"Tấm Cám: Chuyện chưa kể": Nàng Tấm và mẹ con Cám, ai ác hơn ai?

23/08/2016 09:56:00

Nếu bạn là những khán giả hâm mộ nàng Tấm ngoan hiền trong truyện cổ tích chắc sẽ phải suy nghĩ lại khi xem 'Tấm Cám: Chuyện chưa kể'.

Nếu bạn là những khán giả hâm mộ nàng Tấm ngoan hiền trong truyện cổ tích chắc sẽ phải suy nghĩ lại khi xem 'Tấm Cám: Chuyện chưa kể'.

Trong những tác phẩm điện ảnh Việt Nam ra mắt khán giả từ đầu năm đến nay, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” là bộ phim được chờ đón nhất và cũng là bộ phim ồn ào nhất. Bỏ qua những thị phi ngoài lề, chỉ bàn tới các tuyến nhân vật và kịch bản phim so với truyện cổ tích “Tấm Cám” đã nằm lòng trong tâm trí người Việt thì có một cuộc “đảo chính” bất thường giữa hai phe thiện và ác.

Điều đầu tiên khiến khán giả khá hụt hẫng khi xem phim là các tình tiết được sắp xếp chưa “chắc tay” và kém thuyết phục. Nửa đầu phim, đúng như nguyên tác thì câu chuyện xoay quanh ba nhân vật: Tấm, Cám và Dì ghẻ. Thế nhưng đến nửa sau, phim lại tập trung vào nhân vật Thái tử. Vèo cái đến cuối phim, cái kết cho mâu thuẫn của ba mẹ con Tấm Cám được cài vào thật gượng ép. Cũng giống như những phim chuyển thể và mang tính sáng tạo khác, ngay từ đầu cái tên “Tấm Cám: Chuyện chưa kể" cũng khiến khán giả chấp nhận những biến tấu về tình tiết và nội dung câu chuyện. Tuy nhiên, cốt truyện phải rõ ràng, nhân vật chính phải xác định cụ thể để người xem bám vào đó mà xem mà hiểu chứ không ngu ngơ tưởng mình đang lạc lối ở tận đâu.

tam-3-ngoisao 1
Tấm Hạ Vi lại là người mang nhiều tiếng cười nhất cho “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”

Kịch bản phim như mê cung là thế, các nhân vật trong phim cũng khiến người xem “nghi ngờ” và đảo lộn hẳn tư duy yêu ghét. Cụ thể nhất là ba nhân vật trung tâm: Tấm, Cám và Dì ghẻ. Nếu bạn lỡ yêu mến nhân vật nàng Tấm ngoan hiền của truyện cổ tích thì hãy chuẩn bị sẵn tâm lí "ghét cay ghét đắng" vì sự giả tạo và chuyển sang làm fan của Cám và Dì Ghẻ vì ác rất hợp lí nhé.

Nhân vật Tấm do "mỹ nữ vạn người mê" Hạ Vi thủ vai mới chính là nhân vật đem lại nhiếu tiếng cười nhất trong Tấm Cám. Đầu phim, Tấm vừa đi vừa hát, tay cầm rọ đựng cá trông như mấy bạn đi bắt Pokemon Go ngoài đường. May cho cô, không bị ngựa của Thái Tử giẫm chết. Tiếp đó, Tấm về nhà ngồi ngâm thơ với cá… Thế rồi, Tấm khóc, cười, xong lại khóc. Khóc nhiều đến nỗi để bụt hiện lên cũng hỏi rằng khóc nhiều thế không mệt à. Có thể thấy Tấm chính là kiểu nhân vật "tóc vàng hoe" dùng nước mắt để đòi hỏi mọi thứ. Thường trong phim kinh dị, mấy nhân vật kiểu này sẽ chết đầu tiên, mà đúng thật, trong phim Tấm Cám, Tấm chết còn chết trước cả bố chồng đang già yếu thoi thóp.

