ, thì việc 1 nam sinh cấp 3 đột nhiên mất tích sẽ khiến cả vùng nghĩ rằng cậu ta có thể vừa nhập ngũ vì quá khao khát giết Cộng Sản. Một câu chuyện chiến tranh thay thế cho một câu chuyện kinh dị, và ít nhất trong nhiều lý do đó là lý do có thật giải thích cho việc tại sao một cậu bé không về nhà.
Bối cảnh năm 1968 không phải là một lựa chọn vu vơ cho bộ phim trông có vẻ retro, đó là một cách để đóng khung câu chuyện trong sự hư cấu. Những thật giả về chiến tranh, sự kiện bầu cử, được đặt bên cạnh câu chuyện siêu nhiên, kì bí của vùng Pennsylvania. Ngay cả khi Stella và bạn bè quyết điều tra sự thật về quá khứ của Sarah Bellows, cái chúng nhận được tưởng như là sự thật nhưng sau đó vẫn là dối trá. Sự thật và dối trá quẩn quanh nhau, buộc thành những nút thắt xung quanh cuộc sống của con trẻ.
“Truyện kinh dị lúc nửa đêm” như cái tên của nó, không chỉ dừng lại ở một hai câu chuyện, có thể việc tiếp tục ra mắt phần 2 sẽ chỉ là chuyện một sớm một chiều. Nhưng khoan bàn đến đó, André Øvredal đã quá thành công khi xây dựng được một thương hiệu yêu thích, nhờ có anh, bộ phim không chỉ đơn thuần là tập hợp những câu chuyện đáng sợ. Phim đã viết ra nỗi sợ của mỗi người, và lý giải tại sao mọi thứ lại “scary” đến hoàn hảo.
“Truyện kinh dị lúc nửa đêm” được phát hành tại các rạp trên cả nước từ 9/8.
Trúc An (SHTT)