Một số chương trình truyền hình có nội dung gây mất niềm tin trong khán giả. |
Cách xử lý của VTV trong vụ việc này được cho là dứt khoát và khôn khéo, tránh cho sự việc lan rộng.
Nhiều người tiếc cho một chương trình giàu tính nhân văn phải tạm dừng, tiếc cho một êkíp tài năng, nhiệt huyết của VTV bị kỷ luật. Nhưng điều đáng tiếc nhất chính là niềm tin từ nhiều phía sau vụ việc này đã có phần sụt giảm. Không quá lời, đó là cuộc khủng hoảng về niềm tin.
Xin lỗi: Khó hay dễ?
Khi VTV dành thời lượng nhất định, đúng vào chiều thứ bảy để phát đi lời xin lỗi tới gia đình các nhân vật trong câu chuyện, xin lỗi khán giả thì không ít người chợt nhớ rằng, cách đây khoảng 8 năm, VTV cũng đã dành hẳn một thời lượng lớn để êkíp bộ phim “Nhật ký Vàng Anh” trần tình và nói lời xin lỗi khi diễn viên chính để lộ clip nhạy cảm. “Nhật ký Vàng Anh” ngay sau đó ngừng phát sóng, nói như NSND Khải Hưng thời điểm ấy là: "Quyết định ngừng sản xuất và phát sóng không phải của chúng tôi mà của lãnh đạo Đài Truyền hình VN. Nhưng chúng tôi tự biết phải dừng lại, không phải vì áp lực của báo chí, mà vì trách nhiệm với khán giả của chúng tôi”.
Thật ra, buổi chia tay đầy nước mắt của “Nhật ký Vàng Anh” lại không quá lay động khán giả, bởi nó có độ diễn và hình như hơi thiếu sự chân thật cần thiết của một lời xin lỗi. Thậm chí, buổi phát sóng chia tay Vàng Anh trở thành một trong những buổi phát sóng gây phản cảm nhất trên sóng truyền hình trong nhiều năm.
Nhiều khán giả yêu VTV cũng có cảm giác rằng, “Điều ước thứ 7” có gì đó giống với câu chuyện “Đời cô Lượm” trong chương trình "Người xây tổ ấm" phát sóng năm 2011. Giống nhau ở chỗ êkíp thực hiện chương trình đã không xác minh thật rõ thân phận của nhân vật trước khi phát sóng. Khi vụ việc vỡ lở, BTV của chương trình "Người xây tổ ấm" đã lên sóng trần tình vụ việc “cô Lượm” nhưng chỉ nói là “lấy làm tiếc” vì “chỉ là tai nạn nghề nghiệp” chứ không có lời xin lỗi cho đến gần 3 tuần sau, cùng quyết định xử phạt 18 triệu đồng vì “thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng”, êkíp “Người xây tổ ấm” mới có lời xin lỗi chính thức.
Hoạt động báo chí đôi lúc cũng xảy ra những sai sót đáng tiếc. Nhưng cách xử lý khủng hoảng truyền thông sau sai sót đó như thế nào? Không thể không kể đến vụ “Công Phượng gian lận tuổi” của chương trình "Chuyển động 24h". Kết thúc “câu chuyện của Phượng” trên truyền hình là một án phạt 15 triệu đồng từ Thanh tra Bộ TTTT. Thế nhưng người ta cũng không thấy bất kỳ lời xin lỗi nào từ “Chuyển động 24h” với cá nhân Công Phượng và với người xem truyền hình. Thậm chí có người cho rằng án phạt 15 triệu đồng ấy là quá “bèo” bởi mục đích mà "Chuyển động 24h" cố gắng đạt được là nhằm tăng rating cho chương trình. Riêng mặt này thì họ thành công, khi mà ngay từ đầu, "Chuyển động 24h" đã cho thấy động cơ thiếu khách quan và thiện chí thì việc có “xin lỗi” đi chăng nữa cũng chỉ là bị “ép”.
Vậy thì, lời xin lỗi của êkíp “Điều ước thứ 7” đứng ở đâu trong những trường hợp trên? Nếu soi vào thái độ rất chân thành của êkíp chương trình như Lại Bắc Hải Đăng, Diệp Chi trên mạng xã hội cũng như cách giải quyết sự vụ thì có thể hy vọng rằng họ không “diễn” (như "Nhật ký Vàng Anh"), không “bị phải xin lỗi” (như “Đời cô Lượm") và không “chấp nhận tất cả để tăng rating cho chương trình” (như vụ Công Phượng gian lận tuổi).
Vì thế, lời xin lỗi của “Điều ước thứ 7” đã dễ được chấp nhận.
Xử lý khủng hoảng niềm tin thế nào?
