Thời điểm mùa hè 2020, cả làng phim chấn động vì sự xuất hiện của một cái tên là 365 Days. Đậm mùi sắc dục, bộ phim kể về người phụ nữ bị bắt cóc, giam cầm bởi một người đàn ông giàu có, sau đó dần bị say đắm bởi anh sau mỗi lần quan hệ tình dục. Nội dung của 365 Days được đánh giá là quá sức “biến thái”, miêu tả phái nữ không khác gì những kẻ hứng tình, dễ bị thao túng bởi đàn ông.
Chưa kể, những cảnh nóng cháy giác mạc của phim cũng khiến nhiều khán giả phải hú hồn vì hở trên thiếu dưới, diễn viên uốn éo bên nhau cứ như đang làm tình thật sự. 365 Days bị coi là “rác phẩm” trên Netflix, cùng lúc đó thống trị các bảng xếp hạng và trở thành phim điện ảnh được xem nhiều nhất trong năm của hãng này. Sự thành công mặc cho bị chỉ trích của 365 Days dường như chính là động lực để Netflix tiếp tục “thả cửa” cho những tác phẩm sốc không kém, khêu gợi không kém về tình dục.
Để nói về chuỗi nội dung 18+ của Netflix trong nhiều năm qua, không khó để nhận thấy mức độ nặng nề và gây sốc của cảnh nóng cũng đi kèm với loạt kỷ lục về lượt xem và thứ hạng trending trên ứng dụng này.
Thực tế, cũng như các nền tảng phim ảnh không-truyền-thống khác như HBO, AMC hay Amazon Prime Video (so với các đài truyền hình bị giới hạn bởi kiểm duyệt và các nội dung thân thiện với gia đình), ngay từ khi ra mắt Netflix đã gây chú ý với loạt nội dung 18+ gai góc đầy thách thức và không chút e dè nào về giới hạn an toàn.
Trước 365 Days, kỷ lục gây sốc nhất về mức độ 18+ của cảnh nóng trên nền tảng Netflix hẳn là bộ phim Love. Hồi 2015, bộ phim của đạo diễn Gaspar Noé từng được coi là tác phẩm được xem nhiều nhất của Netflix vì mức độ ghê gớm của mình. Không chỉ sở hữu nhiều cảnh nóng thật 100%, tác phẩm này thậm chí còn mở đầu với hình ảnh nam chính đang được kích dục bởi nữ chính cho đến khi “lên đỉnh”, với bộ phận nhạy cảm chĩa thẳng vào camera. Độ sốc của Love nhanh chóng tạo trend trên TikTok, khi người dùng thi nhau ghi lại phản ứng của họ khi xem đoạn mở đầu của bộ phim. Love không đạt được độ phủ sóng lớn như 365 Days vì nội dung có phần hàn lâm, khó hiểu hơn.
Ngay sau thành công kỷ lục của bộ phim nhận nhiều gạch đá 365 Days, trong 2020 Netflix có thêm Dark Desire (Dục Vọng Đen Tối) và Tiny Pretty Things (Gót Hồng Mong Manh). Dark Desire là phim tiếng Tây Ban Nha đầy nhục dục chiếm vị trí đầu bảng ở nhiều quốc gia, vinh dự trở thành series tiếng nước ngoài được xem nhiều nhất của Netflix với cảnh nóng ngồn ngộn, nội dung thì ướt át. Tiny Pretty Things - cái tên tiếp theo cộp mác 18+ của Netflix không thành công về mặt chuyên môn khi hứng gạch vì quá nhiều cảnh tình dục thô thiển của nhân vật đang ngồi trên ghế nhà trường. Thậm chí, tuy lấy đề tài ballet nhưng diễn viên trong Tiny Pretty Things có lẽ phải ân ái với nhau còn nhiều hơn là nhảy múa.
Cơn lũ những bộ phim 18+ lại được tiếp tục với “bom sex” Bridgerton. May mắn thay, Bridgerton tạo được cơn sốt nhờ cả sự lôi cuốn của nội dung lẫn mức độ cảnh nóng. So với những cái tên trước đó thì cảnh nóng của Bridgerton cũng chỉ là “trò mẫu giáo”, nhưng vẫn đủ đột phá với một series tình cảm ngọt ngào lấy bối cảnh cổ trang. Độ nóng của Bridgerton đủ để khiến cảm giác hồi hộp của tình dục làm khán giả thấy “nóng trong người”, nhưng cũng không quá đà tới mức độ lăn lê, rên rỉ đầy ám ảnh và phản cảm. Nội dung của Bridgerton được xử lý khéo léo để không chỉ xoay quanh những “hỉ nộ ú ớ” của tình yêu, khiến khán giả cuốn vào câu chuyện được tô điểm bởi sự sexy của tình dục. Kết quả là Bridgerton trở thành series được xem nhiều nhất của Netflix với 82 triệu lượt xem trong tháng đầu tiên, vượt mặt nhiều bom tấn và đứng đầu ở tận 76 quốc gia khác.
