Với năng lượng hiện tại, Tấn Minh cho biết mỗi năm anh có thể làm hai đêm nhạc, mỗi tháng có thể thu xong một album. Nhưng số lượng chưa bao giờ là tiêu chí nam NSƯT hướng đến.
NSƯT Tấn Minh được đánh giá là một trong những giọng ca nhạc nhẹ xuất sắc của hai thập kỷ trở lại đây. Ảnh: NVCC. |
'Không hát thì thôi, đã hát là phải có văn hóa'
- Làng nhạc Việt không ít lần nổ ra những tranh cãi về chuyện danh xưng, vậy mà Tuấn Ngọc, Trọng Tấn, Tùng Dương và anh lại cùng góp mặt trong một đêm nhạc lấy tên “Danh ca Việt Nam”. Không ít người bảo rằng “thiếu gì một cái tên”?
- Sau những năm tháng làm nghề, tôi nghiệm ra rằng sự yêu mến của khán giả mới là của cải của nghệ sĩ. Còn danh xưng có hay không có, không quan trọng. Nhân vật hề trong nghệ thuật chèo thường nói “Ta ra đây phải xưng danh không nhỉ”, chứ còn nghệ sĩ chúng tôi mặt mũi thế nào, tài năng ra sao thì công chúng đã biết.
“Danh ca Việt Nam” không phải là một cái bảng ghi tên bốn ông, mà đó là một format xuyên suốt nhằm tôn vinh những giọng ca đã có những trải nghiệm qua năm tháng trong đời sống âm nhạc. Sau Tuấn Ngọc, Trọng Tấn, Tùng Dương, Tấn Minh có thể là đêm của Bằng Kiều, Quang Dũng hoặc Thanh Lam, Mỹ Linh. Thế nên, xin mọi người đừng hiểu sai.
- Vừa là một trong bốn gương mặt của đêm nhạc, vừa là người đứng ra biên tập cho toàn bộ chương trình. Công chúng cũng có thể nghi ngờ chứ nhỉ, kiểu như Tấn Minh sẽ “thiên vị”, chọn cho mình những bài “ngon” hơn, ai cấm được?
- Thiên vị ư? Đây không phải là chương trình đầu tiên tôi làm biên tập âm nhạc. Thú thật, tôi luôn là người chọn bài cuối cùng và là người lúng túng nhất vì bao nhiêu tinh hoa, cái hay đã dành cho mọi người. Cái này tôi không nói suông, mọi người có thể kiểm chứng được.
Tôi biết công việc mình làm nên không bao giờ giấu giếm những cái hay ho để dành cho mình. Bài này phối thế này mới chết này, bài kia phối thế kia mới hay? Đấy, nhưng suy nghĩ kiểu ấy tôi lại hay làm cho người khác trước chứ không phải bản thân.
- Anh sẽ đặt để ca sĩ, sắp xếp nội dung như thế nào khi bốn người là bốn màu sắc âm nhạc khác nhau, huống hồ lại có Tuấn Ngọc – một danh ca hơn các anh đến cả mấy chục năm làm nghề?
- Mạch âm nhạc thì sẽ xuyên suốt. Ai hát trước ai hát sau, chúng tôi cũng đã sắp xếp nhưng thấy dễ đoán quá nên đang phải ngồi cùng ê-kíp để tính toán lại. Luôn có nhiều phương án để chọn một. Bốn người là bốn kiểu nhưng vẫn sẽ có điểm chung.
Mỗi ca sĩ đều có một tầm nhận thức về âm nhạc nhất định nên sẽ không có chuyện “mổ trâu, mổ bò” trên sân khấu. Chúng tôi đủ sự từng trải để hòa quyện vào nhau, chứ không phải mạnh ai người ấy làm.
Tôi vẫn bảo với mọi người rằng ý thức hát nhóm của các ca sĩ ở Việt Nam rất yếu. Thế nên, hát với nhau thế nào cũng phải khai thác triệt để, có thế người nghe mới không chê cười. Hát với nhau sao cho có văn hóa và thực sự là kết hợp. Không hát thì thôi chứ hát thì phải hòa quyện, nhuần nguyễn. Một người không thành công chương trình cũng sẽ thất bại.
Tấn Minh được yêu thích với những bài hát như Những mùa đông yêu dấu, Bức thư tình, Mơ về nơi xa lắm, Mối tình đầu,... Ảnh: Việt Hùng. |
'Trong âm nhạc, tôi không bao giờ nóng ruột'
- Thường xuyên góp mặt trong những đêm nhạc, nhưng chắc anh cũng biết, công chúng luôn quan trọng sản phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ. Không ít người thắc mắc, tại sao mãi không thấy anh ra đĩa mới hay có live show riêng?
- Tôi không thích nói khi sản phẩm đang trong quá trình thực hiện. Sức của tôi một năm có thể làm được 2 live show nhưng tôi không lấy số lượng làm tiêu chí. Quan trọng, mỗi lần mình làm phải có thông điệp gì, đầu tư ra sao. Album cũng vậy, một tháng tôi có thể thu được một chiếc, nhưng để làm gì?