“Lời xin lỗi nói ra không mong nhận được sự bao dung, tha thứ. Với rất nhiều những tình cảm yêu thương và sự ủng hộ mà quý vị đã dành cho chương trình trong gần 1 năm vừa qua thì ngay lúc này, chúng tôi thấy rằng mình cần có một lời xin lỗi thật chân thành và sâu sắc tới quý vị khán giả, tới các nghệ sĩ, tới êkíp sản xuất chương trình Sao Mai điểm hẹn 2014, thành viên BGK và những người đã hỗ trợ hết mình… Rất mong khán giả sẽ không bao giờ đánh mất niềm tin vào lòng tốt của con người, tin vào những giá trị nhân văn của cuộc sống. Tận đáy lòng chúng tôi mong muốn quý vị khán giả tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trên hành trình tìm kiếm và chia sẻ ước mơ” - đó là một đoạn trong lời xin lỗi mà BTV Diệp Chi đã thay mặt êkíp chương trình nhắn gửi đến khán giả.
Điều khó khăn là làm sao thuyết phục được “khán giả sẽ không bao giờ đánh mất niềm tin vào lòng tốt của con người, tin vào những giá trị nhân văn của cuộc sống”.
Và sẽ càng khó khăn khi chính lúc này, bản thân những người làm chương trình cũng phải tự gây dựng lòng tin của chính mình. Nói như đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng: “Sự việc khiến chúng tôi cũng buồn rất nhiều là từ giờ mình không được phép tin nhân vật mà mình yêu quý nữa".
Đó là câu nói đau xót không chỉ với êkíp làm chương trình, mà còn cả với những người làm báo nói chung, những người tìm kiếm sự thật, tìm kiếm những điều tử tế, những điều tốt đẹp bằng niềm tin tuyệt đối của mình vào cuộc sống.
Người làm chương trình không còn tin vào nhân vật, người xem không còn tin vào những chương trình truyền hình… Vậy thì chúng ta còn lại gì?
Quyết định của Tổng Giám đốc VTV “tạm dừng phát sóng chương trình Điều ước thứ 7 mới chỉ là những quyết định ban đầu. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) cũng đã yêu cầu VTV giải trình về việc phát “vợ chồng hát rong” trong chương trình "Điều ước thứ 7". Theo đó, cơ quan chức năng sẽ có hướng xử lý vụ việc này.
PGS - TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương:Hệ lụy lớn nhất là có thể đánh mất niềm tin nơi công chúng “Cá nhân tôi cho rằng sự cố vừa qua của “Điều ước thứ 7” có thể coi như một tai nạn nghề nghiệp của những người thực hiện. Và đã là “tai nạn nghề nghiệp” thì bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể gặp phải khi bất cẩn. Có điều, riêng trong lĩnh vực truyền thông, mà nhất là truyền hình, đặc biệt lại còn là sóng truyền hình quốc gia thì sự lan tỏa lại càng nhanh. Nên nhớ, cái tốt lan tỏa nhanh thế nào thì cái xấu cũng lan tỏa nhanh không kém, nếu không muốn nói là còn nhanh hơn, và gây ra những hệ lụy đáng ngại. Trong đó, đáng kể nhất là hệ lụy: Đánh mất niềm tin nơi công chúng, điều mà lẽ ra truyền thông cần đánh thức, nhất là một chương trình đáng xem như “Điều ước thứ 7”. Dĩ nhiên, tôi hiểu, trong nghề này, khó ai mà “nắm tay được tối ngày”. Hạnh phúc nhất của những người làm nghề là gặp được những đề tài hay, những câu chuyện giàu tính biểu tượng và những nhân vật có khả năng truyền cảm hứng. Thế nhưng, một mặt, nghề cũng đòi hỏi các bạn cần có một sự tỉnh táo, nhạy cảm nhất định để có ý thức hơn trong việc dấn thân, đào sâu, lật đi lật lại vấn đề từ nhiều góc nhìn, phương pháp chọn lọc, xử lý tư liệu…. Từ đó, đưa ra thông tin chính xác nhất. Chính xác là trước nhất và trên hết, rồi sau đó mới đến nhanh nhạy, hấp dẫn, hiệu quả. Thôi thì chuyện dù sao thì cũng đã xảy ra rồi. Chỉ tiếc, những khán giả từng rơi nước mắt cho câu chuyện tình cổ tích kia giờ lại phải “khóc” vì sụp đổ niềm tin. Khi một biểu tượng của niềm tin sụp đổ, lại là một biểu tượng được xây nên bằng hiệu ứng mạnh mẽ của truyền hình, thì dễ chừng, những mảnh vỡ của nó sẽ văng rất xa, nên nhiều khán giả chắc hẳn cũng khó mà ngay lập tức tha thứ được cho sai phạm của những người làm chương trình. Cá nhân tôi, sau những lời xin lỗi chân thành của êkíp thực hiện chương trình “Điều ước thứ 7” cùng cách xử lý vụ việc kịp thời, cứng rắn của VTV, phần nào đó tôi cũng có thể thông cảm được tai nạn nghề nghiệp mà nhà đài vừa gặp phải. Chỉ mong, lời xin lỗi không chỉ để nhằm làm dịu lòng dư luận, mà là xuất phát từ sự thành tâm, như chính tâm huyết ban đầu đã giúp họ dày công làm nên một chương trình giàu ý nghĩa giáo dục, nhân văn như “Điều ước thứ 7”… THIÊN AN (ghi) |