tam-1-ngoisao 0

Với nhan sắc của mình, Hạ Vi hoàn toàn hợp với vai Tấm xinh đẹp, hiền lành. Thế nhưng, khả năng diễn xuất của người đẹp thì chán không buồn nói. 120 phút xem phim chỉ thấy một khuôn mặt ngơ ngác và cực đơ của cô “Tấm” Hạ Vi. Mỗi lần cô xuất hiện khán giả chỉ muốn cười ồ vì những câu thoại cứ nhàn nhạt, nụ cười cố tỏ ra hiền nhưng không đạt. Không nỗ lực phấn đấu để tìm kiếm hạnh phúc như những nhân vật trong các bộ phim chuyển thể khác. Tấm cứ bị hại, rồi nhờ Bụt mà may mắn thoát nạn. Rồi với tuyệt chiêu khóc muốn ngập cả rạp, giây phút cuối, Tấm lại cứu sống được chồng. Phân cảnh khiến khán giả cười đau cả ruột và giúp nàng Tấm được cư dân mạng chế hình nhiều nhất là cảnh cô ấy ngã từ cây cau xuống. Một diễn viên thường nghiên cứu tâm lí nhân vật ở phân cảnh này cũng đủ hiểu là bản thân say sưa hái cau và bất ngờ bị Dì ghẻ đốn cây ngã. Tất nhiên, với một diễn viên non tay như Hạ Vi thì Ngô Thanh Vân càng thị phạm cho nhiều hơn. Nó không phải là cảnh quá khó đòi hỏi lột tả trạng thái biểu cảm nhiều. Vậy mà lúc nhìn Hạ Vi ngã, mọi người chỉ muốn hét lớn: “Ơ Tấm ngã cây lần đầu hay lần mấy chục thế em?”. Vâng, thế vẫn chưa là đủ. Phân đoạn cuối, khi Tấm giết Cám và làm mắm mời Dì ghẻ ăn, nếu xem bạn hẳn phái ghét cô Tấm lắm. Vẻ mặt lạnh lùng, nham hiểm nhưng cực điềm tĩnh mời mẹ kế ăn thịt con mình khiến ai cũng rùng mình. Thật khó hiểu, hành động giết người và làm thịt đó dã man biết mấy mà sao “cô Tấm” Hạ Vi thực hiện thật “ngọt” và “thâm” đến tận cùng.

tam-2-ngoisao 0

Điểm sáng cho phim lại là hai nhân vật nàng Cám và Dì ghẻ. Nàng Cám do Lan Ngọc đảm nhận hoàn toàn chinh phục khán giả vì hợp lí từ biểu cảm, quá trình chuyển đổi tâm lí lẫn hành động. Lúc đầu, Cám thể hiện rất rõ bản chất của một đứa con gái tị hiềm. Xấu tính như thế nào thì phô ra như thế ấy. Không thể nào vai Cám mưu mô xảo quyệt kiểu ngoài mặt bồ tát mà trong bụng toàn dao găm. Điều này lại khiến khán giả hài lòng bởi từ nhỏ, Cám đã được mẹ yêu thương, nuông chiều, muốn gì được nấy thì làm sao không hình thành cái tính ích kỉ, muốn mình là cái rốn của vũ trụ cho được. Càng về sau, Cám lại càng ác. Cái ác này lại rất đời. Thử tưởng tượng, mọi thứ đang nằm trong tính toán, nằm trong lòng bàn tay của bạn thì bất ngờ tan như mấy khói. Người bạn yêu bị con nhỏ bạn ức hiếp hàng ngày cướp đi trong phút chốc, liệu bạn có bình tĩnh nổi? Không chỉ thế, dưới áp lực và sự uy hiếp của tên thừa tướng gian ác, Cám nào còn lựa chọn khác ngoài việc tranh giành hạnh phúc cho mình bằng mọi thủ đoạn. Xem cái cảnh Cám giết con chim vàng anh mà thấy tội. Những đau khổ, dằn vặt của cái tính thiện trong con người với mưu mô và tham vọng gần như khiến Cám gục ngã. Suy cho cùng ai cũng phải vì lợi ích bản thân mà hi sinh người khác là điều thấy hàng ngày trong cuộc sống đời thực đấy thôi.

cam-1-ngoisao 0
 
cam-3-ngoisao 2
 
cam-5-ngoisao 3
Cám Ninh Dương Lan Ngọc nhận được nhiều lời khen về diễn xuất

Sau nàng Cám, Dì ghẻ của Ngô Thanh Vân cũng khiến khán giả rất thích bởi đời không kém. Dì ghẻ ác lắm, cay nghiệt lắm. Hẳn không hề sai vì “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ kế mà thương con chồng”. Nhất là khi Dì ghẻ còn một đứa con gái ruột hỏi sao mà không thương. Dì ghẻ phải dành mọi thứ tốt nhất cho con mình, phải dằn mặt con chồng vì sợ con mình bị ăn hiếp, bị hành hạ. Hơn hết, đứng trước cảnh con gái mình đau khổ vật vã vì mất đi hi vọng, hạnh phúc, Dì ghẻ buộc phải nhẫn tâm. Đoạn Ngô Thanh Vân chặt cây cau trong nước mắt đầm đìa và luôn miệng tự trấn an mình: “Phải vì con Cám, phải vì con Cám”, khán giả cũng phải sụt sùi, cảm thông cho một người mẹ thương con nhất mực và hi sinh mọi thứ cho con. Ngô Thanh Vân đã mang đến một Dì ghẻ rất mới, rất đời. Có lẽ sau vai diễn này, danh hiệu “đả nữ” của cô chắc phải bị tạm lãng quên để thay vào đó là biệt danh “dì ghẻ” mất thôi.