Trong âm nhạc, tôi không bao giờ nóng ruột. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng mình chưa dừng một giây phút nào cho sự đau đáu và tìm tòi, sáng tạo. Tôi tin rằng những album mình đã làm đều tử tế, đầu tư kỹ lưỡng về âm nhạc. Mỗi lần ra album, khán giả riêng của tôi sẽ hài lòng và cảm nhận được tâm sức và máu đổ ra. Thế là vui rồi.
- Giữa showbiz xô bồ, những gương mặt mới mọc lên như “nấm sau mưa”, vậy mà anh vẫn không vội vàng và chẳng bao giờ sốt ruột. Có khó quá không anh?
- Tôi không thuộc về thế giới xô bồ ấy. Trong thế giới ấy, họ rất cập nhật, tôi hiểu họ làm điều đó vì mục đích gì. Tôi còn khuyên những bạn trẻ nên làm như thế nhưng lại không bao giờ làm cho mình vì tính cách mỗi người mỗi khác. Tôi không thích hấp tấp, hơn kém.
Con đường tôi chọn khác họ, đường họ đi, họ cứ đi, đường mình đi, mình phải đi. Không bao giờ hối hận con đường mà mình đã chọn. Tôi không bao giờ làm những thứ mà mình không thích. Làm cũng không vì tiền nhưng tiền luôn đến rất tự nhiên.
Còn cuộc sống biết thế nào là đủ, một cái nhà, lại cần hai cái. Ở cái nhà 40 m2, lại muốn cái lớn hơn, đến trăm mét, đến nghìn mét. Quan trọng là phải biết hài hòa cuộc sống của mình.
- Không bon chen, không quá tham vọng, vậy mà Tấn Minh đang có những điều mà không phải ai cũng đạt được: Một vị trí trong làng nhạc, người đứng đầu của một nhà hát, một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Anh có bí quyết gì chăng?
- Ai cũng vậy, sẽ chẳng thể có được những thứ ấy nếu không hết tâm. Tôi tự thấy mình là người đắm đuối và quyết liệt đến cùng. Tôi chưa bao giờ đầu hàng bất cứ thứ gì trong sáng tạo nghệ thuật. Có thể chính sự tâm huyết đó đã làm những người xung quanh cảm động.
Tấn Minh hiện là Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Ảnh: Việt Hùng. |
'Vẫn run rẩy xúc động, vẫn hồi hộp lo âu'
- Tấn Minh của ngày hôm nay khác gì so với ngày đầu đi hát và ngày đầu được tung hô trên sân khấu ca nhạc?
- Đã thay đổi rất nhiều, già dặn hơn, trải nghiệm nhiều hơn, thậm chí bây giờ còn hát hay hơn ngày xưa. Nhưng có cái không bao giờ thay đổi đó là tâm hồn trong sáng. Sự đắm đuối, đến bây giờ, tôi vẫn giữ được. Giờ này, tôi vẫn run rẩy, xúc động trước những ca khúc hay. Trước những chương trình quan trọng, vẫn hồi hộp, lo ấu.
Tôi sợ nhất là mất cảm xúc, thành một máy hát. Ngày nào mà không còn cảm xúc là tôi sẽ dừng ca hát luôn. Nhưng tôi hy vọng ngày đó sẽ lâu đến vì giờ tôi vẫn còn say lắm.
- Giám đốc của một nhà hát, chuyện giấy tờ, sổ sách là không thể tránh. Những công việc hành chính như vậy cũng rất dễ ảnh hưởng đến cảm xúc và quỹ thời gian của người nghệ sĩ. Anh thư giãn và… bay bổng vào lúc nào?
- Đó là những ngày cuối tuần, tôi được thư thái thực sự cùng gia đình. Còn đúng là làm giám đốc thì quỹ thời gian cũng thu hẹp lại. Trước đây có thời gian để tập luyện, còn bây giờ tôi phải tập luyện về đêm. 3-4 giờ sáng, tôi vẫn tập nhạc, sáng hôm sau lại đến cơ quan. Có hơi vất vả nhưng tôi không thấy mệt vì cũng chỉ khi có đêm nhạc mình mới phải tập như thế.
Nói chung, tôi có nhiều cách giữ nghề để không bị tụt hậu. Ngày xưa ngồi rảnh nghe nhạc, luyện thanh ở nhà, giờ không có thời gian thì nghe nhạc và luyện thanh trên ô tô, quãng đường nửa tiếng thôi cũng phải tranh thủ. Trước kia, tuần nào cũng phải ra cửa hàng đĩa, giờ một tháng ra một lần nhưng mỗi lần mua tới 5-7 đĩa.
- Cả hai vợ chồng anh đều là lãnh đạo nhà hát. Anh là giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long trong khi vợ anh là phó giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội. Khi về nhà, ai là lãnh đạo?
- Ở nhà, cả hai vợ chồng cùng làm lãnh đạo nhưng cũng lại không ai làm lãnh đạo. Chúng tôi cùng chăm con, vun vén gia đình. Tất nhiên, bà xã luôn lo toan nhiều hơn vì có nhiều thời gian hơn. Nhưng khi nào có vở hay, tôi lại lo tất để vợ toàn tâm toàn ý cho vở diễn. Chúng tôi đều không đặt nặng vấn đề kinh tế, cả hai vợ chồng đều ủng hộ nhau làm nghề.
Theo Quang Đức (Tri Thức Trực Tuyến)