Nửa đầu 2021, Netflix cho ra mắt 2 cái tên đậm tình dục là Elite 4 (Ưu Tú) và Sex/Life (Tình Dục/Đời Sống). Elite vốn dĩ là một series học đường đình đám của Netflix, khai thác những mảng tối trong cuộc sống của giới trẻ giàu có, thượng lưu. Có khởi đầu vô cùng vững chãi với 2 mùa đầu tiên nóng bỏng, Elite ngày càng loay hoay trong hướng phát triển nội dung của mình từ mùa 3, và sự bế tắc nội dung trong mùa 4 đã đẩy phim tăng cảnh nóng và chủ đề tình dục lên đến hết cỡ. Các nhân vật chủ chốt đã ra đi gần hết, Elite mùa thứ 4 bắt dàn diễn viên mới - cũ lột đồ liên tục, “bơm” vào nội dung chuyện tiểu thư nhà giàu đi bán dâm, hay cặp đôi đồng tính thèm thuồng cảm giác “chơi ba”, quan hệ mở… Sở hữu hàng loạt cảnh nóng gây sốc vượt qua những mùa trước, nhưng Elite 4 đồng thời chạm đáy của sự nhạt nhẽo nếu so với những phần đầu.
Sau Elite, Netflix chạm đến đỉnh cao của sự “khiêu dâm hóa” với Sex/Life. Bộ phim 18+ này bị trang Refinery29 gọi là sự “hứng tình đỉnh điểm của Netflix trong mùa dịch”, còn tờ Time thì nhận xét Sex/Life “dở đến mức buồn cười”, điểm trên Rotten Tomatoes vỏn vẹn 20%. Phim kể về một người phụ nữ chán chồng do chuyện giường chiếu không được như ý, ngày đêm hồi tưởng về người yêu cũ “bad boy” để rồi cái kết thèm khát ngoại tình làm người xem phải sốc óc.
Cảnh nóng của Sex/Life gây phản cảm ngay từ giây đầu tiên cho tới phút cuối cùng, bao gồm đủ trò như làm tình trong xe hơi, ở chốn đông người, nơi công cộng, bể bơi nhà… người khác. Bộ ngực trần của nữ chính bị đem đi “trưng bày” với nhạc nền là tiếng rên méo mó của người đàn bà mê trai, và thậm chí một cảnh phim để nam chính lõa thể 100%, zoom thẳng vào “của quý” còn khiến khán giả phải bật ngửa và ngơ ngác. Sex/Life ngang ngửa 365 Days ở mức độ khiêu dâm, nhưng về chất lượng thì cả 2 phim đều nên dắt tay nhau đi vào nấm mồ của sự sáng tạo. Mặc dù ít nhất thì 365 Days còn tự nhận thức nó là một bộ phim khêu gợi, còn Sex/Life thì vẫn đang tự huyễn mình là một series nữ quyền trong khi nữ chính thì như nô lệ cho tình dục.
“Đây là một bộ phim tồi tệ, xem giải khuây cũng buồn cười. Trong suốt 8 tập phim, cả nữ chính lẫn tất cả các nhân vật khác không mảy may tiến hay lùi về tâm lý, tất cả đều mắc kẹt trong tình dục vô nghĩa quẩn quanh của một địa ngục kịch bản nghèo nàn, dễ dãi” - một nhà phê bình nhận xét về Sex/Life.
Hứng chịu gạch đá đến vậy, Sex/Life vẫn mang đến một loạt kỷ lục về lượng xem trên toàn thế giới. Dường như nội dung không quan trọng, bộ phim vẫn thành công bất chấp chất lượng tệ hại khi sở hữu những tiếng rên la đủ làm bạn giật mình và cảnh khoe bộ phận nhạy cảm khiến cả thế giới bàn tán.
Love hay 365 Days thực chất cũng chỉ là phim được đơn vị khác sản xuất, Netflix mua lại bản quyền phát hành. Tuy nhiên Dark Desire hay Tiny Pretty Things, Bridgerton hoặc Sex/Life đều là những lựa chọn rất có chủ đích để tăng cường kho tàng phim “người lớn” bất chấp nội dung hay - dở. Không chỉ dừng lại ở phim ảnh mà những TV Show như Too Hot to Handle cũng đẩy mạnh yếu tố tình dục, miêu tả các nhân vật như những kẻ không thể “khép chân lại” trong 1 tuần lễ.