difghe-1-ngoisao 0
 
dighe-2-ngoisao 1

Nhân vật thứ tư phải kể đến trong phim là Thái Tử của Isaac. Nhân vật này không khiến bạn nổi điên khi xem mới lạ. Hoàng tử cứ như người cõi trên khi cái gì cũng không biết, thích gì làm đấy và không suy nghĩ đến hậu quả của mọi việc. Tuy nhiên, số anh chàng này lại cực may mắn, sống cực dai dù bị hại hết lần này đến lần khác. Khán giả chỉ có mỗi cảm giác duy nhất khi Hoàng tử xuất hiện chính là quá sức đẹp trai. Đã vậy, khúc cuối phim, biên kịch còn cố gắng biến hình cho hoàng tử thành siêu anh hùng, văn võ song toàn mà chả hiểu nổi học từ hồi nào.

thaitu-1-ngoisao 0
 
thaitu-2-ngoisao 1
Vẫn có những điểm đáng xem để hi vọng thu hồi vốn

Bỏ qua những hạt sạn, "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" vẫn được xem là một phim tốt và đáng xem trong số những phim Việt Nam ra mắt từ đầu năm đến nay. Bởi nó được làm chỉn chu, đầu tư mạnh về hình ảnh. Những đại cảnh về thiên nhiên rất hùng vĩ và ấn tượng khi chịu khó tìm và khai thác những danh lam thắng cảnh đẹp nhất Việt Nam. Các phân đoạn có sự tác động của kỹ xảo cũng được làm tốt. 20 tỷ kinh phí phim hẳn đổ vào phần này cũng khá nhiều nhưng cực xứng đáng.

chiendau-1-ngoisao 0
 
chiendau-3-ngoisao 0

Tiếp đến, khán giả cũng mát mắt với phần phục trang của phim. Những bộ quần áo hay kiểu tóc trong Tấm Cám không hẳn thuần Việt mà có ảnh hưởng nhiều từ thời hiện đại và tổng hợp những nét tinh hoa đặc sắc nhất từ những nền văn hóa khác.

Kĩ xảo võ thuật, khói lửa, bay nhảy cũng vô cùng đẹp mắt. Những cảnh chiến đấu trong phim được dàn dựng công phu, đặc biệt là những cảnh đấu tay đôi.

chiendau-2-ngoisao 0
 
chiendau-4-ngoisao 1
 
chiendau-5-ngoisao 2
 
chiendau-6-ngoisao 3

Một yếu tố không kém phần quan trọng để giữ chân khán giả đó là những đoạn chuyển cảnh. Phim có những cảnh chuyển khá khéo léo và cho thấy sự tính toán của đạo diễn từ trong quá trình quay phim. Ví dụ như việc chuyển cảnh từ chiếc váy quê mùa của Cám đang mặc lúc hiện tại sang cảnh cô đang xúng xính thử váy mới để chuẩn bị đi dự yến tiệc chẳng hạn.

Bên cạnh đó, biên kịch của phim cũng sáng tạo không ngừng khi đưa thêm những tình tiết về quái vật, những chi tiết đậm tính hành động lẫn thần thoại như nước ngoài vẫn làm để có cái mới cho khán giả xem hơn là cứ rập khuôn mọi thứ một cách nhàm chán.

"Tấm Cám: Chuyện chưa kể" không hẳn đảm bảo 100% yếu tố nghệ thuật hoàn hảo nhưng nó lại là một phim giải trí đáng xem. Những nỗ lực của Ngô Thanh Vân và ê kíp trong việc bỏ tâm tư để làm nên một tác phẩm hoành tráng cũng đủ khiến bạn nghĩ đến chuyện mua vé ủng hộ phim Việt dù hay hay dở vẫn khó có hồi kết.

Theo Nam Nam (Ngoisao.vn/Giadinhvietnam.com)

Nổi bật