NSƯT Chí Trung – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - Táo Giao thông của "Táo quân- Gặp nhau cuối năm" đã có cuộc trò chuyện với phóng viên trong những ngày cuối cùng của năm Kỷ hợi.
- Phóng viên: Kế hoạch đón xuân năm nay của NSƯT Chí Trung có gì đặc biệt, thưa anh ?
+ NSƯT Chí Trung: Vẫn buồn như mọi năm. Càng già tôi càng thấy thật sự tết không còn phong vị như ngày xưa. Cá nhân tôi tết không còn tiếng pháo, không còn những hạt mưa rơi lắc rắc, không còn những khát vọng tuổi trẻ, khát vọng tình yêu, khát vọng kiếm tìm. Bây giờ nó là sự no đủ, nhìn cái bánh chưng ăn được một miếng thì bỏ lại chín phần. Thực ra đó là tâm trạng rất bình thường, vì cuộc sống đã sung túc đủ đầy rồi.
- Vậy tức là Chí Trung tết này đã không còn nghĩ đến riêng tư, chỉ tập trung cho công việc ở Nhà hát Tuổi trẻ, nơi anh đang làm quản lý?
+ Riêng tư của tôi là đoạn cuối. Tôi cứ tồn tại, chờ khi nào gục xuống là hết thôi.
Thực ra tôi hiểu ý bạn muốn nói. Và tôi khẳng định rằng tất cả mọi việc tôi đều kiểm soát được, kể cả việc có những người thông cảm, người chia sẻ, nhưng cũng có những người trách vì quá yêu. Tôi đều hiểu hết vì họ không có thông tin.
Nếu không có gì thay đổi thì tháng ba tôi sẽ có những thông tin cần thiết dành cho tất cả mọi người, như thế để hiểu tôi hơn. Chí Trung luôn là một người sống đàng hoàng, có thể không phải là một vị thánh nhưng tôi không xấu hơn những người chồng, những người cha của các bạn. Tôi cũng không tốt hơn. Tôi bình thường và mọi thứ với tôi diễn ra tự nhiên chứ không phải là cái gì khiên cưỡng.
- Tôi có chút tò mò tại sao lại là tháng ba?
+ Nó là dịp dành cho chị em phụ nữ những món quà.
- Và chuyện riêng tư không ảnh hưởng đến công việc của anh chứ?
+ Tôi biết, với độc giả, họ không quan tâm đến chuyện vinh danh, thành tựu của một nhà hát mà cứ phải là ngoại tình, tan vỡ thì mới gây chú ý. Hôm nay, tôi biết rất nhiều người muốn hỏi chuyện của cá nhân tôi nhưng xin miễn bình luận.
- Từ khi anh đảm nhận vai trò Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, điều dễ nhận thấy là nhà hát đã có nhiều đổi thay. Nhưng dường như anh vẫn còn nhiều trăn trở?
+ Cái tôi trăn trở là chưa thể thay đổi khát vọng đổi mới trong các diễn viên nhà hát. Tôi luôn quan niệm con người là quan trọng nhất. Từ khi tôi lên phụ trách nhà hát Tuổi trẻ, tôi đã tập trung vào con người, nhưng chưa thể được như mong muốn.
170 nghệ sĩ, cán bộ nhân viên của Nhà hát chúng tôi có cuộc sống khó khăn với đồng lương ít ỏi. Có lần tôi đi vào nhà hàng, thấy diễn viên của mình đang làm công việc phục vụ. Tôi rơi nước mắt. Các bạn có thể tin được không, có những diễn viên tại Nhà hát Tuổi trẻ lương ngay ở thời điểm này chỉ là 1,9 triệu đồng/tháng. Còn của tôi cao nhất cũng chỉ là 9,2 triệu đồng/tháng
Tết Canh Tý 2020 là lần đầu tiên sau 42 năm, Nhà hát Tuổi trẻ tăng thưởng Tết cho nhân viên, người thấp nhất nhận 1 triệu đồng và cao nhất là 7 triệu đồng. Ngoài ra, ban giám đốc lập hội đồng bỏ phiếu chọn 10 người xuất sắc ở tất cả vị trí, trao thưởng 10 triệu đồng để khích lệ. Khoản tiền thưởng nhỏ nhưng là nỗ lực lớn của nhà hát.
- Rõ ràng để sống tốt với các nhà hát không phải là chuyện dễ dàng…?
+ Và chúng tôi đang nỗ lực thay đổi để hút khán giả bằng nâng cao chất lượng kịch bản. Có thể theo cách mời đạo diễn nước ngoài tới dàn dựng những vở kịch kinh điển theo hướng mới hơn. Vở "Luận Kiều" do Amelie Niermeyer (người Đức) đạo diễn nằm trong dự án "Nàng Kiều" kết hợp Viện Goethe, đã thu hút lượng lớn khán giả tại các đêm diễn ở Hà Nội và TP HCM. Vở "Romeo và Juliet" qua bàn tay của đạo diễn người Áo Beverly Blankenship mang một màu sắc khác biệt. Tác phẩm "Cậu Vanya" đoạt giải Vàng tại Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm quốc tế 2019, rất được yêu mến khi công diễn tại Nhật Bản. Sắp tới, nhà hát hợp tác phái đoàn Wallonie - Bruxelles dàn dựng vở diễn múa rối phục vụ khán giả nhỏ tuổi.
Chúng tôi cũng ứng dụng hệ thống trình chiếu phụ đề cho các vở diễn nhằm thu hút khán giả nước ngoài. Tổ chức thêm suất diễn vào 15 giờ chiều chủ nhật để phục vụ khán giả không có thời gian đi xem kịch vào buổi tối, đặc biệt là người lớn tuổi. Hy vọng những thay đổi về nội dung và chất lượng giúp nhà hát có thể sống khỏe trên đôi chân của mình.
- Vậy hẳn là khi khán giả đã ngấy bánh chưng, giò thịt, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ dành tặng họ những món ăn tinh thần đặc biệt ngày đầu năm mới?
+ Từ ngày 1-2 (tức mùng tám Tết), chúng tôi ra mắt chương trình hài - ca nhạc "Chào 2020 - Lời chúc đầu xuân" mang đậm màu sắc cổ truyền, vui tươi. Chương trình gồm ba tiểu phẩm "Nhà hoang", "Quan lớn chia lợn", "Hiệp hội những người khôn" do Đinh Tiến Dũng biên soạn với sự tham gia của dàn nghệ sĩ Vân Dung, Thanh Tú, Bá Anh, Thanh Dương, Đức Khuê, Thu Quỳnh...
Vì nội dung nhẹ nhàng nên cách diễn của diễn viên cũng được tiết chế, không sa đà, quá lố để cố chọc cười khán giả. Với thông điệp, khi quan tham thì dân sẽ gian, dù nội dung chỉ đề cập ở một góc nhỏ hẹp của nhưng vẫn hàm chứa thông điệp thời sự, khi mà các vụ trọng án về tham nhũng vẫn đang gây bức xúc trong xã hội.
Theo Yến Anh (nld.com.vn)