Người ta thường nói cái gì càng cấm kị, càng nhạy cảm thì lại càng thu hút sự chú ý. Khán giả thường phải trầm trồ, bị lôi cuốn bởi những chi tiết gây sốc: không phải bạo lực thì là chủ đề tệ nạn, tình dục quá đà… Cũng chẳng có vấn đề gì nếu những cảnh phim này - đặc biệt là cảnh nóng về tình dục - có thể góp phần khiến chất lượng của phim tốt hơn (điều mà những cái tên như Bridgerton hay Sex Education đã làm rất tốt). Vấn đề chỉ nảy sinh khi “xôi thịt” bắt đầu lấn át nội dung hay ý nghĩa của tác phẩm, và khán giả sau khi thưởng thức một bộ phim thì lấn cấn: “Ủa mình vừa xem phim hả? Phim này nói về cái gì nhỉ?”.
Thực tế, mức độ sốc của cảnh 18+ với Netflix là chẳng hề mới. Netflix từ lâu vẫn luôn ra đời những nội dung gây sốc và thách thức các chuẩn mực kiểm duyệt. Cảnh nóng của Netflix cũng chỉ ngang tầm Game of Thrones (Trò Chơi Vương Quyền), hay cảnh full không che toàn bộ đằng trước thì HBO thậm chí đã gây bàn tán với Euphoria (Lâng Lâng) từ tận năm ngoái. HBO, hay thậm chí cả Netflix trước đây có thể gây tranh cãi vì những cảnh nóng quá táo bạo, nhưng chưa bao giờ tạo cảm giác của một bộ phim khiêu dâm rẻ tiền, nơi giá trị nội dung duy nhất là những cảnh nóng.
Lấy ví dụ như Euphoria gây tranh cãi với loạt cảnh rõ mồn một chỗ nhạy cảm nam giới từ lâu trước khi Sex/Life gây bàn tán. "Euphoria dày đặc cảnh nóng, và là một tác phẩm không dễ để xem, thậm chí có thể gây khó chịu. Bộ phim rất nỗ lực để thành thật và trần trụi nhất có thể, miêu tả thế giới hỗn độn, đen tối của thế hệ tuổi teen ngày nay bằng một sự sắc sảo và quyết liệt hiếm thấy" - một nhà phê bình nhận xét. Cho dù đả động tới daddy issue (ham muốn tình dục với người đàn ông lớn tuổi) hay BDSM, sugar baby thì bộ phim không miêu tả tình dục ở giới trẻ như một thứ gì đó hào nhoáng và đáng để cổ xúy, thay vào đó tạc ra rõ nét những bức chân dung của một tuổi trẻ lạc lối trong thời hiện đại.
Sẽ là một trời một vực để so sánh loạt tác phẩm gây sốc 18+ của các đối thủ với Sex/Life của Netflix. Một bộ phim chỉ mượn tình dục gây sốc để đắp vào một cốt truyện không có gì, những nhân vật không có gì để làm khán giả nán lại xem. Và điều đáng buồn nhất là thậm chí những tác phẩm gây sốc khác Netflix cũng từng thú vị hơn thế này.
Sự thành công kỷ lục của Sex/Life cũng làm người ta giật mình không nhớ nổi lần cuối Netflix có một nội dung gai góc đáng được khen ngợi là khi nào? Sex Education đã làm đến mùa 3, Elite phần 5 sẵn sàng trong khi 365 Days phần 2 thì chuẩn bị ra mắt.
Việc Netflix mạnh tay thúc đẩy mảng phim 18+ “ăn nên làm ra” là một quyết định hợp lý nếu nhìn theo hướng tối đa lợi nhuận. Đây là thể loại có chi phí sản xuất thấp hơn hẳn những tác phẩm đầu tư bối cảnh nội dung đa thể loại. Tuy nhiên, cũng khó mà không đặt ra câu hỏi: Định hướng dài lâu của Netflix là gì, khi những “nội dung rác” với mục đích khiêu dâm như vậy liên tục được làm ra?
Cảnh nóng không sai, nhưng những cảnh nóng nửa vời, vô nghĩa thì đã có cả một “thể loại riêng” chứ không cần Netflix hay các nhà làm phim “chính chuyên” phải nhúng tay vào làm. Những thành công của Sex/Life cũng chỉ là nhất thời - giống như khán giả đã không còn mặn mà với Elite khi đi đến mùa thứ 4 mà chỉ thấy tình dục chứ không còn thấy được nội dung. Nếu chạy theo những kỷ lục và loạt nội dung 18+ vô nghĩa, Netflix sẽ chẳng khác gì một ứng dụng “khiêu dâm” dễ dãi đội lốt “nghệ thuật giải trí”, trong khi rõ ràng họ có thể, và đã từng làm tốt hơn.
Theo HieuThuBa (Pháp Luật và Bạn Đọc)