Xưng hô 'mày - tao' là bình thường trong cuộc sống?
Đó là đánh giá của khá nhiều độc giả, ví dụ như bạn đọc để lại số điện thoại ***8743. "Cấp trên gọi cấp dưới là "thằng", xưng hô "mày - tao" cũng là bình thường trong thực tế cuộc sống, vừa gần gũi và thân thương. Thất tình uống say cũng là bình thường, không nên vì tô hồng mà xây dựng nhân vật không có thực. Tuy nhiên phim có nhiều sự vô lý, lê thê, dàn trải là có thực. Các tuyến nhân vật xây dựng chưa tới, lời thoại, biểu cảm diễn viên như diễn kịch chứng tỏ biên kịch và đạo diễn còn non tay, chưa tới".
Cùng chung quan điểm, độc giả Trần Đức Hiền nhận xét: "Thật ra việc xưng hô 'thằng - nó' hay 'mày - tao' là chuyện bình thường rất đời và rất người. Công an cũng thế! Đây không phải vấn đề bản lĩnh chính trị hay nghiệp vụ càng không phải phạm trù đạo đức".
Bạn Doan Anh thì cho rằng: "Tưởng chê cái gì chứ chê cách xưng hô 'mày - tao' thì tôi tin người nào chê điểm này thực tế không hiểu môi trường lính nói chung và cũng không hiểu cách xưng hô tuy xuồng xã nhưng thân mật ngoài xã hội. Chính chi tiết này mới thật đấy. Khi còn làm việc, tôi cũng thường 'mày - tao' với đồng nghiệp bằng và ít tuổi hơn, thấy có sao đâu".
Độc giả Thanh Thien phân tích: "Làm phim về đề tài cảnh sát, công an vừa khó vừa nhạy cảm. Có những vấn đề nhạy cảm mà đạo diễn không thể đưa hết lên phim và không thể logic được hết. Mọi người chê bai 2 sạn: cách xưng hô 'mày - tao' và tình cảm riêng tư của 3 trinh sát trẻ Triều, Lam, Yến. Xin thưa kể cả trong môi trường tri thức, học vấn cao thì cách xưng hô 'mày - tao' rất bình thường, rất đời, trừ khi là trong các cuộc hội họp. Còn việc tình cảm tay ba của 3 trinh sát trẻ, họ cũng là con người với cái tốt, cái xấu trong người như bao người khác. Phim nào chả có sạn nên chúng ta nên ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các nghệ sĩ làm phim. Còn những sạn của phim chắc đạo diễn cũng rút được kinh nghiệm để làm các phim sau hoàn thiện hơn".
Ê kíp cần lắng nghe, tiếp thu, đừng đổ cho khán giả trình độ thấp
Hoàn toàn trái ngược với những ý kiến nêu trên, không ít độc giả khẳng định chuyện xưng hô bỗ bã "mày - tao"... hiếm thấy ở các lãnh đạo công an cấp cao trong phim Bão ngầm.
Độc giả Bùi Toản góp ý cùng TS Đào Trung Hiếu - biên kịch kiêm phó đạo diễn của bộ phim: "Bạn Hiếu nên cầu thị lắng nghe ý kiến phản hồi của khán giả để điều chỉnh, làm cho bộ phim tăng thêm giá trị hơn. Tôi là người đã công tác hơn 40 năm trong ngành công an, đã tiếp xúc với đủ các thế hệ lãnh đạo từ cấp Đội ở cơ sở, địa phương cho đến lãnh đạo cấp cao ở Bộ nhưng trong công việc hàng ngày, hầu như tôi chưa bao giờ nghe thấy những lãnh đạo từ cấp công an tỉnh trở lên gọi cán bộ dưới quyền mình là 'thằng' cả. Chỉ cần một chi tiết đời thường đó thôi đã khiến tôi mất cảm tình về bộ phim này rồi".
Bạn đọc ở địa chỉ ***o.com.vn nhận xét: "Bộ phim Bão ngầm cách xưng hô không đúng mực. Tôi làm chỉ huy nhiều năm nhưng trong cuộc họp gọi là đồng chí, ngoài cuộc họp gọi "cậu - tôi" hoặc tên của cấp dưới. Ngoài ra, bản lĩnh của các trinh sát quá yếu, các phim nước ngoài họ xây dựng bản lĩnh của cảnh sát là nhân vật chính diện rất cao cường... Cuối cùng, đạo diễn cần lắng nghe, tiếp thu, đừng đổ cho khán giả trình độ thấp".
