"Tôi sống đến giờ trong sự khó khăn. Tôi muốn bỏ chạy, chạy khỏi bản thân tôi, khỏi tất cả mọi người", Jong Hyun miêu tả cuộc sống chán chường trước khi tự kết liễu đời mình vào 18/12.
Những sân khấu Jong Hyun đứng luôn có ánh đèn chiếu sáng cùng hàng nghìn, thậm chí chục nghìn khán giả ở phía dưới hò reo tên anh. Nhưng điều đó cũng không khiến anh cảm thấy hạnh phúc.
Kang Daniel, thành viên của nhóm nhạc nổi tiếng Wanna One thừa nhận ước mơ lớn nhất của anh chỉ là "có một ngày nghỉ ngơi". Ước muốn của những ngôi sao nổi tiếng đôi khi chỉ đơn giản đến vậy.
Nhưng, ở môi trường giải trí cạnh tranh khốc liệt cuốn người nghệ sĩ theo lịch trình kín mít, thì ngay cả điều đơn giản đó cũng khó có thể thành hiện thực. Thậm chí, ở đó, họ đang chịu tổn thương nghiêm trọng về cả thể xác lẫn tâm hồn.
Vật lộn với lịch trình dày đặc
Thị trường giải trí Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ tự tử cao tiếp tục căng thẳng sau sự ra đi đột ngột của Jong Hyun, thành viên nhóm SHINee. Cái chết của anh vào 18/12 gây ra cú sốc lớn với người hâm mộ trên toàn thế giới.
SHINee được xem như nhóm nhạc đi đầu trong "làn sóng Hàn Quốc" phổ biến trên toàn thế giới trong một thập kỷ qua. Họ trở nên nổi tiếng ngay sau khi ra mắt với doanh thu lớn từ các đêm nhạc quy tụ hàng chục nghìn khán giả.
Nhưng, một thực tế đáng sợ tồn tại đằng sau sự hào nhoáng của SHINee nói riêng và những ngôi sao Kpop nói chung. Đó chính là tình trạng "bắt nạt" trên mạng internet, áp lực từ việc phải duy trì hình tượng mọi lúc, mọi nơi, bằng bất cứ giá nào và việc chạy theo lịch trình kín mít...
Nhiều ngôi sao như Jong Hyun gia nhập công ty giải trí ở độ tuổi còn rất trẻ, chủ yếu là vị thành niên. Do quá trình luyện tập khắc nghiệt, cuộc sống của họ hoàn toàn đảo lộn và đứng trước nguy cơ kiệt sức phải nhập viện.
"Trong nhiều tháng trước khi ra mắt, tôi thường thức dậy từ 4, 5h sáng. Sau đó, tôi tập luyện đến 2h ngày hôm sau", Kang Daniel nói trong một cuộc phỏng vấn phát sóng vào tháng 8. Tức, mỗi ngày, anh chỉ ngủ khoảng 2 giờ, và đó là tình trạng chung của hầu hết thực tập sinh.
Sau đó, việc ra mắt cũng không giúp ngôi sao Hàn Quốc được giảm tải lịch trình. Thậm chí, guồng quay Kpop càng khiến họ điên cuồng làm việc để kiếm tiền và giữ được chỗ đứng cho riêng mình.
Suzy chấp nhận chỉ ngủ 2 tiếng mỗi ngày để có được vị trí hiện tại. Cô được mệnh danh "Tình đầu quốc dân" với những bản hợp đồng trị giá lớn, nhưng cô nói "tôi đánh mất nụ cười, từ sau khi ra mắt, tôi chẳng có lấy một phút ngơi nghỉ, dù rất biết ơn nhưng tôi cũng mệt mỏi lắm".
Hậu quả nghiêm trọng hơn cả của hành động "bán mạng cho công việc" chính là sự kiệt quệ về sức khỏe. Chỉ trong ít tháng đầu năm nay, khoảng 10 thần tượng Hàn ngất xỉu hoặc phải tạm ngưng hoạt động, chẳng hạn Jackson (GOT7), Jihyo (Twice), Solji (EXID), Himchan (B.A.P), Yein (Lovelyz), JinE (Oh My Girl)…
Nụ cười vui vẻ nhưng gương gạo
Vì mô hình thần tượng, tức "thần thành hóa" con người, giới ca sĩ Hàn Quốc phải đối mặt với áp lực to lớn từ việc xây dựng hình tượng hoàn hảo. Những con người bình thường luôn phải "gồng mình" xây dựng hình ảnh "thiên thần" từ ngoại hình, tới cách ứng xử trước fandom – nhóm những người ngưỡng mộ một ca sĩ, nhóm nhạc, họ dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để ủng hộ thần tượng.
Đồng nghĩa, ca sĩ thần tượng được yêu cầu (từ chính công ty quản lý) phải thận trọng trong mọi hành động, lời ăn tiếng nói. Bởi, mọi bất cẩn, sai sót có thể khiến những người hôm trước còn hâm mộ nhiệt tình ngay sau đó đã quay lưng và chỉ trích trên mạng xã hội. Sự quay lưng của người hâm mộ cũng đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của một ca sĩ.
