Hoành Điếm rộng gấp 27 lần diện tích phim trường Universal và Paramount, mang kiến trúc của Tử Cấm Thành. Không kém cạnh, phim trường Vô Tích nằm ở tỉnh Giang Tô cũng tự hào là địa điểm mang lại sự thành công cho nhiều phim cổ trang.
Đầu tư lớn, thế mạnh phục trang, hình ảnh và địa điểm - nhiều dự án khi phát sóng khiến các nhà làm phim tin vào thời kỳ Trung Quốc vượt qua Hollywood ở mảng phim truyền hình lịch sử.
Nhưng đó chỉ là bề nổi của công tác sản xuất phim cổ trang. Phía sau ống kính, sự thật không hoàn hảo và chuyên nghiệp như vậy.
Phim trường tại Trung Quốc rộng nhưng thô sơ. Để quay phim, các đoàn phim phải chịu khó đầu tư từ A đến Z. Hệ thống chống nóng được phủ vải xanh, đồ đạc lung tung là hình ảnh thường thấy. Ảnh: Douban. |
Phim trường xa hoa hay sự lăng xê lố?
Phim trường được đánh giá lớn nhất Trung Quốc - Hoành Điếm - là bối cảnh của Bộ bộ kinh tâm, Chân Hoàn truyện. Tại đây, tất cả chỉ là vỏ khung, các nhà làm phim phải bỏ ra kinh phí lớn để tạo được độ chân thực hoặc chấp nhận quay chắp vá.
Họ lo từ cái bàn đến rương rèm, nội thất. Ông Chu Hoành Tuấn - đại diện phim trường - xác nhận họ chỉ cho thuê tòa thành trống. Việc tạo ra lối kiến trúc vương giả hay vật dụng cầu kỳ hay không do mức độ túi tiền của từng đoàn.
“Hàng năm có vài chục đến cả trăm dự án quay tại đây nhưng chỉ khoảng 5% số này được đầu tư”, ông nói thêm.
Các nhà làm phim cho biết họ mệt mỏi khi phải chạy theo các dự án cổ trang. “Thiếu vật dụng, đạo cụ và nếu thời tiết khắc nghiệt là sự cực hình”, một đạo diễn nói trên QQ.
Tại Chiết Giang tháng nóng cao điểm có thể lên đến 40 độ C nhưng phim trường không có nổi một cái quạt. Ê-kíp có kinh phí lớn thậm chí phải lắp hệ thống điều hòa di động ngay ở phim trường.
Các đoàn phim đa số không có nổi cái quạt trên phim trường nếu quay khi thời tiết nóng. Ảnh: QQ. |
Tài tử Luhan chia sẻ: “Nóng, quá nóng. Ngày ngày chúng tôi thay khoảng 4 bộ trang phục. Bộ nào cũng ướt đẫm mồ hôi khi quay". Giới trong nghề còn đùa khi gọi Hoành Điếm là “tiểu lò bát quái”.
Cảnh kỳ công chỉ là… giả
Một số hình ảnh trong hậu trường công bố cho thấy phim cổ trang chủ yếu sử dụng kỹ xảo hình ảnh “mê hoặc” khán giả. Việc này giúp họ giảm tải kinh phí đáng kể. Ví dụ như cảnh ngồi kiệu, ê-kíp chỉ cần để kiệu đứng yên một chỗ, vài diễn viên hậu đài cầm cây giả di chuyển xung quanh đánh lừa thị giác.
“Không phủ nhận việc khá nhiều đoàn phim thổi phồng kinh phí đầu tư. Việc lạm dụng kỹ xảo ở từng chi tiết nhỏ nhất là chiêu trò của các nhà làm phim hiện nay”, QQ trích dẫn lời đạo diễn phim Thái tử phi thăng chức ký. Theo ông đây là lý do khiến 70% đầu phim cổ trang bị đánh giá kỹ xảo hình ảnh… 5 xu.
Đến cảnh đi kiệu cũng chỉ là sự chắp vá tạo hiệu ứng. Ảnh: Toutiao. |
Bay lượn với dây cáp mất an toàn
Cảnh bay lượn, thi triển khinh công là hình ảnh quen thuộc trong các phim cổ. Để thực hiện cảnh phim này, các ê-kíp sử dụng hệ thống dây cáp. Nhưng tại Trung Quốc, để tiết kiệm kinh phí làm phim, họ có thể sử dụng các thiết bị thiếu an toàn. Đây là lý do xảy ra không ít tai nạn trường quay đáng tiếc.
Gần đây nhất là vụ tai nạn của Vu Mông Lung. Theo hình ảnh ghi lại từ hiện trường, nam diễn viên được treo bằng dây cáp ở độ cao 10 mét và quay cảnh phi thân bay lượn. Nhưng cảnh tiếp đất đã gặp sự cố. Báo chí cho biết nam diễn viên bị gãy xương vì va chạm mạnh. Vu Mông Lung buộc phải ngừng quay phim để điều trị.
Huỳnh Hiểu Minh từng bị thương vì ê-kíp tiết kiệm tiền đầu tư hệ thống dây cáp. Ảnh:163. |
Huỳnh Hiểu Minh hồi năm 2014 quay bộ phim Bạch phát ma nữ cũng bị tai nạn. Khi quay cảnh với cáp treo và gặp cơn gió mạnh, không may anh bị ngã từ trên cao xuống, dẫn đến tay trái và đầu gối trái bị chấn thương nặng.
Trong khi đó nam diễn viên Đài Loan Minh Đạo từng nghĩ đến chuyện khởi kiện vì cách làm phim ẩu của Đại lục.
Bối cảnh khi quay tại phim trường Hoành Điếm. Ảnh: TM. |