Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn chuyên viết các tác phẩm dành cho thiếu nhi có lượng độc giả lớn nhất hiện nay. Từng trang sách của Nguyễn Nhật Ánh đều như “chiếc vé thông hành, không khứ hồi đến với tuổi thơ”. Câu từ giản dị, nhẹ nhàng mà thấm đượm chất dân dã thôn quê, toát lên nét bình dị, mộc mạc, gần gũi thông qua lăng kính của những nhân vật thơ bé.
Các trang văn của Nguyễn Nhật Ánh lúc nào cũng nhẹ nhàng, bình lặng như lời tự sự khi nhớ về quá khứ êm đẹp của một con người, mang đậm chất thơ ngọt ngào mà thấm thật lâu.
Dù ít cao trào hay nhiều tác phẩm không đưa ra một cốt truyện rõ ràng, nhưng truyện của Nguyễn Nhật Ánh lại được các nhà làm phim nổi tiếng Việt Nam lựa chọn để chuyển thể lên màn ảnh rộng nhiều lần, và hầu như tác phẩm nào cũng thành công, gây được tiếng vang lớn.
Có thể kể đến những cái tên điển hình như phim truyền hình Kính vạn hoa, Bong bóng lên trời, phim điện ảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cô gái đến từ hôm qua, và sắp tới sẽ là Mắt biếc, Thiên thần nhỏ của tôi, Ngồi khóc trên cây… Đâu là những lý do khiến truyện của Nguyễn Nhật Ánh lại được ưu ái trên màn ảnh như vậy?
Nguyễn Nhật Ánh luôn kể một câu chuyện bình thường
Mang nặng tình yêu và nỗi nhớ với quê nhà, Nguyễn Nhật Ánh đem niềm thương và kỷ niệm thơ bé ủ vào từng con chữ, từng nhân vật, nếp nhà trong trang sách của mình. Ông là số ít những nhà văn hiếm hoi được mọi độc giả ở mọi độ tuổi yêu thích.
Trẻ nhỏ đọc các tác phẩm của ông sẽ lâng lâng vui sướng như cái cảm giác chờ đợi mẹ đi chợ về mua cho gói quà, để rồi nhảy cẫng lên vì nó đúng là thứ quà chúng thích. Còn người lớn đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh sẽ như được du hành thời gian, quay về tắm lại trên con sông tuổi thơ mát rượi, dịu ngọt, có ánh trăng vàng yên ả chốn đồng quê…
Từ những khu vườn ngọt ngào và rộn tiếng chim, những vết mực tím và những tà áo dài trắng, hay những trò nghịch dại của một thời “nhất quỷ nhì ma”, tất cả đều là những gì từng hiện hữu trong một phần tuổi thơ mỗi người.
Không cầu kỳ, không khoa trương, chỉ kể lại những hồi ức ấy bằng giọng văn nhẹ nhàng, có cái cảm giác “bảng lảng sương khói” như rất gần mà cũng lại rất xa, Nguyễn Nhật Ánh giúp người đọc có cơ hội đắm chìm trong những hồi ức chân thật nhất, như quãng thời gian ngưng lại thư giãn giữa cuộc sống xô bồ.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khi quyết định làm bộ phim Cô gái đến từ hôm qua, chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh đã nhận xét: "Thật ra, một trong những lý do tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thành công và luôn nằm trong trái tim người đọc chính là vì những câu chuyện của anh rất bình thường. Tôi chỉ cố gắng làm nên một bộ phim thật bình thường, giản dị, chân thật, giàu cảm xúc với vài chấm phá về cách kể chuyện khác biệt để diễn tả sự mơ mộng của nhân vật. Tôi nghĩ cái khó nhất của bộ phim chính là tạo nên những cảm xúc lãng đãng từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh".
Người ta thường nói phim ảnh là đời và “nghệ thuật phải bắt nguồn từ cuộc sống”. Còn chất liệu tuổi thơ nào ngồn ngộn và sinh động như trong những trang văn của Nguyễn Nhật Ánh?
“Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim”. Nguyễn Nhật Ánh gửi gắm tất cả tâm tư, tình cảm với tuổi thơ của mình vào từng trang sách và khi được chuyển thể những điều ấy lên màn ảnh một cách thành công, khán giả sẽ cảm thấy chất “đời” hơn bao giờ hết, không gượng ép, gò bó hay làm quá lên, đó đơn thuần là những gì đã chắt lọc nhất, đẹp nhất và để lại cảm xúc nhiều nhất.
Sự dí dỏm và sức tưởng tượng dồi dào trong mỗi tác phẩm
Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh lôi cuốn độc giả bởi những đoạn văn, những tình huống dí dỏm đến mức người đọc phải phá lên cười to mới thỏa bởi giọng điệu kể rất tự nhiên, rất trơn tru chứ không hề gượng ép. Khi chuyển thể lên phim, câu chuyện tuổi thơ nhẹ nhàng lại pha trộn vừa khéo với những mảng miếng gây cười ngộ nghĩnh, khiến bộ phim trở nên duyên dáng và tạo ấn tượng tốt với khán giả nhiều hơn.