Đưa ra ý kiến tương tự, độc giả Hoàng đặt vấn đề: "Sao công an là lực lượng vũ trang, có quân lệnh chặt chẽ mà cán bộ gọi cấp dưới là 'mày - tao', thằng nọ con kia...? Mình là bộ đội, cũng làm chỉ huy vài chục năm, không bao giờ phạm điều tối kỵ ấy nên khi xem vô cùng bực tức".
Bạn CAN cũng liệt kê hàng loạt "sạn" và đặt nhiều câu hỏi: "Xem phim thấy như đóng kịch. Nói là không xưng hô đồng chí mà xưng hô rất đời thường nhưng không thể lạm dụng lúc nào cũng 'mày - tao', thằng này thằng kia được. Nhất là ở cương vị lãnh đạo, là giám đốc CA tỉnh. Rồi mỗi lần xem Cao Thái Hà diễn lại thấy rất giả và gượng gạo vì khẩu hình không khớp với lồng tiếng (do người miền Nam mà lồng tiếng miền Bắc nên nhìn khá lệch, không khớp). Tình tiết phim không khớp thực tế, trong khi đường dây ma túy lớn bị đánh sập bởi Hải Triều mà ông trùm lại không nắm được danh tính. Liệu trùm ma túy núp bóng doanh nhân thành đạt có kém cỏi vậy không?".
Người làm phim nên cầu thị
Trước những ý kiến của TS Đào Trung Hiếu - biên kịch kiêm phó đạo diễn Bão ngầm, độc giả ***3324 nêu quan điểm: "Phim hay thì người xem khen mà dở thì người xem chê, âu cũng là chuyện thường! Vấn đề là văn hoá "lắng nghe", văn hoá "cầu thị" của biên kịch, đạo diễn và diễn viên thế nào. Còn cứ tự khen, tự huýnh kiểu này bao giờ phim Việt Nam mới khá lên?".
Hoàng LC cũng có ý kiến tương tự: "Văn mình, vợ người! Tác giả nào mà chẳng khen chuyện của mình hay, tầm cỡ. Nhưng xin tác giả hãy lắng nghe ý kiến phản biện của đồng đội, của khán giả và cảm nhận của họ khi xem Bão ngầm. Tôi cũng là một cán bộ trong lực lượng CAND, cũng trải qua nhiều công tác, nhiều cuộc chiến cam go và đầy thử thách. Nhưng thú thật, chuyện phim anh Đào Trung Hiếu viết dở thật. Khán giả xem phim chỉ nhìn thấy tiêu cực, phản bội, ăn hối lộ trong ngành công an thì nhiều mà tôn vinh những chiến công, những chiến sĩ công an thì ít. Như vậy có thể nói, mục tiêu lớn của Bão ngầm tác giả muốn truyền tải đến người xem, rất tiếc đã không đạt được".
Bạn đọc HVTC Nguyen Dang Nam vạch ra hàng loạt "sạn": "Trong phim một số nhân vật chính nhưng kịch bản lại thấy chưa đúng tầm. Ví dụ, Thiếu Tướng Hoạch là Giám đốc Sở nhưng phần lớn ý kiến chỉ đạo đều dựa trên đề xuất của Đại tá Hà, hoặc Đại úy Hải Triều tính tình lại nóng nảy, chẳng nghĩ được kế sách gì hay. Còn các nhân vật phản diện từ trùm đến tớ lại quá khờ khạo, dễ bị công an dắt mũi thế... Chưa kể một số chi tiết như cô thiếu úy bắn súng tay phải ngắm mắt trái; anh công an đóng 2 vai nhưng hóa trang kém dễ bị nhận mặt gây phản cảm. Phim có cái được, cái chưa được cũng là bình thường, cần lắng nghe, cầu thị để làm phim tốt hơn. Một phim hay trước hết phải có kịch bản hay, phản ánh được hiện thực xã hội, tiếp đến là diễn viên giỏi, quay phim có tay nghề...".
Bão ngầm tiếp tục phát sóng tức là ê-kíp thực hiện còn phải đối mặt với những khen - chê. Phim đang tiến dần đến giai đoạn cuối, dự kiến kết thúc ở tập 78.
Theo Lê Cúc (VietNamNet)