Khi Baekhyun, Taeyeon hẹn hò, cả hai phải lên tiếng xin lỗi người hâm mộ vì đã "làm tổn thương" họ. Kể cả thế, nhiều khán giả không chấp nhận nổi sự thực thần tượng của mình đang yêu thương một ai khác thay vì dành toàn bộ thời gian cho fan. Họ điên cuồng chửi bới trên mạng xã hội, và người tổn thương nhất chính là Baekhyun, Taeyeon.
T.O.P khi bị tố cáo sử dụng ma túy đã nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng do sử dụng thuốc an thần quá liều. Hành động này cho thấy sự lo lắng, sợ hãi của thành viên nhóm Big Bang khi anh làm sai và phải đối mặt với làn sóng tức giận từ công chúng.
Người nổi tiếng cũng là đề tài hấp dẫn với giới truyền thông và bởi thế không chỉ fan, các phóng viên săn ảnh cũng là đối tượng cần cảnh giác. Không ít vụ hẹn hò vốn là chuyện riêng tư của nghệ sĩ đã được báo chí công khai trong thời gian qua. Và cũng không ít cặp đôi sau một thời gian công khai đã chia tay vì không chịu nổi áp lực dư luận.
Nói về cuộc sống của giới thần tượng, nhà phê bình Kim Seong Soo nhận xét: "Những idol này như sống trong bầy cá và bị ép mang bộ mặt vui vẻ, hạnh phúc cả ngày". Ông nói thêm rằng sự căng thẳng có thể khiến ca sĩ thần tượng trở nên vô cảm.
Ông Kim Seong Soo cho rằng áp lực sức khỏe, tinh thần của người nổi tiếng đang trở nên nghiêm trọng ở Hàn Quốc, nơi có tốc độ internet phát triển nhanh, mức độ sử dụng điện thoại thông minh và áp lực xã hội cao.
Tổn thương về cả tinh thần lẫn thể xác
Cái chết của Jong Hyun gây bất ngờ, bởi anh là một ca sĩ đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Nhưng thực tế, anh không phải trường hợp đầu tiên tự tử ở Kpop. Năm 2015, Sojin, thực tập sinh của công ty DSP cũng kết thúc cuộc đời khi tuổi đời còn rất trẻ.
Kỳ nghỉ hay sự riêng tư là điều vô cùng xa xỉ với giới nghệ sĩ, đặc biệt ở thị trường giải trí được coi là một ngành công nghiệp như Hàn Quốc. Bước chân vào con đường đó, người có tiền tài, sự nổi tiếng, người kém may mắn lại chẳng được công chúng công nhận. Và dù nổi tiếng ở mức độ nào, họ cũng phải chấp nhận đánh đổi sức khỏe, thời gian cũng như cuộc sống riêng tư.
Dù vậy, việc từ bỏ nó để trở về cuộc sống bình thường không đơn giản. Bởi, quyết định trở thành người nổi tiếng được đưa ra từ khi còn là trẻ vị thành niên đã hướng họ sang một con đường khác, thay vì tiếp tục học văn hóa và theo đuổi những công việc bình thường.
Kwon Young Chan, một nhà tâm lý học điều hành trung tâm tư vấn phòng chống tự tử cho những người nổi tiếng, đã đăng bài lên trang cá nhân sau sự ra đi của Jong Hyun. Ông ví von các công ty quản lý là nơi "cướp thời gian mà những đứa trẻ đáng ra phải dành cho bạn bè và gia đình của chúng". Đồng thời người này cho rằng cần phải kiểm tra hệ thống đào tạo Kpop hiện tại.
Hơn 130.000 người hâm mộ SHINee và Kpop mới đây đã ký tên vào đơn kiến nghị được đăng bởi một fan sống ở Costa Rica. Lá đơn này yêu cầu chính phủ Hàn Quốc và các cơ quan giải trí xem xét vấn đề sức khoẻ tinh thần của nghệ sĩ một cách nghiêm túc.
JYP có lẽ là một trong những công ty chu đáo nhất về vấn đề này. Ngoài các môn học về thanh nhạc, vũ đạo, diễn xuất… công ty có giáo viên tâm lý, chuyên điều trị vấn đề tinh thần cho nghệ sĩ và các nhân viên.
"Mọi thành viên của JYP, từ thực tập sinh tới các nhân viên đều được chăm sóc về mặt tinh thần. Nó như một điều khoản nằm trong hợp đồng của chúng tôi", Chansung, thành viên nhóm 2PM khẳng định.
Thời gian qua, nhiều công ty giải trí đâm đơn kiện những cư dân mạng có bình luận khiếm nhã, gây tổn thương với thần tượng. Nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong vô vàn áp lực người nghệ sĩ phải chịu đựng, bên cạnh lịch trình bận rộn, yêu cầu duy trì ngoại hình…
Bởi thế, thần tượng được theo đuổi đam mê âm nhạc, để được nổi tiếng, có thu nhập cao, nhưng nguy cơ chịu tổn thương của họ cũng tỷ lệ thuận với danh tiếng, tiền tài họ có được.
Theo Lan Phương (Tri Thức Trực Tuyến)