Truyện của Nguyễn Nhật Ánh dù không có cao trào nhiều nhưng lại luôn có một cú twist bất ngờ, đôi khi là cái kết lửng lơ, mập mờ, không rõ ràng nhưng làm khán giả phải “à, ồ” khi dõi theo. Như trong Cô gái đến từ hôm qua, đến cuối cùng, hóa ra nhân vật Việt An (Miu Lê) lại chính là mối tình đầu của chàng trai si tình Thư (Ngô Kiến Huy).
Hay trong Mắt biếc, khi Ngạn tưởng chừng đã tìm ra được tình yêu đích thực của cuộc đời thì anh bất ngờ nhận ra những sự thật mà con tim luôn cất giấu, và rồi đưa ra quyết định khiến khán giả phải hoang mang lúc đầu, nhưng sau khi ngẫm kỹ mới thấy đó thực sự là một cái kết ám ảnh, khiến tác phẩm “ghim chặt” vào lòng độc giả hơn.
Nguyễn Nhật Ánh như biến hóa thành “tắc kè hoa” trong mỗi tác phẩm của mình, khiến truyện của ông luôn tươi mới chứ không đi vào lối mòn, cũ kỹ, nhàm chán. Khi thì là thế giới phù thủy đầy quyến rũ, khi lại phiêu du vào thế giới niềm vui, nỗi buồn, vừa trẻ con mà cũng rất người lớn. Những tác phẩm của ông luôn giữ được sự bí ẩn và lấp lánh trong mắt khán giả, khiến mỗi bộ phim chuyển thể từ đó luôn gợi được sự tò mò và lôi kéo khán giả ngồi lại trước màn ảnh.
Khéo léo lồng ghép những thông điệp nhân văn sâu sắc
Văn của Nguyễn Nhật Ánh gợi lên những kỷ niệm trong trẻo, êm đềm, những tình cảm chân thật mà độc giả như tìm thấy mình trong những con chữ đó. Có lẽ vì vậy mà những tầng sâu ý nghĩa bên trong các tác phẩm này có thể phù hợp cho bất kỳ ai, không kể già hay trẻ.
Như Cô gái đến từ hôm qua đong đầy những triết lý tình yêu của một thời tuổi thơ tinh nghịch. Là “Con gái luôn trưởng thành trước con trai”, “Con gái là thứ sinh vật khó hiểu nhất trên đời”, “Chỉ có trái tim con người mới có thể khẳng định tình cảm dành cho đối phương” hay “Chạy trốn tình yêu vốn không phải chuyện dễ dàng”.
Một thời tuổi thơ xa lắm, cái thời mà “làm quen nhau bằng cách vẩy mực vào áo trắng của bạn”, nó dân dã, bình dị nhưng vẫn vô cùng đáng yêu và sâu sắc. Chứ không phải như giới trẻ bây giờ, yêu nhau rồi nói những câu thề thốt hời hợt, triết lý vẩn vơ, yêu nhanh và rồi bỏ cũng nhanh, chứ chẳng có thời gian để mà nuôi nấng cảm xúc, mà lắng nghe thực sự trái tim mình đang muốn nói điều gì.
Hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được nhiều người ví như là “giấc mơ của tuổi thơ”. Nhiều trò trẻ con như chọi cỏ, bắn bi, thả diều, nhảy dây, mót khoai… được tái hiện hồn nhiên và chân thực trên màn ảnh. Câu chuyện gợi ra tuổi thơ đầy hoài niệm, đầy “giông bão” trong ký ức của mỗi người.
Nơi ấy, có một thằng em trai khờ dại suốt ngày chịu đòn thay người anh trai hay hấp tấp, nóng nảy. Nơi ấy, có mái nhà xiêu vẹo với ba, với má, với những câu chuyện ma nghe kể hàng đêm khiến sợ không dám ra đường. Nơi ấy có những mối tình dang dở thôn quê để lại nhiều nuối tiếc. Và nơi ấy, có cô bạn nhỏ với đôi má lúm xinh xinh, dễ thương nhưng khờ khạo mãi không nhận ra tình cảm của chàng trai bé nhỏ…
Tuổi thơ hiện lên màn ảnh, bắt nguồn từ những trang sách của Nguyễn Nhật Ánh sao mà đẹp và thân thương đến thế. Để rồi ta chợt bồi hồi nuối tiếc vì tuổi thơ đã đi quá tầm tay, và không bao giờ có thể lấy lại được. Ta chỉ muốn mình được quay trở lại quãng hồi ức tươi đẹp ấy để đắm chìm trong cảm xúc lâng lâng, để sửa chữa những lỗi lầm ngày thơ bé, và ước rằng mình đã trân trọng những tháng ngày ấy hơn.
Những bài học về luân lý, về tình người cũng trở đi trở lại trong day dứt và tiếc nuối khiến độc giả không khỏi xúc động.
Theo Hà Trang (Tri Thức Trực Tuyến)